Kinh tế Nhật “thoát hiểm” suy thoái
Triển vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới còn khá u ám trong thời gian tới...
Nền kinh tế Nhật đã tránh được một cuộc suy thoái nhờ tăng chi tiêu chính phủ và tiêu dùng cá nhân bù đắp cho sự suy giảm đầu tư của các doanh nghiệp.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 18/5 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 1,7% trong quý 1/2016, vượt dự báo trước đó của giới phân tích.
Cùng với đó, mức suy giảm GDP quý 4/2015 của Nhật Bản được điều chỉnh thành 1,7%, sâu hơn mức giảm 1,1% như công bố ban đầu. Nếu GDP suy giảm 2 quý liên tiếp, một nền kinh tế được cho là đã suy thoái.
Đầu tư tài sản cố định của Nhật tiếp tục giảm trong quý 1 vừa qua, cho thấy các doanh nghiệp nước này chưa muốn sử dụng dự trữ tiền mặt dồi dào cho việc đầu tư. Tình trạng này cũng cho thấy Nhật Bản còn một chặng đường dài phải đi để phá vỡ chu kỳ tăng trưởng và suy giảm đan xen suốt nhiều thập kỷ qua.
Bất chấp kế hoạch chấn hưng tăng trưởng mang tên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe và chương trình bơm tiền quy mô khổng lồ vào nền kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ), đầu tư của các công ty tại Nhật giảm 1,4% trong quý 1 so với quý 4/2015. Trái lại, tiêu dùng cá nhân tăng 0,5% trong quý 1, so với mức giảm 0,8% trong quý 4/2015.
Triển vọng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới còn khá u ám trong thời gian tới, xét đến sự tăng giá mạnh trở lại của đồng Yên và khả năng tăng thuế tiêu thụ trong năm 2017.
Tiêu dùng cá nhân, lĩnh vực đóng góp khoảng 60% GDP của Nhật, có thể sẽ khiến ông Abe đắn đo nhiều khi cân nhắc tăng thuế tiêu thụ lên 10% từ 8% hiện nay. Đợt tăng thuế tiêu thụ năm 2014 đã đẩy kinh tế Nhật rơi vào suy thoái.
Ông Hiroaki Muto, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Tokai Tokyo Research Center ở Tokyo, nói rằng nền kinh tế Nhật có thể sẽ chật vật trong việc lấy đà tăng trưởng bởi đồng Yên mạnh và thị trường chứng khoán giảm điểm. Đồng nội tệ tăng giá đe dọa lợi nhuận của các công ty xuất khẩu Nhật, khiến triển vọng đầu tư của các công ty xấu đi.
Từ đầu năm đến nay, đồng Yên đã tăng giá 10% so với đồng USD, trong khi chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật giảm khoảng 14%. Hãng xe Toyota mới đây cảnh báo lợi nhuận ròng cả năm của hãng có thể giảm lần đầu tiên trong vòng 5 năm.
Trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua, GDP danh nghĩa của Nhật tăng 2,2%, mức tăng lớn nhất kể từ ít nhất năm 1997, nhưng thấp hơn so với mục tiêu 3% mà Chính phủ Nhật đề ra.