Jack Ma nhận xét đây là "một câu hỏi rất hay", nhưng ngập ngừng lúc sau mới trả lời được Chủ tịch NextTech - Nguyễn Hoà Bình
"Câu trả lời của Jack Ma chưa làm tôi thoả mãn vì không đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi về mối đe doạ với các doanh nghiệp TMĐT & TTĐT tại Việt Nam, thậm chí còn hơi mâu thuẫn với những gì đang diễn ra trên thực tế", Chủ tịch NextTech - Nguyễn Hoà Bình nhận định.
Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch tập đoàn NextTech, hoạt động trong lĩnh vực Thương mại điện tử và Thanh toán điện tử từ năm 2004 đã có một thảo luận trực tiếp về ngành Thanh toán Điện tử với Jack Ma.
Ngay sau đó, Jack Ma đã phản ứng tức thời là "Một câu hỏi rất hay!", chúng tôi đã trao đổi chi tiết với ông Bình về sự kiện này.
- Là một trong 3 doanh nhân có câu hỏi thảo luận với Jack Ma trong Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam, vấn đề ông đặt ra là gì?
Gần 15 năm trước khi eBay chiếm đến 85% thị phần TMĐT tại Trung Quốc, Jack Ma đã có một câu nói nổi tiếng: "Họ là cá mập ở đại dương còn tôi là cá sấu Dương Tử, chúng tôi sẽ thắng nếu chiến đấu trên sông", và lịch sử cho thấy Jack Ma đã đúng.
Những chuyển động gần đây của Alibaba cho thấy con cá sấu ngày nào giờ đang tiến đến Việt Nam và trở thành mối đe doạ đối với các doanh nghiệp TMĐT & Fintech địa phương. Vậy nên câu hỏi của tôi là: Nếu Jack Ma là chúng tôi thì ông sẽ là con cá gì để sống sót qua cuộc cạnh tranh sắp tới với Alibaba?
- Và Jack Ma đã trả lời ông như thế nào?
Jack Ma có vẻ hơi bất ngờ và tức thời nhận xét đây là một câu hỏi hay, sau một chút ngập ngừng. Đầu tiên ông khẳng định Alibaba đã gặp may khi chiến thắng eBay, và ông nhận thức rằng khi đến một quốc gia thì không nên đặt mục tiêu thâu tóm thị trường mà hỗ trợ cho các doanh nghiệp bản địa.
Jack Ma không đến đây để làm ăn mà giúp các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam kiếm tiền ở thị trường nội địa và xuất nhập khẩu ra thế giới thông qua các công cụ mua sắm, thanh toán và giao hàng toàn cầu.
Jack Ma không cạnh tranh mà tạo điều kiện giúp đỡ cho các bạn Việt Nam và có thể kiếm lợi ích từ đó. Ngoài ra, ông còn muốn mang công nghệ và tri thức trong lĩnh vực thanh toán điện tử đến cho chính phủ Việt Nam.
- Vậy ông đánh giá ra sao về phản hồi của Jack Ma?
Câu trả lời của Jack Ma chưa làm tôi thoả mãn vì không đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi về mối đe doạ với các doanh nghiệp TMĐT & TTĐT tại Việt Nam, thậm chí còn hơi mâu thuẫn với những gì đang diễn ra trên thực tế.
Ví dụ như trong lĩnh vực TMĐT thì từ khi Lazada vào Việt Nam với nguồn vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ lớn hơn nhiều chục lần đã đè bẹp và gián tiếp tiêu diệt nhiều doanh nghiệp TMĐT địa phương khác như Deca, Lingo, 123Mua…
Sau khi Alibaba mua lại thì Lazada đã cho phép người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tiếp từ kho hàng Alibaba tại Trung Quốc với mẫu mã và giá cả hấp dẫn hơn nhiều hàng hoá tại Việt Nam, liệu có làm triệt tiêu các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong nước?
Ngoài ra có thông tin công ty Alipay Việt Nam đã hợp tác với Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia NAPAS, đang xin giấy phép để trực tiếp cung cấp dịch vụ Thanh toán Điện tử tại Việt Nam giống như GrabPay của Grab hay Airpay của SEA.
Tôi cho rằng có khả năng các doanh nghiệp tỷ đô này sẽ rót nguồn vốn khổng lồ để thâu tóm thị trường và loại khỏi cuộc chơi các công ty Fintech bản địa trong vài năm tới, như với ngành TMĐT 5 năm vừa qua.
- Là một trong những doanh nhân đi đầu trong lĩnh vực TMĐT & TTĐT tại Việt Nam, ông có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước?
Không thể phủ nhận một thực tế rằng: chính sách bảo hộ và ngăn cản của chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google, PayPal… trước đây đã phát huy tác dụng to lớn với việc tạo ra một lớp các doanh nghiệp CNTT mạnh như Alibaba, Tencent hay Baidu.
Chính Jack Ma cũng phải thừa nhận rằng Alibaba đã "may mắn" mà một phần quan trọng đến từ phía chính phủ, hay còn gọi là "bảo hộ xuôi".
Nếu Việt Nam nhiệt tình chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiểm soát bởi người nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh hơn hàng trăm lần tham gia thị trường bình đẳng thì sẽ là "bảo hộ ngược", vì các doanh nghiệp địa phương sẽ nhanh chóng bị đè bẹp trước tiềm lực khổng lồ của nước ngoài.
Khác với TMĐT, công nghệ tài chính (hay Fintech) là một lĩnh vực nhạy cảm, vì doanh nghiệp nào sở hữu được giao dịch qua thiết bị di động của người tiêu dùng sẽ nắm được người đó đi đâu làm gì với ai, thói quen tiêu dùng như thế nào, tín nhiệm ra sao… từ đó phát sinh ra nhiều hệ luỵ khác.
Vì vậy tôi cho rằng nhà nước ra cần sớm nêu rõ quan điểm, để các doanh nghiệp Fintech địa phương có sự điều chỉnh từ xa sang các lĩnh vực kinh doanh khác.
- Xin chân thành cảm ơn ông!