Mỹ phẩm 5.000 đồng và nhức nhối 3 không, 5 không, 7 không
Một bản tin trên truyền hình quốc gia hôm qua đã làm sửng sốt rất nhiều người khi chỉ tận mắt những loại “mỹ phẩm 5.000 đồng” tràn ngập chợ quê.
5.000 đồng và 3 không: Không nhãn mác rõ ràng- không nguồn gốc- và không đảm bảo chất lượng.
Có thể, cái giá 5.000 đồng cho một lọ mỹ phẩm làm đẹp khiến người ta sửng sốt. Nhưng thật ra, điều đó chỉ đang phản ánh tình trạng “nông thôn biến thành bãi rác hàng hóa” đã tồn tại cả chục năm qua. Trong khi 5.000 chưa phải là cái giá phi lý nhất.
Gia vị và hương liệu, đều là hàng trôi nổi, đóng chữ tượng hình, giá 2.000 đồng, có thể tìm thấy ở bất cứ đâu.
“Quà vặt” Trung Quốc, trong phạm trù “bánh kẹo- đồ chơi”, giá 1.000 đồng, thao túng hầu hết các chợ quê.
Quần áo, chăn ga gối đệm giày dép “Made in China” rẻ hơn cả công may một cái áo. Rẻ đến mức “chẳng mấy ai muốn mua vải may áo nữa”…
Sự thao túng của hàng “3 không”, hầu hết từ Trung Quốc đang nói lên rất nhiều điều.
Chiếc áo khoác Trung Quốc giá rẻ vừa tác động vào nhu cầu, tạo ra thói quen tiêu dùng, vừa đẩy hàng may mặc, dẫu là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô- bật bãi ngay trên sân nhà. Quả trứng khủng long, vừa là đồ ăn, vừa là đồ chơi giá 1.000 đồng đang cho thấy khoảng trống mênh mông về nhu cầu của thị trường mà các DN trong nước đã vừa bỏ quên, vừa đánh mất.
Còn những lọ son môi 5.000 đồng, những hộp kem trắng da 40.000 đồng đang cho thấy sức khỏe, an toàn của người dân nông thôn gần như không được quan tâm.
Có người đã nói đến cái không thứ 4 và thứ 5 “không về sự quan tâm đến chất lượng” (mà chỉ quan tâm đến giá bán); không- rất lớn về sự hiểu biết và trách nhiệm trở thành một “người tiêu dùng thông thái”- như thể thủ phạm chính là nông dân vậy. Nhưng họ có sự lựa chọn nào khác đâu ngoài năm thì mười họa các chuyến “hàng Việt về quê”.
Năm 2003, công trình nghiên cứu “Nhân tố Trung Quốc đối với chiến lược phát triển thị trường nội địa ngành may VN” của 2 tiến sĩ Trường ĐH Thương mại đã nhắc tới hai chữ “bỏ ngỏ”.
Đại ý là trong khi “mũi nhọn dệt may” mải chinh chiến đâu đó thì để hở lưng cho hàng Trung Quốc- từ trao đổi tiểu ngạch cho đến buôn bán bất hợp pháp - chiếm lĩnh “không dưới 60% thị phần trong nước”.
Câu hỏi tại sao có những lọ mỹ phẩm 5.000 đồng và “chiếm lĩnh 60% thị phần trong nước” rất dễ trả lời: Nó liên quan đến những cái “không” khác: Không có kiểm tra, kiểm soát. Và điều kinh khủng là không ai rõ con số 60% từ 12 năm trước giờ đã là bao nhiêu. Và còn bao nhiêu những loại hàng bị chiếm lĩnh “không dưới 60% thị phần”.