Mặt tối của xã hội Nhật Bản: Khi người già sống lấn mất phần trẻ em

17/11/2019 07:30 AM | Xã hội

Nhật Bản nổi tiếng là nền kinh tế lớn trên thế giới với chất lượng sống cao, là nơi an toàn ít trộm cắp. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy một thực tế đáng buồn là 1/7 số trẻ em tại Nhật đang phải sống trong cảnh nghèo theo tiêu chuẩn của tổ chức này.

Sự thật về những người mẹ nghèo tại Nhật

Nhật Bản nổi tiếng là nền kinh tế lớn trên thế giới với chất lượng sống cao, là nơi an toàn ít trộm cắp. Tuy nhiên, nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy một thực tế đáng buồn là hầu hết những người mẹ đơn thân tại đây có thu nhập chỉ bằng 50% so với mức bình quân cả nước cũng như phải sống trong cảnh nghèo khổ.

Đối với những người mẹ đơn thân nghèo khổ tại Nhật, chính phủ thường bố trí cho họ tham gia khóa đào tạo chăm sóc cho người già, một công việc thu nhập thấp phù hợp với những trường hợp này.

Những đứa con của các bà mẹ đơn thân Nhật hầu hết cũng phải sống trong cảnh nghèo khổ, ít học cũng như không có định hướng rõ ràng cho tương lai. Báo cáo của OECD cho thấy 1/7 số trẻ em tại Nhật đang phải sống trong cảnh nghèo theo tiêu chuẩn của tổ chức này.

Đồng quan điểm trên, hãng Nippon Foundation nhận định Nhật Bản sẽ mất khoảng 2,9 nghìn tỷ Yên (26,3 tỷ USD) thiếu hụt thu nhập từ những người nghèo trên do không bố trí được công ăn việc làm xứng đáng với tiềm năng lao động của họ. Ngoài ra, khoảng 1,1 nghìn tỷ Yên thiệt hại từ tiền thuế cũng như các chi phí xã hội khác mà chính phủ phải chi hàng năm cho những trẻ em và người nghèo này sẽ bào mòn ngân sách Nhật Bản.

Tồi tệ hơn, dân số Nhật Bản đang trong quá trình lão hóa và việc bỏ bê cuộc sống của những người mẹ đơn thân đang khiến nước này càng thiếu hụt lao động có tay nghề hơn.

Những số liệu này càng trớ trêu hơn khi Nhật Bản vẫn là 1 trong 10 nước giàu nhất thế giới có dân số hơn 10 triệu người tính theo GDP bình quân đầu người, kể cả khi kinh tế Nhật đã giảm tốc nhiều năm và bị Trung Quốc vượt qua.

Mặt tối của xã hội Nhật Bản: Khi người già sống lấn mất phần trẻ em - Ảnh 1.

Tỷ lệ nghèo khổ của các bà mẹ đơn thân Nhật Bản còn tệ hơn khi họ có việc làm, trái ngược với nhiều nước khác (%)

Rõ ràng, những tiến bộ về kinh tế tại Nhật không đến được với những người phụ nữ đơn thân. Báo cáo của OECD cho thấy chưa đến 50% những người mẹ đơn thân Nhật nhận được tiền trợ cấp từ chính phủ và kể cả khi họ kiếm được việc làm, những định kiến xã hội cũng khiến thu nhập của phái yếu thấp hơn.

Các cuộc thống kê cho thấy phụ nữ kiếm ít hơn đàn ông 30% cho cùng một công việc đơn giản ở Nhật. Khoảng 60% phụ nữ Nhật lao động bán thời gian, hợp đồng kỳ hạn hoặc những việc có thu nhập thấp, một tình trạng kỳ quặc tại đất nước đang thiếu lao động.

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ lao động Nhật cho thấy lượng bà mẹ đơn thân Nhật đã tăng khoảng 50% lên 712.000 người trong hơn 10 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em của các gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân tại Nhật đứng ở mức 56%, cao hơn rất nhiều mức bình quân 32% của Mỹ và thuộc hàng cao nhất trong nhóm các nước phát triển OECD.

Đối với những trường hợp may mắn hơn, người mẹ nhận được trợ cấp từ chồng cũ hoặc sống cùng gia đình bố mẹ vợ. Dẫu vậy, những người mẹ đơn thân Nhật vẫn phải sống trong cảnh nghèo với một công việc thu nhập thấp và không thể cho con cái họ một nền giáo dục đầy đủ.

"Bạn có rất ít lựa chọn khi không có tiền, bạn sẽ phải lo toan rất nhiều thứ nhỏ nhặt", chị Ikeda nói.

Người già vs trẻ em

Trên thực tế, chuyện tiền bạc không phải lý do duy nhất khiến những người mẹ đơn thân và con cái họ phải sống trong nghèo khổ. Việc xã hội Nhật quá coi trọng người già tại đây cũng là một phần khiến nhiều trẻ em không nhận được lợi ích từ phát triển kinh tế.

Ngân sách Nhật hiện tốn quá nhiều tiền cho các quỹ an sinh xã hội và chăm sóc người già trong khi những người mẹ đơn thân lại phải chịu sự ghẻ lạnh của mọi người. Nhật Bản hiện tiêu tốn tới 121,3 nghìn tỷ Yên cho an sinh xã hội và con số này dự kiến sẽ tăng 60% lên 190 nghìn tỷ Yên (1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2040.

Cụ thể, chi phí cho chăm sóc tại gia và dịch vụ y tá cho người già ước tính tăng 140% từ 10,7 nghìn tỷ Yên hiện nay lên 25,8 nghìn tỷ Yên năm 2040. Chi phí y tế cho người già cũng sẽ tăng 75% lên 68,5 nghìn tỷ Yên cùng kỳ. Số tiền lương hưu phải trả cũng sẽ tăng 29% lên 73,2 nghìn tỷ Yên.

Mặt tối của xã hội Nhật Bản: Khi người già sống lấn mất phần trẻ em - Ảnh 2.

Tỷ lệ trẻ em phải sống trong cảnh nghèo khổ trên tổng số (đen) và tại các gia đình đơn thân (đỏ) ở Nhật (Số liệu công bố mới nhất của Bộ lao động Nhật tính đến năm 2015)

Thêm vào đó, tăng trưởng giảm tốc khiến tầng lớp mẹ đơn thân Nhật Bản không có công việc ổn định mà phải quay sang những vị trí lương thấp, bán thời gian.

Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế và cho thấy số liệu tỷ lệ lao động nữ đã tăng trong xã hội, nhưng các chuyên gia cho rằng phần lớn việc làm này là bán thời gian, thu nhập thấp và chẳng cải thiện mẩy tình hình.

Một người mẹ đơn thân giấu tên vì sợ chồng cũ hành hung cho hãng tin Bloomberg biết rằng cô cảm thấy như mình ở tầng đáy của xã hội và tất cả những gì cô làm chỉ để nuôi đứa con của mình. Cô phải làm bán thời gian 2 công việc, tiếp tân cho một phòng khám và thu ngân cho một siêu thị để đủ tiền chăm con. Những người mẹ đơn thân khác mà cô biết thậm chí còn phải làm nhiều công việc hơn để kiếm tiền sinh hoạt.

Những mục tiêu viển vông

Chính trị gia Masaji Matsuyama cho biết vấn đề trẻ em đã được giải quyết phần nào dưới những chính sách của Thủ tướng Abe từ cuối năm 2012. Ông Matsuyama dẫn chứng số liệu thống kê mới nhất của của Bộ lao động Nhật cho thấy tỷ lệ nghèo khổ của trẻ em đã giảm từ 16,3% năm 2012 xuống còn 13,9% năm 2015. Tỷ lệ hộ cha mẹ đơn thân nghèo ở Nhật cũng giảm từ 54,6% xuống 50,8% trong cùng kỳ.

Tuy nhiên điều này liệu có chính xác?

Ngoài những chính sách hỗ trợ trẻ em, chính quyền Tokyo đã tăng thuế tiêu thụ lên 10% vào năm 2019 để lấy tiền trợ cấp cho giới trẻ. Dẫu vậy, Nhật Bản hiện đang là quốc gia có mức nợ lớn nhất thế giới cũng như phải thanh toán khoản chi khủng trợ cấp cho người già và ý tưởng này dường như quá viễn vông. Mục tiêu đạt thặng dư ngân sách của Nhật đã bị trì hoãn nhiều năm và nay tiếp tục bị đầy lùi sang năm 2025.

Giáo sư Noriko Yamano của trường đại học Osaka cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy những chính sách của chính phủ khiến trẻ em Nhật thoát nghèo. Hầu hết những quỹ trợ cấp thành lập bởi chính phủ không đánh giá lại kết quả cũng như không có một mục tiêu cụ thể nào cho trẻ em Nhật.

Mặt tối của xã hội Nhật Bản: Khi người già sống lấn mất phần trẻ em - Ảnh 3.

Tỷ lệ chi tiêu công theo % GDP cho người già và gia đình tại Nhật có sự chênh lệch lớn so với các nước trong OECD (Số liệu mới nhất hoặc của năm 2014)

Theo các chuyên gia, việc trợ giúp những trẻ em nghèo không có điều kiện tại Nhật đang đè nặng lên vai những tổ chức từ thiện hơn là nhận được trợ giúp từ chính phủ. Trớ trêu thay, những trẻ em trong các trại trẻ mồ côi lại đang trở thành nạn nhân bị đánh đập, bắt nạt.

Số liệu chính thức cho thấy 60% trẻ em trong các trại này bị tổn thương về thể xác và tinh thần, chỉ khoảng 12% số trẻ em rời trại trẻ mồ côi khi tròn 18 tuổi là được đi học, số còn lại kết thúc trong các băng đảng, trở thành người vô gia cư hoặc nhận những công việc lương thấp.

"Mọi người đều ngại khi để mọi người biết rằng mình sống trong một hộ nghèo và nỗi sợ đó khiến họ bị áp lực hơn trong cuộc sống", Chủ tịch Hironomu Narisawa của quận Bunkyo Ward- Tokyo ngậm ngùi nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM