Khủng hoảng ở Starbucks: Hơn 30 năm gây dựng danh tiếng, tất cả đổ bể vì những lao động 'trẻ trâu'

06/04/2023 08:55 AM | Kinh doanh

Năm 1996, những lời phát biểu về trách nhiệm xã hội của CEO Howard Schultz khi đó đã nhận sự hưởng ứng của Tổng thống Mỹ Bill Clinton và tràng vỗ tay từ khán giả. Hơn 20 năm sau, cũng những lời nói đó nhưng ông chỉ nhận lại chỉ trích.

Khủng hoảng ở Starbucks: Hơn 30 năm gây dựng danh tiếng, tất cả đổ bể vì những lao động 'trẻ trâu' - Ảnh 1.

Năm 1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi đó đã tự hào khi nhắc đến Starbucks, một doanh nghiệp chấp nhận mua bảo hiểm lao động cho cả những nhân viên bán thời gian của mình, qua đó phản ánh đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của một tập đoàn Mỹ chân chính.

Tại thời điểm đó, CEO của Starbucks là Howard Schultz đã xuất hiện trong buổi thảo luận cùng Tổng thống Bill Clinton để nói về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Vị giám đốc này diễn thuyết về quyết định của năm 1987 khi đề nghị thưởng cổ phiếu chọn cho nhân viên Starbucks, đảm bảo an sinh xã hội và bảo hiểm sức khỏe cho người lao động, kể cả những người làm bán thời gian.

Vào khoảng thời gian đó, việc mua bảo hiểm cho cả những nhân viên bán thời gian, lao động hợp đồng theo giờ là điều khá hiếm.

“Kiểu quản lý chỉ một nhóm những lãnh đạo văn phòng, các cổ đông ngồi với nhau, chuyển mình từ công ty tư nhân sang đại chúng và đạt được thành công bằng cách hy sinh quyền lợi của nhân viên không phù hợp với chúng tôi”, bài phát biểu của Schultz đã nhận được cả một tràng vỗ tay dài từ người xem khi đó.

Khủng hoảng ở Starbucks: Hơn 30 năm gây dựng danh tiếng, tất cả đổ bể vì những lao động 'trẻ trâu' - Ảnh 2.

Rất rõ ràng, sự thành công của Starbucks được góp phần không nhỏ từ chiến lược xây dựng hình ảnh suốt hàng chục năm của Cựu CEO Schultz. Với việc đối xử nhân viên tử tế hơn, chuẩn hóa các quy tắc về kinh doanh chuỗi cà phê, nâng tầm cư xử với khách hàng và tạo nên cả một nền văn hóa cà phê đã biến thương hiệu Starbucks thành ông trùm ở rất nhiều thị trường.

Thế nhưng hơn 20 năm kể từ buổi nói chuyện với Tổng thống Bill Clinton ngày đó, tỷ phú Schultz vào tuần trước lại phải ngồi điều trần trước Nghị viện Mỹ vì cáo buộc vi phạm luật lao động, đối xử bất công với nhân viên khi ông còn nắm quyền CEO. Trước đó, Schultz đã rời khỏi ghế CEO Starbucks để nhường cho người kế nhiệm Laxman Narasimhan.

Bất chấp việc Schultz liên tục thanh minh ông không hề làm gì vi phạm luật lao động, các nghị sĩ Mỹ vẫn luôn nhắm vào việc Starbucks đàm phán riêng với lao động để họ không gia nhập công đoàn là bất công, rằng việc Schultz là một tỷ phú cho thấy có sự phân biệt quyền lợi trong công ty.

Tờ Business Insider (BI) nhận định hơn 30 năm xây dựng hình ảnh thương hiệu của Schultz và Starbucks đã đổ bể trong phút chốc, từ một doanh nghiệp có trách nhiệm với lao động trở thành công ty bóc lột nhân viên.

Tuy nhiên theo BI, nguyên nhân chính của vụ việc này nằm ở những lao động “gen Z”, những người sinh trong khoảng 1997-2012 khi quan điểm về văn hóa làm việc và công đoàn khác rất nhiều so với những lớp già.

Không cần công đoàn

Trong suốt nhiều thập niên, Schultz liên tục tuyên bố rằng quyền lợi của người lao động tại Starbucks tốt đến mức họ chẳng cần công đoàn.

Trước các nghị sĩ tại buổi điều trần, Cựu CEO Starbucks cho thấy mức lương theo giờ của nhân viên vào khoảng 17,5 USD, cao hơn quy định lương tối thiểu. Đó là chưa kể đến những cổ phiếu thưởng và các chương trình hỗ trợ, đào tạo khác.

Thêm nữa, việc Starbucks thúc đẩy chương trình bảo hiểm cho lao động bán thời gian kể từ năm 1986 càng khiến Schultz tin rằng họ không cần công đoàn để bảo vệ lợi ích nhân viên, bởi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hãng nhằm xây dựng thương hiệu.

“Nếu bạn nhìn lại thập niên 1950-1960 thì phần lớn các công đoàn được xây dựng để bảo vệ quyền lợi cho những người lao động ở các công ty đối xử bất công với họ, khi những ông chủ kiếm lời bằng việc hy sinh lợi ích của nhân viên...Nhưng Starbucks không phải một công ty như vậy”, Cựu CEO Schultz nhấn mạnh.

“Các lao động thường hạn chế tin tưởng vào doanh nghiệp khi mới vào làm ở bất cứ hãng nào tại Mỹ. Giới quản lý giờ đây chỉ nói về lợi ích và giá trị của lao động”, Schultz từng phàn nàn vào năm 1996 khi cho biết việc lấy được lòng tin của nhân viên là điều cực kỳ quan trọng.

Khủng hoảng ở Starbucks: Hơn 30 năm gây dựng danh tiếng, tất cả đổ bể vì những lao động 'trẻ trâu' - Ảnh 3.

Niềm tin

Bất chấp điều đó, các nghị sĩ vẫn không đồng tình bởi nhiệm vụ của các công đoàn là đàm phán quyền lợi cho người lao động và đây là quyền của các nhân viên bất kể công ty có chính sách tốt ra sao đi chăng nữa.

Trên thực tế, tờ BI nhận định sự cứng rắn của các nghị sĩ là bởi ngày càng nhiều lao động trẻ có thái độ rất khác so với lớp già. Họ nhận thức được quyền lợi của mình hơn, sẵn sàng đấu tranh vì nó hơn cho dù là phải kiện cáo, cãi lại sếp hay thậm chí mất việc. Điều này trái ngược hoàn toàn với những lớp lao động già, có tâm lý nhún nhường trước quản lý.

Trong khi điều này có một số lợi ích thì chúng cũng đem lại nhiều hệ lụy, tạo nên những tranh cãi không hồi kết về việc lao động trẻ nên biết khiêm nhường, nghe lời sếp hơn hay nên đứng lên đấu tranh cho quyền lợi hơn.

Khảo sát của Gallup vào tháng 8/2022 cho thấy 71% người được hỏi ủng hộ các công đoàn, mức cao nhất kể từ năm 1965 và phần lớn là lao động trẻ. Thế nhưng điều trớ trêu là một nửa số người được hỏi cho biết chẳng có ý định gia nhập công đoàn.

Dẫu vậy, khảo sát của Gallup cũng cho thấy một thực tại là lao động trẻ ngày càng ít tin tưởng vào doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn. Cụ thể, khoảng 40% số người được hỏi không có niềm tin vào doanh nghiệp của mình, tăng mạnh so với 26% vào năm 1996.

Trớ trêu thay, Starbucks lại đã trở thành doanh nghiệp lớn như vậy với 402.000 nhân viên và hơn 36.000 chi nhánh.

Tại buổi điều trần mới đây, Schultz đã cố gắng phản pháp lại cáo buộc ông không hiểu nỗi khổ của nhân viên Starbucks. Vị Cựu CEO này đã kể về chuyện của cha mình trước đây bị tai nạn gãy chân khi làm tài xế và bị đuổi việc.

“Tôi đã xây dựng một doanh nghiệp mà những lao động như cha tôi trước đây từng mơ tới”, ông Schultz khẳng định.

Tuy nhiên thay vì nhận được tràng pháo tay như cuộc thảo luận năm 1996, ông Schultz lại chỉ nhận được những sự nghi ngờ và chỉ trích từ câu chuyện này.

“Nhân viên Starbucks đang tìm kiếm sự bảo hộ theo cách mà cha của ông chẳng thể hiểu được đâu”, nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts mỉa mai.

*Nguồn: BI

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM