Thế khó của vua thời trang nhanh mới nổi Shein: Cố rũ bỏ mác 'công ty Trung Quốc' nhưng vẫn khiến phương Tây 'nóng mắt'

22/06/2023 14:55 PM | Kinh doanh

Dù cố gắng tẩy trắng hình ảnh thương hiệu đến từ Trung Quốc nhưng Shein vẫn khó làm hài lòng được các nhà làm luật Phương Tây.

Thế khó của vua thời trang nhanh mới nổi Shein: Cố rũ bỏ mác 'công ty Trung Quốc' nhưng vẫn khiến phương Tây 'nóng mắt' - Ảnh 1.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hãng bán lẻ thời trang số 1 tại Mỹ theo thị phần là Shein, vốn đến từ Trung Quốc, đang cố gắng dùng mọi cách để gỡ bỏ hình ảnh nguồn gốc của mình trong con mắt những nhà làm luật.

Sự bùng nổ của Shein tại Mỹ khi đánh bại cả Zara và H&M, tạo nên những sản phẩm 5 USD/chiếc áo hay 6 USD/đôi dép và thu hút lượng lớn người tiêu dùng trẻ, đã khiến các nhà hoạch định chính sách nóng mắt, qua đó liên tiếp chỉ trích về những vấn đề như bản quyền thiết kế, khí thải nhà kính hay câu chuyện nguồn gốc xuất xứ.

Trước nguy cơ bị nhắm tới như Tiktok hay Huawei trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện nay, Shein đang cố gắng rũ bỏ nguồn gốc Trung Quốc của mình, chi hàng chục triệu USD thuê các nhà thiết kế nổi tiếng, nâng cao tiêu chuẩn các nhà máy cũng như giảm khí thải nhà kính nhằm tránh lâm vào vết xe đổ của các tập đoàn Trung Quốc trước đó.

Thế khó của vua thời trang nhanh mới nổi Shein: Cố rũ bỏ mác 'công ty Trung Quốc' nhưng vẫn khiến phương Tây 'nóng mắt' - Ảnh 2.

Thế nhưng theo WSJ, dù có chi tiền đánh bóng tên tuổi thế nào thì Shein vẫn không thể tách rời khỏi Trung Quốc mà ví dụ điển hình nhất là nguồn gốc các nguyên vật liệu sản phẩm của hãng. Bất chấp những tuyên bố hùng hồn, Shein vẫn không thể đưa ra được các bằng chứng rõ ràng về nguồn gốc nguyên liệu may mặc của mình, hay thậm chí là thiết kế một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng cho mảng này.

“Việc Shein có kiểm soát được nguồn gốc các nguyên liệu của mình hay không vẫn còn là một nghi vấn”, phó giáo sư Sheng Lu của trường đại học Delaware nhận định.

Tẩy trắng

Thương hiệu Shein hiện đang kinh doanh tại hơn 150 quốc gia với tổng giá trị doanh nghiệp lên đến 66 tỷ USD. Kể từ khi chuyển trụ sở chính từ Trung Quốc sang Singapore nhằm “tẩy trắng” thương hiệu trước các nhà chức trách Mỹ, Shein cũng bắt đầu xây dựng bộ phận phát triển bền vững vì môi trường, xã hội (ESG) của mình vào năm 2021 cho phù hợp các tiêu chuẩn Phương Tây cũng như giải quyết các vụ bê bối.

Dẫu vậy, nghiên cứu của tổ chức Remake trong mảng phát triển bền vững của ngành thời trang nhanh cho thấy Shein hiện đang là hãng thời trang nhánh ít minh bạch nhất của ngành. Mặc dù động thái thành lập ESG của Shein được Remake hoan nghênh nhưng theo giám đốc Becca Coughlan của tổ chức, vấn đề trách nhiệm với xã hội và môi trường trong các báo cáo của Shein yếu kém hơn nhiều so với những đối thủ tương đương trong ngành.

Theo bảng xếp hạng trách nhiệm xã hội của Remake, Shein chỉ đạt 9/150 điểm, kém hơn cả H&M (32 điểm) và Inditex-Zara (18 điểm).

Thế khó của vua thời trang nhanh mới nổi Shein: Cố rũ bỏ mác 'công ty Trung Quốc' nhưng vẫn khiến phương Tây 'nóng mắt' - Ảnh 3.

Thậm chí hãng bán lẻ thời trang này còn chẳng dám đăng thông tin chi tiết về các nhà máy sản xuất của mình, điều mà hầu như mọi hãng thời trang nhanh cỡ lớn đều đã làm.

“Nếu bạn kiểm soát được nguồn cung và mọi thứ đều minh bạch thì chắc chắn bạn sẽ công khai thông tin đó. Đây đã là năm 2023 rồi và người tiêu dùng muốn nhìn thấy những thông tin này, các nhà chức trách muốn xem nó và nhà đầu tư cũng cần chúng trước khi rót tiền mua cổ phiếu”, giám đốc Coughlan của Remake nhấn mạnh.

Thay vì công bố chi tiết các nhà cung cấp, Shein lại công khai kết quả kiểm toán những nhà cung ứng của mình. Hãng cho biết họ đã có 2.812 cuộc kiểm toán với các nhà cung ứng năm 2022, cao gấp 4 lần so với năm 2021. Thế nhưng theo điều tra của WSJ, hồ sơ kiểm toán này chỉ bao gồm 36% các nhà máy hợp đồng của Shein.

Ở một khía cạnh khác, Shein đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung thay vì phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, nhưng điều này khá khó bởi mức giá quá rẻ tại nền kinh tế số 2 thế giới.

Năm 2022, Shein đã mở một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như hợp tác với một nhà bán lẻ Ấn Độ, qua đó làm hài lòng các quan chức Mỹ về vấn đề nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm. Tuy nhiên để giữ được mức giá cạnh tranh, ưu thế lớn nhất giúp Shein giành chiến thắng tại Mỹ, thì việc từ bỏ hoàn toàn nguồn cung Trung Quốc là điều bất khả thi.

Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, Shein cũng tăng gấp đôi đầu tư mở nhà máy tại Châu Mỹ Latinh như Brazil nhằm cố gắng biến nơi đây thành công xưởng mới của hãng.

64% Polyester

Tương tự như những hãng thời trang nhanh khác, Shein tận dụng sợi Polyester từ dầu mỏ có giá rẻ chỉ bằng một nửa sợi Cotton để làm nên ưu thế của mình. Khoảng 64% sản phẩm của hãng làm bằng sợi Polyester trong khi chỉ có 10% là Cotton.

Chính điều này đã khiến những báo cáo về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường của Shein trở nên lố bịch trong mắt các nhà hoạt động bảo vệ môi trường. Xin được nhắc Polyester sẽ mất hàng thập kỷ mới có thể phân hủy hết ngoài môi trường, chưa kể đến việc giá rẻ khiến hãng sản xuất nhiều quần áo bằng nguyên liệu này hơn để rồi người dùng chỉ mặc vài lần rồi vứt.

Tệ hơn, một startup ngành bán lẻ mới trỗi dậy tại Mỹ là Temu, có công ty mẹ là PDD tại Trung Quốc được cho là đang vượt mặt Shein ở Mỹ, thậm chí còn chẳng thèm công bố báo cáo trách nhiệm xã hội của mình.

Chính những điều này khiến Shein và Temu đang trở thành cái gai trong mắt các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi doanh nghiệp Trung Quốc kiếm lời từ người tiêu dùng nước này nhưng lại không có động thái trách nhiệm tương đương.

Năm 2022, Shein cam kết sẽ đầu tư 15 triệu USD để nâng cấp điều kiện làm việc ở các nhà máy cung ứng của mình cũng như xây dựng các trung tâm chăm sóc trẻ nhỏ cho lao động. Thế nhưng như vậy là chưa đủ trong con mắt của các ngành chức năng Phương Tây, nơi môi trường và trách nhiệm xã hội đang ngày càng được đề cao.

*Nguồn: WSJ

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM