Khoa học cuối cùng cũng lý giải được vì sao có những người thức đêm nhiều đến mức được gọi là "cú đêm"

17/07/2017 08:00 AM | Sống

Thói quen sử dụng thời gian của cú đêm là do sự biến đổi của gen CRY1, loại gen vốn liên quan đến nhịp sinh học và khiến những cú đêm thay đổi nếp, giờ giấc làm việc so với người bình thường.

Thật là khó để có thể kiểm soát sự thay đổi giờ giấc trong sinh hoạt, nhất là với những người phải làm theo ca. Nhưng bạn sẽ phải làm gì khi mình ở trong tình trạng như vậy trong một thời gian dài? Những “cú đêm” là người hiểu rõ nhất sự khó khăn khi phải tuân thủ chế độ “ngủ sớm, dậy sớm”, và họ vẫn thường xuyên thức khuya, làm việc hoặc giải trí trong lúc nhiều người khác đang “tái sản xuất sức lao động” trong giấc ngủ.

Nhưng đừng vội buộc tội chính mình. Một nghiên cứu mới từ sự hợp tác giữa Đại học Rockefeller và trường y Weill Cornell cho thấy thói quen sử dụng thời gian có thể là do sự biến đổi của gien CRY1, vốn liên quan đến nhịp sinh học của chúng ta – tức nhịp điệu ngủ và thức quay vòng 24 giờ có ở nhiều loại động vật, thực vật và thậm chí cả vi khuẩn.

Ở cơ thể người bình thường, một số gien hoạt động và nghỉ ngơi vào những lúc khác nhau để điều chỉnh hoạt động hàng ngày của chúng ta. Gien CRY1 thường giúp kiểm soát hoạt động của các gien này. Nhưng khi bị đột biến, CRY1 hoạt động lâu hơn, làm rối loại thời gian sinh hoạt. Kết quả là chứng rối loạn ngủ trễ (DSPD), trong đó nhịp sinh học 24 giờ bị chậm lại. Theo ước tính, cứ 75 người thì lại có 1 người gặp phải tình trạng này.

Nếu là một cú đêm thực sự, bạn có thể đã hình thành những hành vi bù trừ, như lên lịch các buổi gặp mặt muộn hơn hoặc làm việc ở nhà. Như vậy rõ ràng là có một số lợi ích, chẳng hạn như khi mọi người đang say ngủ thì bạn lại làm việc hiệu quả và sáng tạo nhất. Tuy nhiên, vẫn rất nhiều người muốn có một lịch sinh hoạt bình thường và được ăn ngủ đúng giờ.

Biết rằng mình có gien CRY1 đột biến hay không chẳng thay đổi được điều gì. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có một số việc bạn có thể làm để dần dần bắt nhịp với lịch sinh hoạt của một người bình thường:

• Tránh đồ uống có cồn và chất kích thích như cà phê, nicotine, đặc biệt là vào thời điểm cuối ngày. Rượu bia có thể khiến bạn thấy buồn ngủ nhưng chỉ một vài giờ sau là phản tác dụng. Cà phê và nicotine có thể khiến bạn tỉnh táo ngay và sau đó thỉnh thoảng lại khiến bạn tỉnh giấc. Nếu bạn sử dụng thuốc có chứa chất kích thích, như ống hít bệnh hen, hãy trao đổi với bác sĩ của mình để có cách kiểm soát tác dụng của thuốc đối với giấc ngủ.

• Tuân thủ lịch sinh hoạt chặt chẽ nếu muốn thức và ngủ vào một thời điểm nào đó trở thành thói quen. Đừng ngủ nướng và phải sẵn sàng lên giường ngủ vào đúng giờ đã định.

• Không ngủ trưa. Đây là một điều khá khó khăn với nhiều người, nhưng giấc ngủ trưa sẽ làm lịch sinh hoạt bị xáo trộn. Nếu cơ thể bạn cần ngủ vào cuối ngày, việc đó sẽ dễ được thực hiện hơn.

• Thường xuyên vận động hoặc tập thể dục, tất nhiên là không phải ngay trước lúc đi ngủ.

• Tránh ăn uống ngay trước khi ngủ, nếu không hệ tiêu hóa sẽ đẩy mạnh hoạt động và khiến bạn không thấy buồn ngủ.

• Kiểm soát môi trường xung quanh giường ngủ. Tốt nhất là ngủ trong phòng tối (có rèm che sáng hoặc dùng miếng che mắt nếu cần), có nhiệt độ thích hợp và không có tiếng ồn để bạn có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ.

• Tập các bài thư giãn trước khi ngủ để giúp giảm stress.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM