Kỳ lạ Trung Quốc: Xây đập thủy điện siêu to khổng lồ hàng trăm nghìn tỷ đồng phục vụ... thuỷ lợi, nguồn năng lượng thắp sáng cho 1,4 tỷ dân đến từ thứ khác
Hiện 2/5 số điều hòa tiêu thụ hiện nay trên thế giới là ở Trung Quốc, nhưng năng lượng cho những sản phẩm này lại chẳng đến từ những con đập siêu to khổng lồ hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Trung Quốc là nước sản xuất nhiều điện nhất trên thế giới, tăng trưởng bùng nổ kể từ thập niên 1990 và vượt qua Mỹ vào năm 2011 để đứng đầu thế giới. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất tới 8,5 PWH (1 PWH=1.000.000.000.000 KWH), chiếm 30% lượng điện toàn cầu và cao hơn cả 3 nước đứng sau gồm Mỹ, Ấn Độ và Nga cộng lại.
Nói đến Trung Quốc là mọi người lại nhớ đến những siêu đập khổng lồ hàng trăm nghìn tỷ đồng, thế nhưng những công trình này hiện nay lại mang mục đích thủy lợi và địa chính trị hơn là cung ứng điện năng cho 1,4 tỷ dân bởi lẽ suốt hàng chục năm qua, nền kinh tế số 2 thế giới vẫn dựa vào nhiệt điện đốt than.
Số liệu của Statista vào tháng 4/2023 cho thấy khoảng 63% điện năng Trung Quốc đến từ nhiệt điện đốt than và chỉ 14% đến từ thủy điện, còn lại là nguồn điện từ gió, mặt trời, điện hạt nhân, khí đốt...
Tất nhiên chính quyền Bắc Kinh chẳng hài lòng về điều này khi nhiệt điện than cực kỳ ô nhiễm với chất thải cũng như khói bụi, gây ô nhiễm môi trường không khí lẫn nguồn nước. Đây là lý do cho chiến lược phát triển các đập thủy điện và năng lượng xanh, nhưng chặng đường thay thế nhiệt điện than vẫn còn quá dài trong khi các các con đập hàng nghìn tỷ lại bị phụ thuộc vào khí hậu, lượng mưa.
Như một hệ quả tất yếu, mang tiếng là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với vô số con đập thủy điện siêu khổng lồ nhưng Trung Quốc vẫn thiếu điện vào mỗi mùa hè.
Thừa than, thiếu dầu
Theo tờ Guardian, Trung Quốc đang ngày một nóng hơn, người dân giàu hơn và đương nhiên chuyện dùng điều hòa dần trở nên phổ biến. Khoảng 2/5 số điều hòa tiêu thụ hiện nay trên thế giới là ở thị trường Trung Quốc.
Hậu quả là thời tiết càng nóng, người dân càng dùng điều hòa nhiều khiến khí hậu tiếp tục nóng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Tuy nhiên câu chuyện khiến mọi người quan tâm ở đây là về điện khi vào những ngày oi bức, khoảng 50% lượng điện tiêu thụ của các hộ dân Trung Quốc là cho điều hòa và quạt.
Hiện hơn một nửa nhiệt điện đốt than trên thế giới là ở Trung Quốc, biến nền kinh tế này thành nhà khai thác và tiêu thụ than lớn nhất toàn cầu. Mặc dù lượng nhiệt điện đốt than của nước này đóng góp cho cả nước đã giảm từ hơn 80% năm 2007 xuống còn 63% hiện nay nhưng rất rõ ràng, Trung Quốc không thể sống thiếu than.
Cách đây 20-30, Châu Âu và Mỹ cũng sản xuất rất nhiều nhiệt điện đốt than nhưng đã giảm dần. Hiện các nền kinh tế này chủ yếu dùng khí đốt và dầu mỏ làm nhiên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện. Thế nhưng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thì lại chẳng thể làm được điều đó vì thiếu tài nguyên dầu mỏ.
Cường quốc Châu Á hiện phải nhập khẩu một nửa lượng khí đốt tiêu thụ hiện nay, khiến việc dùng dầu khí chạy nhà máy nhiệt điện trở nên quá đắt đỏ. Trong khi đó, Trung Quốc lại ngập trong tài nguyên than với trữ lượng vô cùng lớn tại vùng Nội Mông và Sơn Tây.
Tính đến năm 2021, Trung Quốc có 143.196 triệu tấn trữ lượng than, đứng thứ 4 thế giới chỉ sau Nga, Australia và Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng phát triển các nguồn năng lượng mới nhưng không có một phương án nào thực sự hiệu quả, rẻ tiền để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế như nhiệt điện đốt than. Thủy điện tốn nhiều tiền xây đập nhưng hiệu quả kém do phụ thuộc vào lượng mưa, thời tiết cũng như địa hình sông ngòi.
Điện mặt trời hay điện gió dù có chi phí tính bình quân mỗi KWH rẻ hơn so với than nhưng lại cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư ban đầu. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay cũng như khả năng sinh lời không ổn định, nhiệt điện than vẫn là sự lựa chọn ưa thích hàng đầu của các địa phương tại Trung Quốc.
Tệ hơn, việc chính quyền Bắc Kinh kiểm soát giá điện để hạ chi phí sản xuất, ổn định xã hội càng khiến ngành năng lượng xanh gặp khó do không thể cạnh tranh được với những nhà máy nhiệt điện quốc doanh được hỗ trợ.
Cơn khát than
Trung Quốc là quốc gia lớn thứ 3 thế giới về diện tích lãnh thổ, thế nhưng 96% người dân nước này lại đang sống ở khu vực Đông Nam đất nước, nơi vốn có nhiều sông ngòi.
Khoảng 70% lượng điện tiêu thụ của nước này là ở khu vực trung tâm và miền Đông, nhưng hơn 70% lượng điện lại đang được sản xuất từ khu vực miền Tây Trung Quốc. Chính điều này khiến việc truyền tải điện năng trở nên đắt đỏ hơn.
Ở mảng thủy điện, dù nhiều sông ngòi nhưng phải xây dựng ở các khu vực xa dân cư, nhà máy nên lượng điện tiêu hoa trên đường truyền tải là rất lớn, không thuận tiện bằng những nhà máy nhiệt điện có thể quy hoạch và xây dựng dễ dàng ở các trung tâm công nghiệp.
Chính vì nguyên nhân này mà nhiệt điện đốt than vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bằng chứng rõ ràng nhất là vụ mất điện thảm họa năm 2021 tại Trung Quốc trên diện rộng đã ảnh hưởng không chỉ cuộc sống của người dân mà còn là hoạt động sản xuất của nhiều khu nhà máy trọng điểm phía Nam.
Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia do địa chính trị, giảm số lượng hầm mỏ khai thác tại Nội Mông và Sơn Tây do vấn đề đất đai cũng như tiêu chuẩn an toàn, than từ Indonesia thì giảm sản lượng do lũ lụt...đã khiến sản lượng nhiệt điện đốt than giảm mạnh. Kết hợp với mùa hè khô cạn khiến thủy điện yếu đã gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có trong lịch sử ngành điện Trung Quốc.
Rút kinh nghiệm, Trung Quốc đã cho xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện đốt than trong 3 tháng đầu năm 2023 hơn cả toàn bộ số lượng năm 2021. Trước đó vào năm 2022, hãng tin CNN cho biết Trung Quốc thông qua 106 nhà máy nhiệt điện cỡ lớn, nhiều nhất kể từ năm 2015 và tương đương mỗi tuần thông qua 2 dự án.
Con số này là dễ hiểu khi Trung Quốc phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục 60 năm trong năm 2022, khiến ngành thủy điện không đủ nước, bộc lộ nhược điểm chết người cũng như nêu bật hiệu quả của nhiệt điện đốt than.
Ban đầu chính phủ dự định giảm phụ thuộc vào than để tránh ô nhiễm môi trường nhưng vụ mất điện năm 2021 cùng nền kinh tế bất ổn hậu đại dịch đã làm thay đổi các chính sách của chính quyền Bắc Kinh.
Giờ đây, dù tham gia nhiều diễn đàn và cam kết giảm khí thải nhà kính nhưng Trung Quốc vẫn phát triển song song cả năng lượng xanh lẫn nhiệt điện đốt than. Số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc NSB) cho thấy trong năm 2022, nhiệt điện đốt than của nước này thậm chí tăng trưởng 1,4%, trong khi lượng tiêu thụ than tăng 4,3%.
Đây là lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ than cao hơn tăng trưởng kinh tế (3%).
Rất rõ ràng, cơn khát than của Trung Quốc sẽ khó có thể chấm dứt trong ngắn hạn bất chấp các cam kết giảm khí thải nhà kính của Bắc Kinh. Ngoài ra, dù xây dựng nhiều đập thủy điện nhưng sự kém hiệu quả của chúng so với nhiệt điện than khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới này khó có thể dựa vào các công trình hàng trăm nghìn tỷ đồng này được.
*Nguồn: The Guardian, SCMP