Shark Phú chốt deal đầu tiên mùa 4 theo phong cách “bank tank”: Cho startup vay 15 tỷ đồng nhưng cần thế chấp 3 căn nhà, nếu startup làm tốt mới chuyển tiền thành cổ phần

10/05/2021 07:02 AM | Kinh doanh

Và tất nhiên, trường hợp startup làm không tốt hoặc đơn giản Shark Phú không đầu tư, startup sẽ phải trả cho shark 15 tỷ đồng kèm lãi suất 10%/năm.

Tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 4 mở đầu bằng sự xuất hiện của anh Nguyễn Châu Long, CEO, nhà sáng lập Công ty CP Thiên Kim An. Anh Long mang đến chương trình giải pháp giúp phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa một lần, đó là hạt nhựa Bioplast, được sản xuất từ bột mỳ và một số thành phần khác theo công thức riêng.

Theo giới thiệu của CEO này, hạt nhựa sinh học Bioplast sẽ tự hủy thành đất, nước và CO2, hoàn toàn không để lại vi nhựa ra môi trường. Hạt nhựa Bioplast cũng đã được kiểm nghiệm và đạt chứng nhận tại Mỹ, Châu Âu.

Startup đến chương trình để kêu gọi 4,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần, và có thể bán tối đa 35% cổ phần. Trước đó CEO Nguyễn Châu Long đã tự bỏ tiền túi là 16 tỷ đồng để đầu tư vào startup.

Về giá bán của sản phẩm, anh Long cho biết hạt nhựa sinh học Bioplast có giá đắt gấp 2,5 lần hạt nhựa thông thường. Tuy nhiên vì nhựa thông thường còn bị áp thuế môi trường nên tính ra, giá thành đầu vào của 2 loại sẽ tương đương nhau.

Trong định hướng của anh, startup sẽ vừa cung cấp nguyên liệu nhựa, vừa hướng tới sản xuất các dòng sản phẩm làm từ hạt nhựa này như găng tay, hộp đựng thực phẩm,...vừa cung cấp công nghệ, máy móc cho khách hàng. Vì mới dừng ở giai đoạn đạt giấy chứng nhận, chưa đưa sản phẩm ra thị trường nên startup chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.

Dù đánh giá cao ý tưởng và mô hình của CEO Nguyễn Châu Long, các shark Hưng, Liên, Việt đều từ chối rót vốn vì cho rằng startup còn quá sơ khai, hay theo lời Shark Hưng là startup "đến chương trình hơi sớm". Trong khi đó, Shark Bình rút lui vì Shark thừa nhận thế mạnh của mình là chuyển đổi số, yếu tố vốn chưa thể phát huy ngay trong mô hình này.

Shark Phú chốt deal đầu tiên mùa 4 theo phong cách “bank tank”: Cho startup vay 15 tỷ đồng nhưng cần thế chấp 3 căn nhà, nếu startup làm tốt mới chuyển tiền thành cổ phần - Ảnh 1.

Duy nhất Shark Phú là người ra "kèo" với đề nghị góp vốn 4,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần. Tuy nhiên, ở mức này, startup của anh Long sẽ có định giá trước khi đầu tư là 13,5 tỷ đồng, thấp hơn số tiền túi anh đã bỏ ra là 16 tỷ đồng.

"Không quan trọng mình bỏ ra bao nhiều tiền mà em phải nhìn vào tương lai. Nếu chúng ta đi với nhau thì dự án thành công nhanh hơn, vì anh có hệ thống đầu ra và sản xuất; em chỉ cần tạo ra sản phẩm cụ thể, nhanh chóng và có giá thành thấp nhất có thể để đưa vào thị trường. Đừng quan tâm thiệt hơn".

Sau một hồi trao đổi, CEO Châu Long đề nghị Shark Phú rót 15 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Máu lửa hơn, CEO này cam kết trong vòng 3 năm, nếu công ty phá sản, anh sẵn lòng gán lại 3 căn nhà của mình cho Shark, với ước tính tổng giá trị 3 căn khoảng hơn 10 tỷ đồng.

"Được lời như cởi tấm lòng", Shark Phú ngay lập tức tung chiêu mình hay dùng trong các mùa trước, đó là trái phiếu chuyển đổi và sẵn sàng "làm hợp đồng mua bán ngay lập tức". Theo đó, Shark đồng ý cho startup vay 15 tỷ đồng trong vòng 3 năm, với thế chấp là 3 căn nhà. Trường hợp Shark không đầu tư, CEO Nguyễn Châu Long phải trả lại Shark 15 tỷ đồng kèm mức lãi suất 10%/năm.

"Trường hợp anh muốn chuyển đổi thành cổ phần, thì lúc ấy anh chuyển đổi 15 tỷ đồng thành 35%".

Ngay lập tức, kèo mới của Shark Phú bị các bạn cùng bể phản ứng lại. Shark Liên hỏi vặn "Shark lên đây đầu tư hay cho vay" và khuyên Shark Phú "nên chuyển sang làm ngân hàng đi". Trong khi đó Shark Hưng hài hước nhận định "bank tank đã xuất hiện" còn Shark Bình gọi vua chảo là "investment bank" (ngân hàng đầu tư, PV).

Tuy nhiên, sau khi ra cánh gà cân nhắc, CEO Nguyễn Châu Long đã đồng ý với "kèo" của Shark Phú. Anh tiết lộ kế hoạch của mình là sau khi ổn định giấy tờ, công nghệ, anh sẽ bán nhà để xây nhà máy lớn hơn. "Giờ chưa bán được thì mình nhận tiền đầu tư của Shark để phát triển công ty", anh trần tình.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM