Những lao động ‘già nhưng không phế’ tại Trung Quốc: Dân tỉnh lẻ, trình độ thấp nhưng vẫn làm việc đến cuối đời, quyết không trở thành gánh nặng

04/04/2023 08:58 AM | Xã hội

“Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi qua đời. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho đất nước hay gia đình mình”, một lao động 61 tuổi họ Wang nói với FT.

Những lao động ‘già nhưng không phế’ tại Trung Quốc: Dân tỉnh lẻ, trình độ thấp nhưng vẫn làm việc đến cuối đời, quyết không trở thành gánh nặng - Ảnh 1.

Những người bị bỏ lại

Theo tờ Financial Times (FT), mỗi ngày vào 5h30 sáng là ông Li Cungui lại gia nhập đội quân hàng trăm lao động tìm kiếm việc làm ở Majuqiao, chợ việc làm nổi tiếng gần thủ đô Bắc Kinh cho những công việc tạm bợ qua ngày như bê gạch hay xây dựng.

Ông Li hiện đã 54 tuổi, đến từ tỉnh Hebei cho biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác khi phải chấp nhận làm những công việc bán thời gian này bởi các vị trí “ngon” hơn đã bị người trẻ lấy mất.

“Chúng tôi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động bởi vì thiếu tay nghề cũng như đã có tuổi”, ông Li cho biết khi nhận một công việc sắp xếp gói hàng với mức thù lao 250 Nhân dân tệ, tương đương 36 USD trong 10 tiếng.

Những lao động ‘già nhưng không phế’ tại Trung Quốc: Dân tỉnh lẻ, trình độ thấp nhưng vẫn làm việc đến cuối đời, quyết không trở thành gánh nặng - Ảnh 2.

Tờ FT nhận định ông Li là một trong số rất nhiều lao động tỉnh lẻ đang lão hóa nhanh chóng ở Trung Quốc và bị bỏ lại phía sau khi cố kiếm việc ở những thành phố lớn.

Việc thiếu tay nghề, chuyên môn hay kiến thức khiến những lao động có tuổi này chịu thiệt trước những nhân viên trẻ, năng động và có học thức hơn. Thậm chí ngay cả những công việc trình độ thấp ở các nhà máy cũng ưu tiên người trẻ, vốn có sức chịu đựng cao hơn.

Trong khi đó, áp lực cuộc sống khiến những lao động tỉnh lẻ như ông Li buộc phải tiếp tục đi kiếm tiền dù đã có tuổi. Một số khác thì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

“Tôi sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi qua đời. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho đất nước hay gia đình mình”, một lao động 61 tuổi họ Wang nói với FT.

Theo FT, nguồn lao động dồi dào giá rẻ từng biến Trung Quốc thành công xưởng thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lão hóa nhanh chóng, qua đó dần trở thành gánh nặng cho xã hội.

Số liệu chính thức cho thấy lượng lao động tỉnh lẻ trên 50 tuổi tại Trung Quốc đã tăng hơn 100% trong 10 năm qua tính đến năm 2021, đạt 80 triệu người. Trái lại, số lao động ở các độ tuổi khác lại giảm 16%.

Tệ hơn, số việc làm tuyển dụng tại Trung Quốc lại đang giảm nhanh do những biến động của đại dịch cũng như căng thẳng thương mại. Thế rồi xuất khẩu chịu ảnh hưởng càng khiến nhiều nhà máy cắt giảm lao động.

Những lao động ‘già nhưng không phế’ tại Trung Quốc: Dân tỉnh lẻ, trình độ thấp nhưng vẫn làm việc đến cuối đời, quyết không trở thành gánh nặng - Ảnh 3.

Tờ FT cho biết các nhà máy trên khắp Trung Quốc đã giới hạn độ tuổi nhận việc là 40 trở xuống, thậm chí nhiều nơi còn thấp hơn. Những nhà môi giới việc làm ở Majuqiao cho biết các lao động trên 45 tuổi trình độ thấp thì chẳng có cơ hội kiếm việc làm toàn thời gian ở Trung Quốc nữa.

“Tại sao các nhà máy lại thuê những người già cả 50 tuổi trong khi có bao nhiêu lao động ngoài 30 có thể làm nhanh hơn với mức lương tương đương?”, một môi giới lao động của hãng Fuhuiya Human Resources tại Majuqiao nói.

Bất cứ việc gì, bất cứ giá nào

Mất cơ hội với công việc toàn thời gian nên phần lớn những lao động già phải lựa chọn các nghề thời vụ, theo ngày hoặc theo giờ như xây dựng.

Một cuộc khảo sát tháng 6/2023 của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho thấy gần 50% lao động tỉnh lẻ trên 50 tuổi tại khu vực Nội Mông là làm việc bán thời gian trong mảng xây dựng, cao hơn nhiều so với 15% của lao động dưới 30 tuổi.

“Tôi chấp nhận làm việc cho bất cứ ai có thể trả lương cho mình”, ông Wang Ligang, 55 tuổi mới nhận việc chuyển gạch với khoản tiền 300 Nhân dân tệ mỗi ngày cho biết.

Những lao động ‘già nhưng không phế’ tại Trung Quốc: Dân tỉnh lẻ, trình độ thấp nhưng vẫn làm việc đến cuối đời, quyết không trở thành gánh nặng - Ảnh 4.

Số liệu chính thức cho thấy hơn 2/3 số lao động tỉnh lẻ sinh vào thập niên 1960 chỉ mới tốt nghiệp cấp 2, trong khi chỉ 1/5 là nhận được đào tạo tay nghề chuyên sâu. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 2/3 lao động sinh trong khoảng thập niên 1980-1990 có bằng cấp 3.

“Tôi chưa từng có cơ hội học hỏi bất cứ kỹ năng gì kể từ khi tôi bắt đầu đi làm từ năm 18 tuổi”, ông Meng Yuhong, 56 tuổi cho biết.

*Nguồn: FT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM