Không chạy đua "cắt máu”, MyGo có vũ khí nào để cạnh tranh với Grab, be, Go-Viet?

10/07/2019 08:29 AM | Kinh doanh

MyGo sẽ không tham gia cuộc đua "cắt máu" trong lĩnh vực gọi xe, ứng dụng này tận dụng được lượng tài xế xã hội để vừa giao hàng và chở người, đồng thời cho phép tài xế nhận và trả hàng nhiều điểm trong cùng một chặng đường để tối ưu chi phí.

Viettel Post vừa chính thức tham chiến ở hai lĩnh vực “khó nhằn” là ứng dụng gọi xe và thương mại điện tử với nền tảng Voso.vn và ứng dụng MyGo.

Dù cả hai lĩnh vực trên đang cạnh tranh khốc liệt và chứng kiến cuộc chạy đua đốt tiền giữa các ông lớn. Nhưng Viettel Post cho biết sẽ không tham gia cuộc chơi “cắt máu” để thu hút khách hàng và phát triển các ứng dụng.

Lãnh đạo Viettel Post cho biết, doanh nghiệp không thể chi quá nhiều cho hoạt động tiếp thị và lôi kéo người dùng. Thế nhưng, với các con số và kỳ vọng đặt ra rõ ràng Viettel Post tự tin với sự phát triển của cả MyGo và Voso.vn. Điều gì khiến Viettel Post tự tin như thế và MyGo có vũ khí nào để cạnh tranh trong cuộc chạy đua hiện nay?

MyGo rõ ràng đang có lợi thế hơn các đối thủ hiện nay như Grab, be, GoViet... trong việc phát triển mạng lưới đối tác tài xế khi có thể tận dụng được lượng bưu tá và các bưu cục ở địa phương. Ngay khi ra mắt, MyGo đã có 105.878 đối tác cài đặt ứng dụng, trong đó có tới gần 98.000 đối tác xe máy và trung bình có 5.000 đối tác gia nhập ứng dụng mỗi ngày. Lượng tài xế này đông ngang ngửa với Grab sau vài năm gây dựng tại Việt Nam.

Cũng ngay trong thời điểm ra mắt ứng dụng MyGo và Voso.vn (ngày 1/7), ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho hay, MyGo chọn cách tiếp cận khác biệt so với các ứng dụng gọi xe khác hiện nay. "Nền tảng MyGo được dành cho dịch vụ giao hàng và cả vận chuyển người. Do đó, hệ thống sẽ tối ưu về đường đi và thời gian, cho phép người dùng chọn chi phí thấp nhất hoặc chọn thời gian di chuyển nhanh nhất. MyGo sẽ giúp tài xế vừa chở hàng, vừa chở người và tận dụng tối đa thời gian chạy trên cùng một quãng đường của tài xế mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói chung".

Đây được xem là điểm khác biệt đầu tiên của MyGo trong khi các đối thủ chỉ cho phép đối tác tài xế thực hiện một tác vụ duy nhất (chở người xong mới giao hàng hoặc giao hàng xong mới được nhận đơn giao hàng tiếp theo). Ứng dụng MyGo sẽ hoạt động linh hoạt khi cho phép 1 tài xế nhận nhiều đơn hàng; nhận đơn hàng tại một điểm và giao tới nhiều điểm khác nhau. Hệ thống sẽ tối ưu và vẽ đường đi nhanh nhất cho tất cả các kiện hàng và cam kết cho phép vừa nhận, vừa giao trên một quãng đường để có thể tối ưu chi phí.

Với cách tiếp cận đó, Viettel Post sẽ tận dụng nguồn tài xế xã hội để giao hàng nhằm nâng cao dịch vụ lastmile (giao hàng chặng cuối). Một nguồn thông tin cho biết, lượng hàng trung bình của Viettel Post hiện lên tới 350.000 đơn hàng/ngày khiến Viettel Post chưa giao hàng đúng thời gian kỳ vọng và cần phải huy động tài xế tham gia ứng dụng giao hàng nhằm tối ưu thời gian, chi phí và mang lại nguồn thu cho chính các đối tác.

Đối với các xe tải chạy đường dài, hệ thống MyGo sẽ tính toán theo mô hình service nhận nhiều điểm, giao nhiều điểm và cho phép vừa nhận vừa giao trên quãng đường. "Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí và các tài xế cũng có thêm thu nhập", ông Hưng cho biết.

Một hướng đi nữa được xem là thế mạnh của MyGo đó là việc phát triển thị trường nông thôn. Ông Trần Trung Hưng cho rằng: "Rõ ràng thị trường các tỉnh và vùng nông thôn đều có nhu cầu ở cả lĩnh vực gọi xe và thương mại điện tử. Quan trọng là chúng ta có dám chấp nhận đầu tư và mang cho họ công cụ hay không? Các doanh nghiệp thường tập trung vào thành phố lớn do lợi nhuận mang lại nhanh nhưng MyGo sẽ cung cấp dịch vụ cho các địa phương này. Viettel Post sẽ đi tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ chuyển hàng và đi lại cho khu vực nông thôn".

Đây được xem là lợi thế cạnh tranh của Viettel Post khi mạng lưới bưu cục và bưu tá ở các địa phương cũng sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ.

Theo Duy Vũ

Từ khóa:  mygo , grab , be , goviet
Cùng chuyên mục
XEM