Jack Ma cảnh báo Alibaba giẫm vết xe đổ Nokia, Kodak, khi ông hoàng TMĐT dần mất ngôi vương
Alibaba nói riêng và ngành TMĐT Trung Quốc nói chung đang rơi vào cảnh thoái trào.
Tờ SCMP cho hay vào cuối tháng 5/2023, nhà sáng lập Jack Ma của Alibaba đã tổ chức một cuộc họp nội bộ với các lãnh đạo mảng thương mại điện tử (TMĐT) của tập đoàn nhằm cảnh báo về bài học Nokia và Kodak.
Trong cuộc họp, Jack Ma đã đề nghị Alibaba tái tập trung vào nền tảng Taobao cũng như Internet thay vì chạy đua theo các dữ liệu doanh số ấn tượng, qua đó sống sót được khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.
Cuộc họp trên được diễn ra chỉ vài tuần trước khi người đứng đầu Taobao Eddie Wu Yongminmg bất ngờ trở thành CEO mới của Alibaba kể từ ngày 10/9/2023 tới đây.
Vị CEO hiện tại là Daniel Zhang sẽ lui về quản lý mảng điện toán đám mây Alibaba Cloud nhằm chuẩn bị đưa bộ phận này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Tờ SCMP cho hay Jack Ma dù đã từ bỏ mọi chức vụ trong công ty nhưng vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nhân viên, nhà đầu tư cũng như hình ảnh của Alibaba. Bởi vậy trong cuộc họp cuối tháng 5, nhà sáng lập này đã tự tin khuyên thẳng mặt các lãnh đạo của Taobao và Tmall rằng họ không được tự mãn với vị thế thống trị mảng TMĐT tại Trung Quốc và cần luôn cảnh giác với khả năng thất bại.
Vị tỷ phú 58 tuổi này đã dẫn chứng bài học về Nokia, thương hiệu từng thống trị mảng điện thoại di động toàn cầu nhưng thất thủ trước smartphone, và Kodak, hãng máy ảnh phim nổi tiếng thế giới bị đè bẹp bởi dòng máy kỹ thuật số, qua đó cho thấy những kẻ thống trị thị trường có thể sụp đổ nhanh chóng đến mức nào.
“Alibaba cần phải quay trở lại tập trung cho Taobao, cho người dùng, hướng về Internet thay vì những dữ liệu doanh số gây ấn tượng cho cổ đông”, tờ SCMP trích lời Jack Ma nói trong cuộc họp.
Qua thời hoàng kim
Theo SCMP, ý tưởng “quay trở về với Taobao” của Jack Ma nghĩa là Alibaba không nên chỉ tập trung gia tăng số lượng người mua mà còn nên chi ngân sách hỗ trợ cho những người bán nhỏ lẻ trên các nền tảng của mình.
Chợ TMĐT Taobao được Alibaba thành lập vào năm 2003 và là nền tảng TMĐT đầu tiên của tập đoàn. Sản phẩm này đã đạt được thành công lớn nhờ giúp đỡ những người bán hàng nhỏ lẻ đánh bại các ông lớn như eBay.
Trong khi đó, Tmall cũng là một trang con của Taobao được thành lập năm 2008 nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường về thương hiệu của người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy sau quãng thời gian đạt được các ấn tượng tăng trưởng, ngành TMĐT nói chung và Alibaba nói riêng đang bước vào giai đoạn thoái trào.
Ví dụ điển hình là vào ngày lễ mua sắm 18/6 vừa qua, dù là ngày lễ mua sắm lớn nhưng phần lớn các nền tảng thương mại điện tử năm nay đều từ chối công bố tổng giá trị giao dịch (GMV). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cả Alibaba và JD.com từ chối công bố GMV, một dấu hiệu được nhiều chuyên gia đánh giá là sự thoái trào khỏi thời hoảng kim của ngành thương mại điện tử.
Thậm chí Alibaba còn “dằn mặt” các hãng cung cấp số liệu về hậu quả nếu họ công bố GMV của các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn như Tmall hay Taobao.
“Năm nay, những số liệu về doanh số cứ như thứ gì đó nhạy cảm vậy”, một nhân viên của một hãng số liệu nói với tờ Nikkei Asian Review.
Trả lời SCMP, một nhân viên Alibaba giấu tên xác nhận tập đoàn này đã bắt đầu giảm hỗ trợ cho những mặt hàng thương hiệu lớn trên Tmall như iPhone để chuyển sang tài trợ cho các sản phẩm rẻ tiền hơn như bọc điện thoại, vốn thường được kinh doanh bởi những người bán nhỏ lẻ.
Kinh tế khó khăn, lao động trẻ thất nghiệp kỷ lục 20%, hàng loạt các ngành nghề từ bất động sản, giáo dục cho đến công nghệ bị chính phủ chấn chỉnh khiến người dân lo ngại và gia tăng tiết kiệm thay vì chi tiêu.
“Tiền tiết kiệm hộ gia đình tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục, qua đó cho thấy mọi người không muốn dùng tiền gửi ngân hàng của mình để chi tiêu hay đầu tư cho các ngành như bất động sản, vốn đang gặp khó về thanh khoản. Chúng ta đang chứng kiến sự thiếu niềm tin lan rộng trên thị trường chứ không riêng gì ngành bán lẻ”, người đứng đầu mảng nghiên cứu vĩ mô tại Châu Á của Pictet Wealth Management, ông Dong Chen cảnh báo.
Tình hình kinh tế khó khăn khiến Alibaba đứng trước nguy cơ cực kỳ to lớn khi có thể dễ dàng mất ngôi đầu tương tự như Nokia và Kodak bất cứ lúc nào, nhất là trong bối cảnh bị chính quyền Bắc Kinh tái cơ cấu như hiện nay.
Việc Jack Ma có những phát ngôn “vạ miệng” năm 2020 đã khiến chính phủ Trung Quốc bất ngờ dừng vụ IPO của Ant Group thuộc Alibaba, đồng thời khiến vị tỷ phú này ở ẩn suốt vài năm trở lại đây. Bản thân tập đoàn Alibaba cũng phải tái cơ cấu lại trước yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, đồng thời nhận án phạt hàng tỷ USD về những sai phạm sau các vụ điều tra.
Trớ trêu hơn, cũng chính những phát ngôn bất cẩn của Jack Ma đã khơi mào cho làn sóng chấn chỉnh của Trung Quốc với ngành công nghệ và khởi nghiệp, qua đó gián tiếp tạo nên hậu quả như hiện nay với ngành TMĐT.
Thay đổi để tồn tại
Quay trở lại với cuộc họp, Jack Ma cho biết Alibaba cần giữ vững nguyên tắc là một công ty Internet, tập trung vào trải nghiệm khách hàng mà ở đây là cả người bán lẫn người mua hơn là chạy theo doanh số, để rồi làm xói mòn chất lượng.
Bởi vậy Alibaba cần tập trung hơn vào thời gian online của khách hàng trên các nền tảng của mình hơn là số lượng người tham gia hay mua hàng.
Ngoài ra, vị tỷ phú này cho hay tập đoàn cũng nên dàn phẳng cấu trúc để hạn chế việc phải trình báo qua quá nhiều cấp độ, đồng thời để nhân viên có được tính tự chủ và trách nhiệm cao hơn trong công việc.
Cuộc họp của Alibaba diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này đã phải tách thành 6 công ty con cho phù hợp yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên mảng TMĐT của Taobao và Tmall vẫn chiếm đến 70% tổng doanh thu của tập đoàn và vẫn đang là con gà đẻ trứng vàng chính của đế chế do Jack Ma xây dựng.
Mặc dù vậy, vị thế của Alibaba đang bị đe dọa mạnh khi hàng loạt đối thủ mạnh xuất hiện. Ngoài JD.com đã tồn tại từ lâu thì Pingduoduo-PDD, công ty mẹ của Temu đang làm mưa làm gió tại Mỹ, rồi Houyin-phiên bản Tiktok Trung Quốc, cũng đang làm xói mòn thị phần của nhà Jack Ma.
Rất rõ ràng, Alibaba đang đứng trước nguy cơ khá lớn khi gặp thách thức cả trong lẫn ngoài và việc tìm đường giữ vị thế số 1 ngành TMĐT tại thị trường tỷ dân đang là điều cấp bách mà nhà sáng lập Jack Ma quan tâm dù ông không còn giữ chức vụ gì trong công ty.
*Nguồn: SCMP