Bình Nhưỡng lơ lơ dần hàng Trung Quốc

27/07/2015 09:07 AM |

Hàng hóa Nga đang dần chiếm lĩnh thị trường Triều Tiên thời gian gần đây, hiện tượng này được đánh giá là chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm giảm sự lệ thuộc hàng Trung Quốc.

Viết cho trang RFA, nhà báo Sung Hui Moon dẫn nguồn tin từ CHDCND Triều Tiên cho biết từ cuối năm ngoái, hàng hóa xuất xứ từ Nga, gồm cả thực phẩm và thuốc men, đang nhanh chóng thay thế hàng Trung Quốc trên các kênh không chính thức tại Triều Tiên. Hàng Nga được đánh giá có chất lượng tốt hơn trong khi giá thành lại rẻ.

Đáng chú ý là xu hướng này diễn ra giữa lúc nhà lãnh đạo Kim Jong Un kêu gọi người dân ưu tiên mua hàng hóa nội địa. Tuy nhiên, đằng sau lời kêu gọi đó thì ai cũng biết khả năng sản xuất tại Triều Tiên chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.

“Lệnh của chính quyền (kêu gọi mua hàng trong nước) chỉ là cái cớ để loại bỏ hàng Trung Quốc và thay bằng hàng hóa của Nga”, nguồn tin từ Triều Tiên bình luận. Năm 2015 ở Triều Tiên còn được kỷ niệm là “Năm tình bạn với Nga”.

Theo bài báo của RFA, dù Trung Quốc có được lợi thế về quan hệ giao thương lâu năm và khả năng vận chuyển hàng hóa dễ dàng qua lại biên giới (hai nước có biên giới chung hơn 1.400 km), điều này cũng không giúp sản phẩm của họ trụ vững. Các sản phẩm như dầu ăn, bột mì, sữa bột, đường, trái cây khô… của Nga đang chiếm ưu thế so với sản phẩm Trung Quốc cùng loại trên thị trường chợ đen ở Triều Tiên.

Bên cạnh đó, kinh tế Triều Tiên cũng nhận được cú hích từ những chuyến hàng cung cấp dầu thô và ngũ cốc từ Nga theo các điều khoản cho vay có lợi. Dầu thô giá “hữu nghị” từ Nga giúp giá xăng dầu ở Triều Tiên giảm mạnh, trong khi ngũ cốc giúp ổn định giá lương thực thực phẩm.

Theo Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông của Nga, ông Alexander Galushka, giao thương giữa hai nước hiện ở mức 112 triệu USD/năm và gần đây thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương lên mức 1 tỉ USD đến năm 2020. Nga chỉ đứng hàng thứ ba về giao dịch làm ăn với Triều Tiên, sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Nga cũng không giấu tham vọng tăng thêm vai trò và ảnh hưởng ở Triều Tiên. Theo trang Sputnik của Nga, việc có thêm đối tác thương mại ở châu Á sẽ giúp Matxcơva có thêm cửa ngõ xuất hàng hóa trong bối cảnh cấm vận mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine. Vì lẽ đó Nga đã khá hào phóng khi xóa nợ cho Triều Tiên đến hơn 10 tỉ USD.

Cũng theo trang Sputnik, giáo sư Alexeï Maslov thuộc Trường cao đẳng Kinh tế Matxcơva cho rằng 89% hàng xuất khẩu hiện nay của Triều Tiên là sang Trung Quốc, số hàng xuất khẩu này chủ yếu là nguyên liệu và khoáng sản đem về cho Triều Tiên khoảng 7,34 tỉ USD.

Không bán hàng Trung Quốc ở sân bay

Các cửa hàng miễn thuế trong sân bay quốc tế Bình Nhưỡng vừa khánh thành nhà ga mới sẽ không bán hàng xuất xứ Trung Quốc. Theo tờ Duowei News, tờ báo của Hoa kiều tại Mỹ, các quan chức Triều Tiên cho rằng phần lớn hàng hóa làm từ Trung Quốc đưa sang nước này đều là hàng giả, hàng kém chất lượng. Cũng theo tờ Duowei News, vì lãnh đạo Kim Jong Un và vợ rất thích các mặt hàng thời trang hàng hiệu nên các quan chức dưới quyền đã tìm mọi cách để mở các cửa hàng miễn thuế ở sân bay và bán các mặt hàng xa xỉ.

Theo MINH TRUNG

Cùng chuyên mục
XEM