Lời ông chủ gửi nhân viên lười: “Bạn làm việc kiểu đối phó, người chịu thiệt không phải tôi. Thứ bạn đối phó thật sự là ngày tháng và tiền đồ của chính mình”

03/12/2018 11:15 AM | Sống

Bạn làm việc kiểu đối phó, người chịu thiệt không phải ông chủ của bạn. Thứ bạn đối phó chính là ngày tháng và tiền đồ của chính mình, làm việc như vậy mà còn muốn được ưu ái sao?

01 

Tiểu Vương vừa bị công ty đuổi việc mấy hôm trước có đến tìm tôi cùng ăn bữa cơm. Kể về nguyên nhân nghỉ việc, cậu ấy tâm sự: "Ông sếp em thật hèn hạ, em làm cho ông ấy ba năm rồi mà ông ấy khong thăng chức, tăng lương cho em. Vậy em cố gắng để làm gì? Đã vậy còn đuổi việc em, nói em năm nay hoàn đi làm muộn, lại không chuyên tâm. Ông ấy đối xử với em như vậy thì mong em làm việc chăm chỉ nỗi gì? Nghĩ em là kẻ ngốc sao?"

Tôi hỏi: "Thế năm nay em có chăm chỉ làm việc không?" 
Tiểu Vương nói: "Đương nhiên là không, em còn dành thời gian làm việc khác nữa chứ. Em hay lên mạng, đọc tiểu thuyết. Không tăng lương, thăng chức thì ai chăm chỉ làm gì"

"Thế em bỏ bê công việc cả năm nay sao?"

"Vâng, lẽ ra em nên nghỉ việc sớm hơn. Bây giờ tìm việc không dễ, ở chỗ khác tầm tuổi như em đều lên lãnh đạo hết rồi, nên em không muốn làm cậu nhân viên cấp dưới. Chỉ tại ông sếp bao năm nay làm nhỡ hết việc của em, khiến em giờ không tìm được việc cơ!" 

Nếu không có khả năng, dù cơ hội tới nó cũng không dành cho bạn. 

Rất nhiều người nghĩ rằng ông chủ hèn hạ, ngốc nghếch, không tăng lương, thăng chức, đối xử với mình không tốt, chắc chắn là cố ý nhằm vào mình. Tự cho rằng mình bỏ ra quá nhiều nhưng chẳng thu lại được gì, cứ nghĩ rồi mình cũng nhảy việc thôi, nên chán nản bỏ bê công việc. Ngẫm lại, thấy mình chẳng cần phí sức vẫn có thể nhận được lương cao, nên cứ an phận suốt mấy năm liền. Đến khi lớn tuổi khả năng cạnh tranh không còn nữa, bị đuổi việc rồi mới bắt đầu hối hận sao mình không nghỉ việc sớm hơn. Chính ông chủ của Tiểu Vương đã nói với cậu ấy: "Làm việc kiểu đối phó suốt mấy năm liền thì người chịu thiệt là ông chủ bạn chắc? Thứ bạn đối phó chính là ngày tháng và tiền đồ của chính mình, làm việc như vậy mà còn muốn được ưu ái sao?

Nhiều người nghĩ tôi chỉ làm tạm ở công ty này, khi nào có cơ hội tìm công việc tốt hơn tôi sẽ nhảy việc ngay lập tức. Rồi một năm, hai năm, lại ba năm cứ thế trôi qua... Bạn chưa từng cố gắng nỗ lực, khi cơ hội đến bạn có chắc chắn mình sẽ nắm bắt được nó không? Nếu bạn không hề có năng lực thì điều đó là không thể, cơ hội đó sẽ thuộc về người khác. 

Lời ông chủ gửi nhân viên lười: “Bạn làm việc kiểu đối phó, người chịu thiệt không phải tôi. Thứ bạn đối phó thật sự là ngày tháng và tiền đồ của chính mình” - Ảnh 1.

02 

Ở lớp học ngoại ngữ của tôi thường hay đưa ra đề tài thảo luận. Tại sao sếp không tăng lương, thăng chức cho bạn? Nhiều người cho rằng mình đã hoàn thành tốt công việc, có biểu hiện xuất sắc, nên được thăng chức, tăng lương. 

Tôi nhớ sếp cũ của tôi từng nói: "Khi bạn hoàn thành công việc được giao, công ty không thể thăng chức, tăng lương cho bạn. Chỉ khi nào hiệu quả công việc của bạn đạt đến mức cao hơn, bạn mới được thăng chức, tăng lương". Nói cách khác, nếu mới hoàn thành công việc của mình chứng tỏ bạn chỉ phù hợp với vị trí đó. Khi bạn chứng minh được bản thân có thể gánh vác thêm những yêu cầu cao hơn, đó mới là lúc bạn được thăng chức và tăng lương. 

Mỗi khi cảm thấy bản thân không thể cân bằng, tôi thường lướt website của công ty để xem các vị trí cao hơn mình yêu cầu những gì, tôi có thể đáp ứng được chưa. Nếu chưa đạt được, tốt nhất nên im lặng, nếu đã hoàn thành xuất sắc thì tìm giám đốc để đề đạt tăng lương, thăng chức. 

Phải làm gì nếu công ty và lãnh đạo thật sự không tốt?

Nhiều người hay đặt câu hỏi: "Nếu công ty và lãnh đạo thật sự không tốt, tôi nên làm gì? Tôi chẳng thích công việc này chút nào, cứ hết giờ là tôi làm việc khác. Nhưng cuộc sống như vậy mệt mỏi vô cùng. Tôi nên nhảy việc hay cứ an phận ở đây?

Mỗi lần nhận được câu hỏi như vậy, tôi rất khó xử, không biết làm thế nào. Nếu đã không thích công ty và công việc này đến vậy, tại sao bạn không nhảy việc? Sao phải bỏ tám tiếng mỗi ngày làm công việc mình không thích trong khi chỉ có hai tiếng làm việc mình thích?

Thích thì yêu, không thích thì bỏ - Câu nói ấy không chỉ phù hợp với tình yêu mà còn phù hợp với cả công việc. 

Khi bạn đi làm, công việ đó phải thu hút bạn, chẳng hạn như lĩnh vực bạn thích, lãnh đạo giỏi hay mức lương cao. Nếu không đáp ứng được một trong số những yêu cầu đó, bạn ở lại làm gì? Sao không tìm một công việc khác phù hợp hơn?

Vấn đề ở đây không phải người khác có tốt với bạn hay không, mà là chúng ta đã quen phụ thuộc vào đánh giá của người khác để quyết định hành vi của mình. Lãnh đạo giỏi, tôi sẽ cố gắng một chút; lãnh đạo không giỏi, tôi nỗ lực làm gì. 

Lời ông chủ gửi nhân viên lười: “Bạn làm việc kiểu đối phó, người chịu thiệt không phải tôi. Thứ bạn đối phó thật sự là ngày tháng và tiền đồ của chính mình” - Ảnh 2.

Nhưng ai đi làm cũng biết, một ngày không chảm chỉ có thể không để lại hậu quả gì, nhưng không nỗ lực suốt một thời gian dài sẽ bị rơi lại phía sau. Đến khi bản thân cảm thấy mình chẳng có điểm nào tốt còn xung quanh toàn người giỏi giang thì quay ra tự hỏi sao họ xuất sắc thế. Giống như hồi nhỏ, chúng ta vẫn than trường học không tốt, thầy cô không giỏi, nhưng vẫn có những học sinh xuất sắc đấy thôi. 

Vậy là mình chưa đủ giỏi hay môi trường chưa đủ tốt? Bản thân đã thật sự cố gắng chưa, hay vẫn cố chấp đánh đổi tiền đồ bằng những việc ngu ngốc? 

Chỉ khi trả lời sòng phẳng, thẳng thắn, chuẩn xác những câu hỏi này, sự nghiệp của bạn mới có thể hanh thông, thăng tiến. 

(Bài viết tham khảo cuốn sách Giới hạn của bạn chỉ là xuất phát điểm của tôi, tác giả Mèo Maverick)

Lộc Vân

Cùng chuyên mục
XEM