Khi nào hết COVID-19? Quan chức WHO tiết lộ thời điểm thế giới kiểm soát đại dịch

20/07/2021 21:40 PM | Xã hội

Đại dịch có thể kết thúc sớm hơn dự đoán này nếu các quốc gia đảm bảo rằng vaccine COVID-19 được phân phối công bằng cho các nước nghèo hơn, thực hiện giãn cách xã hội và tài trợ đầy đủ cho các bệnh viện.

Khi nào hết COVID-19 có thể là câu hỏi của nhiều người dân. Mới đây, quan chức WHO đã đưa ra dự đoán của mình.

Thế giới có thể kiểm soát COVID-19 vào năm sau "nếu chúng ta thực sự may mắn", các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 19/7.

Ngay cả khi biến thể Delta nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu, các quan chức WHO vẫn lạc quan rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể kiểm soát được đại dịch vào năm sau, CNBC đưa tin.

 "Tôi muốn nói rằng đại dịch sẽ kết thúc vào năm nay nhưng tôi thực sự không nghĩ vậy", theo Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp sức khỏe của WHO. "Nếu chúng ta thực sự may mắn, chúng ta sẽ kiểm soát được nó vào năm tới".

Đại dịch có thể kết thúc sớm hơn nếu các quốc gia đảm bảo rằng vaccine COVID-19 được phân phối công bằng cho các nước nghèo hơn, thực hiện giãn cách xã hội và tài trợ đầy đủ cho các bệnh viện, theo Tiến sĩ Ryan, người đang trả lời câu hỏi từ Cole Van Kerkhove - con trai của đồng nghiệp của ông, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật Covid của WHO.

Ông Ryan nói các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể chứng kiến ​​đại dịch kết thúc sớm hơn, đồng thời chỉ trích các nhà lãnh đạo thế giới vì đã không chia sẻ kho dự trữ vaccine của họ nhiều nhất có thể với các quốc gia nghèo hơn.

"Trẻ em nên hỏi chính phủ của chúng... tại sao chúng ta không chia sẻ", Tiến sĩ Ryan nói khi trả lời câu hỏi của Cole Van Kerkhove. "Đối với tôi đó là vấn đề lớn mà chúng ta gặp phải lúc này, chúng ta chưa chia sẻ đủ, chúng ta không công bằng…".


Cũng trong cuộc họp báo, bà Van Kerkhove nói nhiều nơi trên thế giới vẫn đang chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19. "Trong bảy ngày qua, ở cấp độ toàn cầu, đã có sự gia tăng 11,5% số ca mắc và 1% số ca tử vong".

Trong tuần qua, nhiều khu vực trên thế giới ghi nhận số ca mắc gia tăng. Châu Âu tăng gần 21%, Đông Nam Á tăng 16,5%, khu vực Tây Thái Bình Dương tăng khoảng 30% và khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận mức tăng 15%, theo CNBC.

Số người tử vong do COVID-19 cũng đã gia tăng ở bốn trong số sáu khu vực của WHO trong bảy ngày qua. Tây Thái Bình Dương có số người chết tăng 10%, Đông Nam Á tăng 12%, Đông Địa Trung Hải tăng 4% và khu vực châu Phi vẫn đang hứng chịu mức tăng đột biến gần đây.

Các quan chức của WHO cũng cho biết trong khi các chuyên gia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vaccine, nhưng những trường hợp đó hầu như luôn nhẹ.

Các biến thể mới vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Bà Van Kerkhove nói: "Biến thể Delta sẽ không phải là biến thể đáng lo ngại cuối cùng mà bạn nghe chúng tôi nói đến".

Càng nhiều người chưa được tiêm vaccine COVID-19 và tiếp tục giao lưu với nhau, thì nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn càng cao.

Các quan chức của WHO cho rằng việc di chuyển ra nước ngoài chỉ nên thực hiện nếu thực sự cần thiết.

Ryan nói: "Mọi thứ bạn làm trong một đại dịch đều làm tăng hoặc giảm rủi ro, không có rủi ro nào bằng 0, mà chỉ có giảm thiểu rủi ro".

Trà My

Cùng chuyên mục
XEM