Là người đến sau, nhưng cách Aeon lấy lòng người Việt khiến Big C hay Lotte cũng phải "chào thua"

13/07/2016 10:14 AM | Kinh doanh

Với công thức "All in One" (tất cả trong một), Aeon đã mang nó sang nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Thị trấn Muikamachi, tỉnh Niigata, Nhật Bản là một thị trấn nghèo, kém phát triển với 80% dân số làm nghề nông nghiệp. Tỉnh Niigata lạnh, nhiều thị trấn như Muikamachi mỗi năm có đến 4 tháng tuyết rơi trong tổng cộng 6 tháng mùa đông lạnh giá, hơn 2 tháng trời mưa tầm tã. Thời tiết cực kỳ khắc nghiệt.

Cũng là trên đất Nhật và chỉ nằm cách đại đô thị của thế giới Tokyo hơn 100 cây số nhưng ít ai có thể tin rằng trong thị trấn chẳng có bất kỳ điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí nào, cho đến khi Aeon mở trung tâm siêu thị đầu tiên tại đây. Và suốt hàng chục năm qua, nó vẫn là điểm vui chơi giải trí kết hợp mua sắm duy nhất.

Công thức "All in One" đã biến Aeon thành "trái tim" của vùng ngoại ô, nông thôn

Aeon Muikamachi có gì? Có trung tâm siêu thị lớn với đầy đủ hàng hóa chất lượng trung và cao cấp, chuỗi nhà hàng ẩm thực Nhật khá đầy đủ với giá cả phải chăng, siêu thị đồ cũ, siêu thị bán các sản phẩm băng đĩa nhạc, siêu thị điện máy, cửa hàng thuốc, cửa hàng chuyên bán đồ văn phòng phẩm giá rẻ, cửa hàng bán đồ nhập khẩu Mỹ, siêu thị quần áo phụ nữ, đàn ông, trẻ em, khu vui chơi trẻ em.

Có nghĩa là thay cho việc một người bố/người mẹ/trẻ con đến thăm từng cửa hàng riêng để thỏa mãn cho nhu cầu của mình như trước đây thì từ khi Aeon Muikamachi ra đời, cả gia đình chỉ cần đi cùng trên một chiếc xe ô tô, khi đến họ tản nhau ra, mỗi người đi tìm kiếm các mặt hàng thỏa mãn cho sở thích của mình.

Ông bố đi xem hàng điện máy, bà mẹ thả con vào khu vui chơi và thỏa sức mua sắm cả hàng Nhật lẫn hàng Mỹ, châu Âu mà chẳng cần phải lên Tokyo. Rồi đến khi họ đói bụng, họ gặp nhau ở một nhà hàng. Và tất nhiên, mua hàng nhiều lần được tích điểm, giảm giá.

Bằng cách đó, Aeon đã luôn trở thành “trái tim” của gần như tất cả các khu vực nông thôn Nhật vốn không có nhiều thú vui giải trí. Riêng tỉnh Niigata, Aeon có Aeon Muikamachi, Aeon Oita, Aeon Nagaoka, Aeon Fujimicho… Nghĩa là nơi nào có dân sống tập trung là có Aeon đáp ứng nhu cầu từ trẻ nhỏ đến người già.

Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mà nhiều người nước ngoài sống ở các vùng nông thôn Nhật trong nhiều năm chỉ biết đến Aeon và Aeon trong suy nghĩ của họ, khi họ ở lại Nhật cũng như đã rời nước Nhật, chỉ nhớ được Aeon với Top Value – một dòng sản phẩm nổi tiếng của Aeon. Và đối với người Nhật tại nhiều khu vực nông thôn, khi có khách ở nơi khác đến chơi, Aeon cũng gần như nằm trong top lựa chọn của họ.

Nếu nói Aeon đang thâu tóm cả thị trường bán lẻ Nhật thì có lẽ hơi quá lời, nhưng chắc chắn Aeon là một đối thủ cực kỳ đáng gờm bởi trong khi mà Nhật có 47 tỉnh thành thì riêng Aeon đã có 540 siêu thị tổng hợp và 1.470 siêu thị thực phẩm. Tổng doanh thu trong năm tài khóa 2016 ước tính lên đến 8 nghìn tỷ yên, tương đương 66 tỷ USD.

Tới Việt NAm, Aeon biết cách lấy lòng người rất khôn khéo, điều mà BigC hay Lotte cũng chào thua

Và cũng với công thức "All in One" (tất cả trong một) như trên, Aeon đã mang nó sang nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Trên toàn thế giới, Aeon đã có hàng nghìn siêu thị và trung tâm mua sắm.

Ngày 18/11/2014, hàng loạt báo lớn của Nhật, trong đó có Nikkei đưa tin về thành công của trung tâm siêu thị thứ 2 của Aeon tại Bình Dương. Bài báo có đoạn viết: “Với chiến lược kinh doanh hàng hóa giá cả trung bình, Aeon Bình Dương đã thành công vượt mong đợi. Sau 10 ngày mở cửa, doanh số bán hàng đã cao hơn đến 20%, và dự kiến Aeon đón khoảng 1 triệu khách trong tháng đầu tiên mở cửa.”

Nhà báo Nikkei cho biết anh nhìn thấy những gương mặt hạnh phúc của bà mẹ em bé đến vui chơi, ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của cả những người già đã 60-70 tuổi lần đầu tiên được đến một trung tâm thương mại tầm cỡ như vậy. Người Nhật hân hoan, họ đã quá thành công, không có gì phải bàn cãi nữa.

Khách hàng mua sắm quần áo tại Aeon Bình Dương trong tuần khai trương, cuối năm 2014.
Khách hàng mua sắm quần áo tại Aeon Bình Dương trong tuần khai trương, cuối năm 2014.

Vậy tính riêng tại Việt Nam, Aeon đã có những chiến lược nào mà các hãng bán lẻ Việt Nam cũng như nước ngoài không thể theo kịp?

Theo bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, giám đốc marketing tại công ty tư vấn bất động sản và bán lẻ hàng đầu của Mỹ - Keller Williams, thành công của Aeon đến từ rất nhiều yếu tố.

Trước tiên, Aeon nghĩ mình sẽ thành công ngay từ chiến lược phát triển quy mô. Phương châm của Aeon Mall không phải là xây dựng các trung tâm thương mại mà xây dựng các "TOWN" cho cộng đồng dân cư địa phương. Đây là nơi công cộng tích hợp nhiều lợi ích cho tất cả cộng đồng: vui chơi, giải trí, mua sắm.

Không phân biệt người giàu, người nghèo, ai cũng có thể tận hưởng sự thoải mái ở đây vì các yếu tố tiện ích công cộng, nhân viên thân thiện chu đáo, an ninh tốt, giá cả các mặt hàng đa dạng từ bình dân đến cao cấp.

Họ tận dụng tối đa tâm lý yêu thích hàng Nhật và các giá trị Nhật của người Việt qua các yếu tố: thái độ phục vụ của nhân viên, các tiêu chuẩn vệ sinh công cộng của nhật, chất lượng hàng hóa được nhập vào siêu thị hoặc các cửa hàng trong trung tâm thương mại theo sự kiểm soát và tiêu chuẩn Nhật bản. Aeon thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí đậm chất Nhật như các đoàn diễu hành Pikachu, trình diễn trang phục truyền thống Nhật, ngày hội du lịch Việt Nam – Nhật bản.

Cùng lúc đó, đã có ai đặt câu hỏi có bao nhiêu trung tâm thương mại do người Việt quản lý tổ chức được những hoạt động văn hóa, giải trí đậm các giá trị văn hóa Việt như điều mà Aeon đang làm?

Khác với quan điểm của nhiều người cho rằng địa điểm xa là yếu điểm, Aeon tin rằng nó có thể trở thành điểm mạnh. Sau những ngày làm việc mệt mỏi căng thẳng, khách hàng sẽ muốn tìm đến Aeon để tận hưởng cảm giác sảng khoái, không khí trong lành của khu vực ven đô, tránh xa cảm giác chật chội vốn là đặc điểm chung của nội thành, như nhiều trung tâm thương mại hiện hành.

Aeon muốn bắt vào nhu cầu vui chơi giải trí cuối tuần của bộ phận không nhỏ người dân thành thị cũng như nông thôn, trong khi hạ tầng phục vụ cho các nhu cầu này tại Việt Nam nhìn chung còn quá yếu.

Kế đến, Aeon đã chọn cho mình một phân khúc khách hàng khác với phần đông các trung tâm thương mại hiện nay. Nếu với các siêu thị thông thường như Big C, Coopmart, Maximart... đó là siêu thị đơn thuần, cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thông thường. Parkson, Lotte Department, Tràng Tiền plaza tập trung vào các hàng hóa có thương hiệu quốc tế, tức là cao cấp một chút thì Aeon phục vụ cho khách hàng phân khúc giữa của hai dòng siêu thị trên.

Trong Aeon Mall có siêu thị để cung cấp hàng thông thường, có các gian hàng để cung cấp hàng hóa thời trang. Tuy nhiên vì họ tập trung vào phân khúc hàng bình dân, nên họ không nhấn mạnh đến yếu tố hàng hiệu nhiều. Ngoài ra, họ còn tích hợp các yếu tố giải trí như các sự kiện cuối tuần để thu hút đám đông và tạo môi trường gắn kết cho các thành viên trong gia đình.

Ngoài ra, Aeon Mall còn được sự hậu thuẫn từ những doanh nghiệp đồng hương đến từ Nhật Bản cho các dịch vụ như đưa đón hay giao hàng. Cụ thể, Tokyu - doanh nghiệp tư nhân đầu tư đường sắt của Nhật Bản, đang hợp tác với Becamex đầu tư phát triển bất động sản tại Bình Dương - cung cấp dịch vụ đưa đón miễn phí đến trung tâm mua sắm Aeon Mall Bình Dương; Sagawa Express - doanh nghiệp logistics Nhật Bản - thực hiện giao hàng miễn phí trong phạm vi 10km cho khách hàng có hóa đơn trên 300.000 đồng.

Aeon cũng rất khôn khéo khi biết tạo ra hình ảnh một doanh nghiệp đầy trách nhiệm với cộng đồng. Trước khi mở bất kỳ một trung tâm thương mại nào, Aeon Mall đều tổ chức việc trồng cây xung quanh các trung tâm thương mại đó với mục đích làm trong sạch cho môi trường địa phương, giảm khí thải độc, tiếng ồn, khói bụi vì 1 trung tâm thương mại mở ra, sẽ thu hút nhiều người đến, sẽ gây phiền đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Với tất cả những chiến lược bài bản như trên, nếu các doanh nghiệp bán lẻ nội địa không nhanh chóng thức tỉnh để cạnh tranh, có lý do để tin tưởng rằng Aeon sẽ tiếp tục thành công hơn nữa.

Cuối năm 2011, Aeon bắt đầu thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam bằng việc triển khai cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên.

Nhưng phải đến tháng 1/2014, Aeon mới chính thức mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại quận Tân Phú - TPHCM, Aeon Tân Phú Celado, với số vốn đầu tư 100 triệu USD. Sau đó lần lượt là Aeon Bình Dương (vốn đầu tư 200 triệu USD, khai trương tháng 10/2014) và Aeon Him Lam Long Biên - Hà Nội (200 triệu USD, năm 2015) và mới nhất là TTTM thứ 2 tại TPHCM Aeon Bình Tân (120 triệu USD, tháng 7/2016).

Tổng vốn đầu tư vào 4 trung tâm thương mại này là hơn 600 triệu USD.

Không dừng lại ở đó, Aeon còn tiếp tục đầu tư vốn và liên kết với một số hệ thống siêu thị trong nước như Fivimart (nắm 30% vốn) và Citimart (nắm 49%) nhằm phát triển chuỗi bán lẻ trên toàn quốc.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM