Khách vay gói 30.000 tỷ chuẩn bị chịu lãi suất cao gấp đôi
Nếu khách hàng có khoản tiền chưa được giải ngân tính đến 31/12/2016 là 200 triệu đồng, lãi suất áp cho khoản vay này có thể ở mức 22 triệu đồng/năm thay vì chỉ 10 triệu đồng/năm, và mức chênh lệch lãi suất lớn này tiếp tục kéo dài trong 10 – 15 năm tiếp theo.
Thay vì hưởng lãi suất 5% theo gói 30.000 tỷ, sau ngày 31/12/2016, khách vay gói này sẽ phải chịu lãi suất thả nổi, tùy theo thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng.
Điều này đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định tại Thông tư số 25/2016TT-NHNN ban hành ngày 29/7/2016.
Cụ thể, về phương án gia hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, NHNN quy định: Riêng đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình, thời gian giải ngân của các ngân hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN để cho vay hỗ trợ nhà ở được thực hiện tối đa đến ngày 31/12/2016.
Về lãi suất, Thông tư cũng quy định: Sau thời điểm ngân hàng kết thúc giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, ngân hàng tiếp tục giải ngân cho khách hàng đối với số tiền chưa giải ngân hết theo hợp đồng tín dụng đã ký bằng nguồn vốn của ngân hàng trên cơ sở lãi suất cho vay thỏa thuận và chính sách khách hàng của từng ngân hàng.
Đây là thông tư gỡ khó cho gói tín dụng 30.000 tỷ vào thời điểm đó, khi các ngân hàng thương mại đồng loại nâng lãi suất cho vay gói tín dụng này từ ngày 1/6.
Về mức lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, vào thời điểm giữa năm, đã có ngân hàng nâng lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân sau ngày 31/5 lên tới 11%, hơn gấp đôi mức lãi suất gói 30.000 tỷ (lãi suất gói tín dụng 30.000 tỷ được ấn định ở mức 5% và kéo dài từ 10 – 15 năm).
Lấy ví dụ một gia đình có khoản tiền chưa được giải ngân tính đến 31/12/2016 là 200 triệu đồng, lãi suất áp cho khoản vay này sẽ ở mức 22 triệu đồng/năm thay vì chỉ 10 triệu đồng/năm, và mức chênh lệch lãi suất lớn này tiếp tục kéo dài trong 10 – 15 năm tiếp theo cho đến khi khách hàng trả hết cả gốc lẫn lãi khoản vay.
Về quy định này, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) lo ngại nhiều dự án nhà ở xã hội giao nhà sau ngày 31/12/2016 và có thể gây khó khăn cho nhóm khách hàng dòng sản phẩm này do không thích nghi kịp với biến động về lãi suất.
Ngày 12/9, HOREA đã gửi văn bản hỏa tốc đề nghị chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại đã tham gia gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện công trình nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, hoàn thành bàn giao nhà cho khách hàng (tốt nhất là trước ngày 15/12/2016) để khách hàng kịp giải ngân trước ngày 31/12/2016.
Về tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, theo NHNN, tính đến 10/5/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay 34.826 tỷ đồng đối với 56.240 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ dự án đạt 25.800 tỷ đồng.
Trong đó, đối với khách hàng cá nhân, đã cam kết cho vay 27.447 tỷ đồng với 56.112 khách hàng, giải ngân 20.812 tỷ đồng.