Lập trung tâm đào tạo, tốc độ làm việc thần tốc,...cơ hội hồi sinh ô tô Việt từ VinFast?

11/02/2018 09:01 AM | Xã hội

140 ngày thần tốc của VinFast hay việc vừa chính thức ra mắt trung tâm đào tạo kỹ thuật, VinFast đang nhen nhóm lại hi vọng cho ngành ô tô Việt Nam, vốn chưa thể thành hình trong suốt hơn 20 năm.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được thai nghén từ những năm 90 của thế kỷ trước. "Hình hài của ngành nói chung đã được xác định kể từ sau Đại hội VIII của Đảng năm 1996", nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Lưu Bích Hồ, nói.

Ngành ô tô được kỳ vọng là ngành đầu tàu giúp kinh tế vượt lên. Bởi với trung bình 2.000 linh – phụ kiện sẽ là động lực phát triển cho các ngành khác.

Dù có tầm nhìn nhưng giải pháp, cách làm và chính sách chưa thực sự rõ nét. Điều này đã kéo dài trong nhiều năm. Thậm chí, giữa năm 2017, Bộ Công thương đã phải thừa nhận mục tiêu phát triển ngành ô tô Việt Nam thất bại. Các mục tiêu về sản xuất lắp ráp chỉ thực hiện được khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa với xe dưới 9 chỗ ngồi chỉ đạt khoảng 17%.

Ngành ô tô Việt Nam còn tiếp tục đối diện với những thách thức khó khăn khi từ tháng 1/1/2018, thuế suất nhập khẩu ô tô trong ASEAN về 0%. Trước thực trạng đó, trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm đảm bảo các điều kiện về môi trường, quyền lợi cho người tiêu dùng, an toàn giao thông và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa những doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, như ông Lê Ngọc Đức, TGĐ Hyundai Thành Công nhận định Nghị định 116 chỉ là giải pháp ngắn hạn. Bởi về dài hạn khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. Do đó, xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước.

Cơ hội từ Vinfast

2/9/2017, VinGroup đã nhập cuộc chơi với thương hiệu VinFast. Dự án được đặt tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng, tổng mức đầu tư đến 3,5 tỷ USD, với tham vọng sau 2 năm sẽ cho ra mắt chiếc xe ô tô VinFast "made in Vietnam".

140 ngày sau đó, ngày 18/1/2018, VinGoup công bố đã hoàn tất hợp đồng sản xuất mẫu xe với nhà thiết kế Pininfarina đồng thời mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW nhằm phát triển sản xuất.

Hai chiếc xe mẫu Sedan và SUV (phát triển dựa trên hai thiết kế được người tiêu dùng Việt bình chọn nhiều nhất hồi tháng 10/2017) sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10/2018 tại triển lãm Paris Motorshow 2018.

Như vậy, chỉ chưa đầy một năm kể từ khi khởi công, tập đoàn đã cho ra sản phẩm ô tô đầu tiên, vượt hẳn một năm so với dự kiến.

Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, Vinfast còn tham vọng sẽ tấn công ra thị trường quốc tế. Đại diện Vinfast cho biết hãng sẽ bắt đầu tiếp nhận các đơn hàng từ đầu năm 2019, tiến tới xuất khẩu xe ra nước ngoài.

Bên cạnh việc sản xuất thần tốc, VinFast còn tập trung đầu tư nhân sự, những người Việt có kiến thức để làm trong ngành công nghiệp ô tô.

Theo đó, ngày 7/2 vừa qua, VinFast đã chính thức ra mắt Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật viên Cơ điện tử và Cơ khí công nghiệp. Trung tâm nằm trong Tổ hợp dự án sản xuất ô tô VinFast do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Trung tâm sẽ chính thức hoạt động vào tháng 8/2018, trong đó, niên khóa đầu tiên có quy mô 200 học viên khóa thuộc 2 ngành học chính là Cơ điện tử và Cơ khí công nghiệp. Tiêu chuẩn của giảng dạy được hướng theo tiêu chuẩn Đức – quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nặng và cơ khí chính xác. Thời lượng đào tạo kéo dài trong 2,5 năm.

Đây được xem là bước tiếp theo trong chiến lược phát triển bền vững của VinFast. Bởi trong giai đoạn đầu, để hướng tới việc thành nhà sản xuất ô tô – xe máy điện hàng đầu khu vực, VinFast sử dụng tỷ lệ lớn các chuyên gia người nước ngoài. Song song với đó, công ty đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia người Việt kế cận để tiếp nhận chuyển giao, đồng thời giải quyết bài toán đào tạo nghề có chất lượng tại Việt Nam.

"Làm VinFast anh Vượng quyết liệt lắm", ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nhận xét. Và với những động thái như thế, có thể tin rằng ngành công nghiệp ô tô Việt đang hồi sinh.

Theo Hà Thu

Cùng chuyên mục
XEM