Kinh tế giảm tốc, ngày càng nhiều phụ nữ Hàn bỏ chồng theo cuộc "chơi"

09/12/2019 15:50 PM | Xã hội

Báo cáo của Trung tâm tư vấn pháp luật hôn nhân Hàn Quốc (KLAFM) cho thấy những vấn đề về tài chính hiện nay mới là yếu tố chủ chốt khiến nhiều gia đình đổ vỡ hơn là những vụ ngoại tình, bạo hành như đã diễn ra trong thập niên 1980.

Chỉ 2 ngày sau khi Lễ hội văn hóa ẩm thực, một trong 2 kỳ nghỉ lễ lớn tại Hàn Quốc diễn ra vào tháng 9/2019 kết thúc, cô Kim Jin Ju đã quyết định ly hôn với chồng.

"Tôi đã chán cảnh phải trở thành bao cát cho chồng mình trút bỏ mọi sự giận dữ", người mẹ 2 con này thổ lộ.

Trường hợp của cô Kim chỉ là một trong số rất nhiều phụ nữ Hàn Quốc quyết định ly hôn chồng, một xu thế ngày càng tăng tại xứ sở kimchi. Hiện Hàn Quốc là nước có tỷ lệ ly hôn cao nhất Đông Á và hiện xếp thứ 14 trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỷ lệ này, cao hơn cả Trung Quốc (thứ 27) và Nhật Bản (28).

Kinh tế giảm tốc, ngày càng nhiều phụ nữ Hàn bỏ chồng theo cuộc chơi - Ảnh 1.

Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc, tổng số vụ ly hôn ở nước này vào năm 2018 dã đạt 108.700 vụ, một con số đáng ngạc nhiên tại quốc gia vẫn coi chuyện ly dị là vấn đề nhạy cảm. Báo cáo của tổng cục thống kê cho thấy việc phụ nữ Hàn Quốc ngày càng có tiếng nói trong xã hội đã khiến tỷ lệ ly hôn tăng cao, nhất là trong giới tinh hoa khi nhiều người nổi tiếng chấp nhận ly hôn thay vì cố gắng gìn giữ hình ảnh như trước.

"Một trong những lý do khiến tỷ lệ ly hôn ngày nay tăng cao là do phụ nữ đã được đi làm và họ không còn gặp trở ngại khi chủ động tiến hành thủ tục ly hôn. Tôi nghĩ trong một xã hội trọng nam khinh nữ như hiện nay, phụ nữ ngày càng không muốn trở thành bao cát cho các ông chồng trút giận nữa", Giám đốc Kim Se Ri của một tổ chức phi chính phủ chuyên trợ giúp các bà mẹ trẻ đơn thân nói.

Đồng quan điểm, số liệu của Tòa án tối cao Hàn Quốc cũng cho thấy tỷ lệ ly hôn vào tháng 3/2018 đã tăng 30,8% so với tháng trước đó khi Tết Nguyên Đán mới kết thúc. Xu thế ly hôn tăng sau kỳ nghỉ lễ tại Hàn Quốc đã liên tục kéo dài từ năm 2014 đến nay khi các bà vợ được đoàn tụ với gia đình mẹ đẻ và nhận ra rằng họ không đáng phải bỏ cuộc chơi để chịu đựng những ông chồng "vô dụng" nữa.

"Tôi không cho rằng những kỳ nghỉ lễ trực tiếp khiến tỷ lệ ly hôn tăng nhưng nó cũng gián tiếp nhắc nhở phụ nữ rằng họ không cần trở thành phái yếu trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc", Giám đốc Kim Se Ri nói.

Quay trở lại câu chuyện của chị Kim Jin Ju, cuộc hôn nhân 8 năm của cô trên thực tế khá ổn bởi sự hòa thuận giữa con dâu với nhà chồng. Tuy vậy, cô Kim Jin Ju cho biết mình không thể chịu đựng được việc phải giữ quá nhiều khuôn phép nhằm bảo vệ hình ảnh của chồng cũng như tuân theo các quy tắc truyền thống. Rất nhiều lần cô Kim đã phải chịu sự mắng nhiếc của chồng khi đơn giản chỉ là chia sẻ những khó khăn của gia đình với họ hàng bên nội.

"Chồng của tôi có lòng tự trọng quá cao, nhất là khi anh ấy là con trưởng, vốn có vai trò cực kỳ quan trọng trong văn hóa gia đình Hàn Quốc. Tuy nhiên đối với tôi, dù là con cả hay gì thì trước tiên anh ấy phải là chồng của tôi trước", cô Kim than thở.

Tất cả vì tiền

Cuộc hôn nhân của cô Kim đã bắt đầu rạn nứt kể từ khi nền kinh tế Hàn Quốc giảm tốc và gặp nhiều khó khắn. Gia đình cô Kim Jin Jung vốn sở hữu một công ty mỹ phẩm nhưng bản thân cô Kim đã rút dần khỏi việc quản lý sau khi sinh con thứ 2 để tập trung chăm sóc gia đình.

"Chồng của tôi phá nát cơ nghiệp và thậm chí khiến cả gia đình ngập trong nợ nần. Điều trớ trêu là anh ấy dùng tên tôi trên mọi giấy tờ. Trong khi đó, ổn định được kinh tế là yếu tố tiên quyết để gìn giữ một cuộc hôn nhân ở xã hội ngày nay", cô Kim cho biết.

Kinh tế giảm tốc, ngày càng nhiều phụ nữ Hàn bỏ chồng theo cuộc chơi - Ảnh 2.

Quan điểm có phần vật chất của cô Kim được rất nhiều người phụ nữ Hàn Quốc đồng tình, nhất là kể từ khi nước này lâm vào khủng hoảng và cần Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cứu trợ vào thập niên 1990. Việc hàng loạt người mất việc và lâm vào cảnh nợ nần đã ám ảnh cả một thế hệ phụ nữ Hàn.

Chỉ vài năm sau khi IMF cứu trợ Hàn Quốc vào năm 1997, tỷ lệ ly hôn của quốc gia này đạt mức kỷ lục từ 2 phần nghìn năm 1980 lên tới 3,54 phần nghìn năm 2003.

Báo cáo của Trung tâm tư vấn pháp luật hôn nhân Hàn Quốc (KLAFM) cho thấy những vấn đề về tài chính hiện nay mới là yếu tố chủ chốt khiến nhiều gia đình đổ vỡ hơn là những vụ ngoại tình, bạo hành như đã diễn ra trong thập niên 1980. Khoảng 45% nữ giới và 60% đàn ông Hàn ngày nay cần hỗ trợ tư vấn hôn nhân do gặp khó khăn về tài chính.

"Xã hội Hàn Quốc đang ở giai đoạn mà các cặp vợ chồng thường tự chủ về tài chính cũng như công việc, bởi vậy khi nền kinh tế gặp vấn đề, những khúc mắc về tiền bạc sẽ nhanh chóng nảy sinh và làm rạn nứt cuộc hôn nhân", cô Kim Se Ri chia sẻ.

Bên cạnh đó, sự tự chủ về tài chính và nhu cầu về tiền bạc cũng vô cùng rõ ràng ở các cặp đôi có tuổi. Những phụ nữ tầm 40-44 tuổi tại Hàn Quốc là ly hôn nhiều nhất với tỷ lệ 8,1 phần nghìn trong khi ở nam giới là từ 45-49 tuổi với 8,6 phần nghìn.

"Tôi nghĩ ngày nay Hàn Quốc ngay càng tôn trọng quyết định ly hôn của các cặp vợ chồng", cô Son Min Hee, một nhân viên tại trung tâm chăm sóc trẻ em Hàn Quốc nhận định.

Số liệu chính thức cho thấy có đến 33,4% số vụ ly hôn ở Hàn Quốc là các cuộc hôn nhân đã kéo dài trên 20 năm, trong khi đó 21,4% là các cuộc hôn nhân kéo dài dưới 4 năm. Điều này cho thấy người Hàn ngày càng thoải mái với chuyện ly dị và các bà vợ sẵn sàng "chia tay" nếu người chồng của mình không còn đủ sức nuôi nổi gia đình nữa.

AB

Cùng chuyên mục
XEM