Chuyện hi hữu ở Shark Tank Việt Nam: Không chịu tiết lộ lợi nhuận, tại sao một startup gia vị lại được 3 "cá mập" tranh giành, chốt deal triệu đô?

11/10/2023 16:24 PM | Kinh doanh

Khi được hỏi về lợi nhuận, nữ CEO của Trí Việt Phát đã từ chối công khai và cho biết: "Sau khi các Shark tham gia thì tôi sẽ cung cấp đầy đủ dữ liệu". Bất chấp điều này, vẫn có 3 trên tổng số 5 "cá mập" tỏ rõ hứng thú với Trí Việt Phát và ra deal.

Chuyện hi hữu ở Shark Tank Việt Nam: Không chịu tiết lộ lợi nhuận, tại sao một startup gia vị lại được 3 "cá mập" tranh giành, chốt deal triệu đô? - Ảnh 1.

Xuất hiện tại mùa 6 Shark Tank Việt Nam, mang theo sự tự tin sau 10 năm khởi nghiệp, Nguyễn Thị Vân Anh - CEO Công ty sản xuất gia vị Trí Việt Phát đã có một màn gọi vốn ấn tượng và khá lạ lùng.

Mặc dù nữ CEO không tiết lộ lợi nhuận công ty trong năm gần nhất khi gọi vốn, nhưng đã có tới 3 vị "cá mập" kỳ cựu vẫn nhìn ra tiềm năng của startup sản xuất gia vị và đưa ra những lời đề nghị.

Cụ thể: Shark Hưng 23 tỷ đồng cho 15% cổ phần, Shark Bình 23 tỷ đồng cho 14%, và Shark Hùng Anh 24 tỷ đồng cho 15%.

Sau màn thương thuyết, cuối cùng CEO Trí Việt Phát đã quyết định lựa chọn về với đội Shark Lê Hùng Anh.

Có thể nhìn ra, đây là một deal mạnh trong những tập đã phát sóng trong mùa 6. Đến mức, không cần biết tỷ suất lợi nhuận của Doanh nghiệp là bao nhiêu, các vị cá mập sành sỏi vẫn sẵn sàng xuống tiền.

Vậy đâu là lý do đưa đến quyết định của các nhà đầu tư trong thương vụ này?

Thứ nhất, điểm mạnh về yếu tố con người. CEO kiêm Founder của doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Vân Anh là người có kinh nghiệm về cả nghiệp vụ chuyên môn lẫn kinh doanh. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Vân Anh tốt nghiệp khoa Hóa – Thực phẩm Đại học Bách khoa và có kinh nghiệm 11 năm công tác tại các công ty đa quốc gia ở vị trí kỹ sư công nghệ thực phẩm, kỹ sư bán hàng.

Trước đó, chị Vân Anh là học sinh chuyên Hoá và có lợi thế về việc R&D và làm B2B tốt.

Bà chủ Trí Việt Phát chia sẻ trên trang cá nhân:" Mình vừa rất hiểu người bán cũng rất hiểu người mua, hiểu nhu cầu hiện hữu (người mua chia sẻ) hiểu nhu cầu tiềm ẩn (người mua cũng không biết mình có nhu cầu này) chỉ cần tiếp cận được khách hàng chắc chắn mình sẽ làm được dự án và bán được hàng."

Bên cạnh đó, để đi được xa hơn trên con đường kinh doanh, khi tiếp cận sang mảng B2B, chị Vân Anh còn rất chịu khó học hỏi. Chị tâm sự trên trang cá nhân: "Để làm tốt và bứt phá mỗi ngày, mình cố gắng đi học Brand Marketing, Trade Marketing, Học SEO, học Facebook Ads, Học kênh bán: Modern trade, General trade và cách quản lý từng kênh. Mình cũng là sale B2B khá giỏi nhưng cũng tự đi học sale B2C, quản lý sale B2C... thấy thiếu gì là học đó! "

Cuối cùng, người lãnh đạo của doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng, hướng tới mục tiêu toàn cầu, biết mình muốn gì và cần phải làm gì.

"Tôi muốn sự đồng hành của các Shark để trở thành công ty toàn cầu, mục tiêu 1.000 tỷ trong vòng 4 năm tới", CEO Vân Anh trình bày trong chương trình Shark Tank.

Chuyện hi hữu ở Shark Tank Việt Nam: Không chịu tiết lộ lợi nhuận, tại sao một startup gia vị lại được 3 "cá mập" tranh giành, chốt deal triệu đô? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh lắng nghe các Shark hỏi sau khi trình bày.

Thứ hai, Trí Việt Phát đã có nền tảng vững chắc về công nghệ, sản xuất, nhà xưởng, thương hiệu,.. cùng lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Sau gần 10 năm, công ty đã sở hữu một nhà máy đạt chuẩn FSSC 22000 rộng 6.000 m2, đầu tư 44 tỷ đồng (chưa tính đất) và 3 thương hiệu gồm: Trí Việt Phát – chuyên bán sỉ gia vị, Gungon – thương hiệu bán lẻ gia vị và dòng nước uống tiện lợi là Wil.

Riêng về nhà máy, nữ CEO rất tự tin không có đối thủ bởi không dễ dàng để đạt được tiêu chuẩn FSSC 22000.

FSSC là từ viết tắt của Food Safety System Certification, dịch ra tiếng việt có nghĩa là chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm. Đây là tên của một tổ chức có trụ sở chính tại Hà Lan. Tổ chức này được lập ra để phát triển những chương trình chứng nhận thực phẩm mang tính toàn cầu.

FSSC 22000 là một chương trình chứng nhận được phát triển bởi FSSC dành cho tất cả các đơn vị sản xuất và chế biến trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Các sản phẩm của Trí Việt Phát đã được thị trường trong nước đón nhận cũng như đã xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Nhật Bản. Hiện nay, gần 10% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài.

Chuyện hi hữu ở Shark Tank Việt Nam: Không chịu tiết lộ lợi nhuận, tại sao một startup gia vị lại được 3 "cá mập" tranh giành, chốt deal triệu đô? - Ảnh 3.

Một gian hàng Trí Việt Phát trong hội chợ

Thứ ba, tình hình tài chính lành mạnh. Doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng đều 40% - 46%/năm ngay cả trong giai đoạn Covid. Doanh thu từ 2019 đến 2023 (dự kiến) lần lượt là: 61, 82, 109, 157 tỷ và 187 tỷ đồng.

Trong khi trao đổi với các Shark, CEO Vân Anh còn lạc quan về mức doanh thu 260 tỷ đồng trong năm 2024 vì đã đầu tư công nghệ mới trong sản xuất nhưng chưa sử dụng đến.

Cũng theo nữ CEO chia sẻ, vốn chủ sở hữu của công ty khoảng 82 tỷ đồng và hiện không vay.

Thứ tư, mô hình kinh doanh có khả năng mở rộng. Với thị trường xuyên biên giới, việc tăng trưởng doanh thu của Trí Việt Phát không bị giới hạn bởi khu vực địa lý, ngay cả khẩu vị có thể điều chỉnh theo nhu cầu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nữ CEO cũng cho biết, công ty đang có đội ngũ khoảng 40 kỹ sư cũng như đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, theo kịp xu hướng thị trường. Chị Vân Anh tự tin còn nhiều cơ hội cho thị trường xuất khẩu và đặt ra mục tiêu 1.000 tỷ doanh thu trong vòng 4 năm tới.

Sau chương trình, dưới góc độ startup, nữ CEO Vân Anh cho biết, chị lựa chọn Shark Hùng Anh là bởi: "Tôi có duyên do cả hai người đều từng là cựu sinh viên trường Đại học Bách Khoa TPHCM, có cùng tầm nhìn và khẩu vị đầu tư nên tôi quyết định nhận sự đồng hành cùng Shark". Về phía Shark Hùng Anh, ông bày tỏ đã rất may mắn khi có được cái bắt tay với startup.

Trọng Nghĩa

Cùng chuyên mục
XEM