Lời tiên đoán của Shark Hưng khi đặt niềm tin vào startup xe điện 3 bánh đầy "tử huyệt": Tương lai gần, Việt Nam sẽ có những dòng xe 100 – 200 triệu đồng
Bất chấp việc chiếc xe điện 3 bánh của startup Cababa bị 4 nhà đầu tư khác "vùi dập", Shark Hưng vẫn chỉ ra nhiều tiềm năng của sản phẩm, bao gồm thực tế là giá ô tô vẫn còn quá đắt so với người Việt, trong khi chiếc xe của Cababa “hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi”.
Trong tập 3 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, Founder startup Cababa Nguyễn Tuấn Anh mang đến một sản phẩm “độc lạ”: Chiếc xe điện 3 bánh thân hẹp có buồng lái kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ. Xe được trang bị cơ chế cân bằng chủ động, diện tích chiếm dụng mặt đường chỉ tương đương một xe máy và 1/3 ô tô bé nhất đang bán ngoài thị trường.
Xe có thể di chuyển 200 km/một lần sạc với phiên bản pin gắn liền thân xe, hoặc 150 km với phiên bản pin có thể tháo rời. Giá bán dự kiến là 100 triệu đồng. Đến với Shark Tank, Cababa kêu gọi 1,8 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.
Hàng loạt “tử huyệt” của chiếc xe điện 3 bánh lần lượt bị các “cá mập” chỉ ra. Trước hết là vấn đề đăng kiểm, cấp phép lưu hành. Thứ hai là nhu cầu thị trường: liệu khách hàng có bỏ 100 triệu đồng để mua sản phẩm này hay không?
Chưa dừng lại ở đó, sản phẩm mới ở dạng MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu), cần nguồn vốn cực kỳ lớn nếu muốn thương mại hóa. Founder cũng chưa khẳng định được lợi thế cạnh tranh của startup.
Với hàng loạt điểm yếu kể trên, 4 nhà đầu tư đã từ chối Cababa. Shark Nguyễn Hòa Bình thậm chí nói thẳng đây là “ước mơ viển vông và khó thành hiện thực”. Tuy nhiên, Shark Phạm Thanh Hưng lại nêu ra nhiều lý lẽ để bảo vệ ý tưởng của startup.
“Xe này ở châu Âu khá phổ biến . Nếu định nghĩa là ô tô 3 bánh, bạn sẽ không phải đội mũ bảo hiểm, được tham gia vào làn ô tô, dùng bằng lái ô tô, không phải thi bằng lái đặc thù cho xe 3 bánh. Theo cảm nhận của tôi, đây là ô tô, không phải xe máy”, Shark Hưng nói về triển vọng được đăng kiểm của chiếc xe điện 3 bánh.
Founder Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng 38/52 bang tại Mỹ cho lưu hành loại xe tương tự của anh. “Ở Việt Nam thậm chí có xe chỉ có 1 cái nhưng người ta vẫn phải đăng kiểm cho nó”, nhà sáng lập Cababa cho biết.
Shark Hưng còn chỉ ra rằng tại Việt Nam chủ yếu là giao thông hỗn hợp, nên xe điện 3 bánh vẫn là sản phẩm tương đối tiềm năng . Bên cạnh đó, ông cho rằng việc biến sản phẩm thành xe máy hay ô tô không khó, “chỉ cần thay đổi hệ thống lái, thêm một bánh nữa là thành ô tô, chạy dưới 50 km/h và vẫn được tham gia vào làn ô tô”.
“Thực ra tôi đã làm trong ngành ô tô khá lâu và vẫn thường xuyên theo sát. Gần đây tôi có đầu tư và đưa một xe hybrid về Việt Nam. Những sản phẩm như thế, mặc dù đã cố để giá rất rẻ nhưng vẫn còn quá đắt so với người Việt Nam. Tôi nghĩ trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có những dòng xe trên dưới 100 – 200 triệu đồng”, Shark Hưng dự đoán.
Ngoài ra, vị “cá mập” này còn đánh giá cao tâm huyết của nhà sáng lập Cababa trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm chỉ trong thời gian ngắn.
“Chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt trong việc thay đổi sản phẩm. Vì vậy tôi muốn đồng hành cùng bạn, với điều kiện chúng ta phải có bước tiến đáng tin cậy trong khả năng đăng kiểm và lưu hành xe. Phải như vậy tôi mới giải ngân”, Shark Hưng đề nghị.
Cuối cùng, hai bên chốt phương án đầu tư 1,8 tỷ đồng cho 12% cổ phần, cộng thêm 3% pre-share cho sự đồng hành của Shark Hưng, với điều kiện sản phẩm phải được cấp phép đăng kiểm và lưu hành.
Tại hậu trường Shark Tank Việt Nam, Shark Hưng thừa nhận cũng nhìn thấy “sự viển vông” của startup, nhưng hy vọng có thể “kéo startup trở lại mặt đất” bằng cách rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
“Chúng ta phải bắt đầu từ những cái đơn giản nhất và để chỗ cho sự cải tiến dần dần. Nhiều mẫu xe phải 2-3 phiên bản ra thị trường rồi mới hoàn thiện được. Điều quan trọng nhất với các startup là phải có thành công ban đầu mới đủ tự tin và tiềm lực tài chính để đi xa hơn.
Tôi sẽ giúp các bạn ấy tái định hướng về chiến lược kinh doanh, kể cả về chiến lược sản phẩm để tránh sự lãng mạn quá mức, hoặc chỉ đi theo một con đường hơi bảo thủ, kiểu như chỉ làm cái mình thích, không phải sản phẩm xã hội cần”. Shark Hưng chia sẻ kế hoạch với Cababa.