Vì sao Nhật Bản không cho trẻ nghỉ học khi rét 2 độ C?

25/01/2016 17:17 PM | Sống

Hôm nay 25.1, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội cho trẻ em nghỉ học vì nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Nhật Bản cũng đang hứng chịu đợt rét kỉ lục nhưng trái lại, các em học sinh vẫn mặc… quần đùi đến trường.

Hiện nay, nhiệt độ ở thủ đô Tokyo ghi nhận được ở mức dưới 4 độ C, trời rất rét dù có nắng. Tuy nhiên, các em học sinh kể cả trẻ nhỏ vẫn đi học bình thường. Truyền thống và văn hóa mặc quần đùi bất chấp giá rét của Nhật Bản là một điều lạ với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đâu mà cha mẹ Nhật quyết định cho con em mình mặc “phong phanh” đến trường như vậy?


Trẻ em Nhật nô đùa trong nắng dù thời tiết đang là 4 độ C (Ảnh chụp ngày 25.1).

Trẻ em Nhật nô đùa trong nắng dù thời tiết đang là 4 độ C (Ảnh chụp ngày 25.1).

Cha mẹ Nhật Bản quan niệm, thời tiết càng giá rét, trẻ em càng phải hoạt động thể chất nhiều để tăng cường sức đề kháng. Việc trẻ em Nhật cởi trần, chạy giữa giá rét mùa đông ở mức 2,3 độ là điều không còn xa lạ ở xứ sở Mặt trời mọc.

Mặc quần đùi trong mùa đông

Trẻ em Nhật đến trường và mặc những chiếc quần đùi trong mùa đông, bất chấp thời tiết giá rét thế nào là hình ảnh thường xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều cha mẹ Trung Quốc lần đầu sang Nhật sinh sống, gửi con ở trường mẫu giáo đã rất lo lắng khi thấy tất cả con em mình đều mặc quần cộc đi học. Họ cho rằng con trẻ không thể chịu đựng nổi giá rét của mùa đông nước Nhật.


Mặc quần đùi đi học bất chấp thời tiết là một nét văn hóa ở Nhật Bản.

Mặc quần đùi đi học bất chấp thời tiết là một nét văn hóa ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi được hỏi, các bậc cha mẹ Nhật đều trả lời: “Dĩ nhiên là con sẽ bị ốm rồi. Mục đích của trẻ con đi học là để bị cảm lạnh và bị ốm”. Sau khi trải qua được thử thách đầu đời này, các em sẽ có sức đề kháng hơn hẳn những bạn đồng trang lứa từ các quốc gia khác.

Cởi trần chạy giữa giá rét

Cha mẹ Nhật quan niệm, thời tiết càng khắc nghiệt, con người càng dễ mắc bệnh do ít vận động thể chất. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã được hướng tới một cuộc sống dồi dào các hoạt động thể chất, đặc biệt là đi bộ và chạy bộ.


Hô vang quyết tâm vượt qua giá rét.

Hô vang quyết tâm vượt qua giá rét.

Ban đầu, các bậc cha mẹ chia nhỏ quãng đường từ 10m, 20m, 100m rồi tăng dần theo thời gian để phù hợp với giai đoạn phát triển của các em. Những đoạn đường đi bộ ít khi bằng phẳng mà thường gồ ghề, nhiều sỏi đá để tăng tính thử thách. Các hội thảo, chuyên đề về đi bộ, chạy bộ, phương pháp nuôi con được tổ chức thường xuyên giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn và đánh giá đúng đắn nhất về cách nuôi con qua chạy bộ và đi bộ.

Thông thường, trẻ em cấp 1 ở Nhật có thể leo núi 4 giờ đồng hồ là chuyện rất bình thường. Ở trường các câu lạc bộ về đi bộ, leo núi, chạy bộ cũng là một nét văn hóa hình thành từ lâu ở xứ sở Mặt trời mọc.


Các bài tập chạy bộ, đi bộ thường được trường học tổ chức cho các em tham gia.

Các bài tập chạy bộ, đi bộ thường được trường học tổ chức cho các em tham gia.

Trẻ em mẫu giáo được rèn luyện mặc quần cộc trong mùa đông nên sức đề kháng được rèn luyện ngay từ nhỏ. Trong tiết trời giá rét từ 2-5 độ C, các em có thể thoải mái nô đùa, nghịch ngợm mà không lo mắc các chứng cảm lạnh, viêm đường hô hấp do được rèn luyện mỗi ngày.

Các hội thao với hình ảnh các em nhỏ cởi trần, chạy bộ trong mùa đông giá rét, vừa chạy vừa hô câu khẩu hiệu thể hiện quyết tâm là điều khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi tới Nhật Bản. Giáo dục thể chất là một phần quan trọng được bố mẹ, thầy cô giáo định hướng cho các em ngay từ khi lọt lòng.

Theo Quang Minh

Cùng chuyên mục
XEM