Lương chưa tới 10 triệu/ tháng vẫn dư sức mua nhà: Sẽ không viển vông nếu bạn biết tới 5 “chiêu” này
Dẹp suy nghĩ lương không cao chẳng bao giờ mua nổi một căn nhà đi.
Cho đến thời điểm hiện tại, "an cư lạc nghiệp" vẫn là tôn chỉ hàng đầu với nhiều người. Bởi lẽ sau nhiều năm xoay vòng giữa những bộn bề cuộc sống và công việc, ai mà không muốn có một căn nhà của riêng mình. Có nhà không chỉ thoải mái về tinh thần mà cũng phần nào là động lực cho mỗi người cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc để cuộc sống ngày càng thêm đủ đầy.
Song với tình trạng bất động sản "đắt xắt ra miếng" như hiện nay, một căn nhà nhỏ ở quê cũng khó nhằn nói gì đến những căn hộ tiền tỷ ở các thành phố lớn. Chỉ cần nghe đến đây thôi, một số người - đặc biệt là những người có mức lương ba cọc ba đồng đã nản chí, chẳng dám mơ mộng thêm gì nữa rồi.
Thế nhưng, kể cả khi lương bạn chẳng bao giờ vượt mức 10 triệu/ tháng, bạn vẫn có thể sở hữu một căn nhà riêng với loạt bí kíp dưới đây.
1. Lên kế hoạch chắc chắn
Nếu đã muốn mua nhà, đầu tiên bạn phải có một kế hoạch rõ ràng sẽ mua được nhà trong bao lâu nữa: 2 năm, 5 năm hay 10 năm? Tiếp theo sau đó là nghĩ đến việc bắt đầu thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm bao nhiêu mới có thể sở hữu được nhà. Bởi lẽ không có ai trong chúng ta mới đi làm được đôi ba tháng, lương ba cọc ba đồng mà có thể "tậu" luôn căn hộ sang chảnh nếu không có người thân hỗ trợ.
Việc lên kế hoạch rõ ràng, cụ thể từng mốc thời gian vừa là áp lực, vừa là động lực cho bạn phải cố hết sức để có thể thực hiện được điều đó. Mặt khác, kế hoạch chi tiết này cũng phần nào giúp bạn kiểm soát từng khoản tiền chi tiêu, tiết kiệm cũng như rõ hơn về tài chính của mình.
2. Phân bổ chi tiêu hợp lý
Sau khi đã có kế hoạch với từng mốc thời gian, bạn cần phân bổ thu nhập mỗi tháng thật hợp lý. Sao cho những nhu cầu thường ngày, khoản chi đảm bảo cuộc sống vẫn không bị ảnh hưởng mà còn dư ra chút để dành cho việc mua nhà.
Bạn có thể dùng công thức 6 chiếc lọ - bí kíp chi tiêu khôn ngoan mà rất nhiều người áp dụng để quản lý các khoản tiền của mình. Nôm na dễ hiểu, quy tắc 6 cái lọ là chia nhỏ các khoản thu nhập bao gồm lương, thưởng hoặc bất cứ khoản tiền nào bạn có vào 6 quỹ tài chính riêng biệt, khác hẳn nhau. Tỷ lệ của 6 quỹ này lần lượt là: Nhu cầu thiết yếu 55%, giáo dục 10%, tự do tài chính 10%, hưởng thụ 10%, tiết kiệm dài hạn 10% và giúp đỡ mọi người 5%.
Ví dụ lương bạn là 8 triệu một tháng, số tiền bạn dùng cho nhu cầu thiết yếu là 4400k, giáo dục - tự do tài chính - hưởng thụ - tiết kiệm 800k/ quỹ và 400k để giúp đỡ người khác.
3. Đừng sợ vay mượn
Để nhanh chóng mua được nhà, bạn hoàn toàn có thể chọn cách để dành được một phần tiền và vay mượn phần còn lại. Nhiều người nghe xong sẽ thấy sợ hãi, bởi lẽ đâu ai muốn phải "đeo gông vào cổ", ôm áp lực nợ nần suốt hàng chục năm liền.
Tuy nhiên, bạn nên biết rằng tiền lãi ngân hàng mỗi năm đều không tăng nhanh bằng giá bất động sản. Nếu bạn muốn nhà hãy mua ngay khi thấy phù hợp, chấp nhận gánh vác nợ nần. Càng chần chừ đợi lâu, bạn càng đẩy căn nhà trong mơ ra xa bạn hơn.
4. Dùng tiền "đẻ" ra tiền
Nếu chỉ tiết kiệm thôi mà mua được nhà trong khi lương ba đồng, ba cọc sẽ rất khó khăn cho bạn. Thay vì chỉ dựa vào mỗi tiền tiết kiệm và lãi suất của chúng, bạn có thể thử trích ra một ít tiền để đầu tư, kinh doanh kiếm thêm chút ít lận lưng.
Mặt khác, thay vì chọn cách cố sống cố chết mua cho bằng được căn nhà liền ngay, bạn có thể chuyển hướng sang những thứ khác. Ví dụ như mảnh đất nhỏ ở ngoại thành, căn nhà cũ ở khu xa trung tâm. Những thứ này mua cũng được, không mua cũng được nhưng nếu sở hữu chúng, bạn chẳng bao giờ hối hận. Biết đâu vài năm sau, những tài sản ấy tăng giá mạnh, bạn sẽ có khoản lời to đùng để mua được căn nhà mơ ước thì sao?
5. Đừng dễ dàng thỏa hiệp
Đồng lương không tới 10 triệu nếu biết ăn tiêu vẫn đem lại cho bạn cuộc sống thoải mái, dư dả chút đỉnh. Nhưng nếu gánh thêm tiền trả góp nhà, cuộc sống của bạn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Giải pháp dễ dàng nhất là xin tăng lương hoặc đổi công việc mới. Để làm được những điều này mà có lợi nhất, trước hết bạn phải chấp nhận bỏ tiền đầu tư cho bản thân. Học thêm vài khóa kỹ năng mềm hỗ trợ công việc, nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ… đều giúp ích rất nhiều nếu bạn muốn đẩy thu nhập mình lên một tầm khác.
Tiếp tục gồng lên chịu đựng trả nốt tiền nhà và sống chật vật rất nhiều năm hay tìm cách được tăng lương, thử đổi công việc mới để có thêm đồng ra đồng vô, đều là do bạn.
Ảnh: Tổng hợp