Hội Y học Hoàng gia Anh cảnh báo nghiện máy tính bảng sẽ gây tổn thương vĩnh viễn lên não trẻ em

28/03/2016 09:40 AM | Sống

Hãy đối mặt với điều này – thời gian dành cho màn hình là một thực tế không thể tránh khỏi của cha mẹ thời hiện đại, trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi đều dán mắt hàng giờ vào iPad, TV và smartphone.

Ứng dụng giáo dục và TV show cho trẻ nhỏ là những cách rất tốt để các bé mài dũa não bộ đang phát triển và nhanh chóng trau dồi kỹ năng giao tiếp của mình (hơn nữa chúng còn giúp cha mẹ rảnh tay hơn rất nhiều).

Nhưng trước khi bạn thuê một máy Xbox làm người trông trẻ, hãy cẩn trọng. Một số nghiên cứu đã cho thấy sự chậm phát triển nhận thức ở trẻ nhỏ có liên quan tới việc tiếp xúc lâu dài với những thiết bị giải trí điện tử, hầu hết đều hướng tới chung một vấn đề cốt lõi: nhiều quá thì cũng không tốt. Cục Y Tế Mỹ ước tính trẻ em Mỹ dành tới bảy giờ mỗi ngày cho những thiết bị giải trí điện tử, và những thông số khác cho rằng trẻ từ hai tuổi thường xuyên chơi game trên iPad và có những đồ chơi có màn hình cảm ứng.

Độ bão hòa màu của màn hình có thể gây ra hậu quả lâu dài

Khi trẻ nhỏ quá đam mê tablet và smartphone, theo TS Aric Sigman, một thành viên của Hội Tâm lý học Anh và Hội Y học Hoàng gia Anh, chúng có thể vô tình gây ra những tổn thương vĩnh viễn trên não bộ đang phát triển của trẻ nhỏ.

Dành nhiều thời gian với màn hình từ quá sớm, Sigman nói, “Chính là cản trở phát triển những khả năng mà các bậc cha mẹ muốn trẻ phát triển nhờ tablet,” ông giải thích. “Khả năng tập trung, sự chú ý, cảm nhận thái độ người khác và giao tiếp với họ, xây dựng vốn từ vựng lớn – tất cả những khả năng đó đều sẽ bị ảnh hưởng.”

Nói đơn giản, cha mẹ tìm đến những màn hình này để đem lại khía cạnh giáo dục cho trẻ thực ra đang đem lại nhiều thứ bất cập hơn là điều tốt. Không có nghĩa tablet đồ chơi là xấu, nhưng rõ ràng cha mẹ cần phải kiểm soát thời gian với màn hình của trẻ sao cho phù hợp với độ tuổi.

Cho tới khi ba tuổi, não chúng ta phát triển rất nhanh và đặc biệt nhạy cảm với môi trường xung quanh. Trong y học, đây được gọi là giai đoạn trọng yếu, bởi những thay đổi xảy ra trong não bộ tại những năm đầu đời này sẽ trở thành nền tảng lâu dài để xây dựng nên những chức năng sau này của não.

Để hệ thần kinh phát triển bình thường trong giai đoạn này, trẻ nhỏ cần tới kích thích cụ thể từ môi trường bên ngoài. Có những nguyên tắc phát triển qua nhiều thế kỷ của tiến hóa nhân loại, và – chẳng có gì ngạc nhiên – những kích thích đó không hề có trên những màn hình tablet. Khi trẻ nhỏ dành quá nhiều thời gian cho tablet và không có đủ kích thích từ thế giới thực, sự phát triển của bé sẽ bị chững lại.

Và không chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu tổn thương xảy ra trong những năm đầu quan trọng, hậu quả sẽ ảnh hưởng tới bé mãi mãi.

Rất nhiều vấn đề đến từ thực tế rằng những thứ khiến cho iPhone tuyệt vời – hàng tá kích thích tại đầu ngón tay, khả năng xử lý nhiều hành động cùng lúc – là thứ mà bộ não non trẻ không cần tới.

Tablet chính là một công cụ quá tiện lợi: Thay vì người mẹ sẽ đọc truyện cho trẻ, một smartphone sẽ đem tới hình ảnh, từ ngữ cùng một lúc cho bé. Thay vì phải bỏ thời gian để xử lý giọng nói của mẹ thành từ ngữ, mường tượng ra toàn bộ hình ảnh và một nỗ lực tinh thần để dõi theo mạch truyện, trẻ nhỏ đọc truyện trên smartphone sẽ trở nên lười biếng. Smartphone sẽ thay chúng suy nghĩ, và vì thế, nhận thức của trẻ sẽ không được phát triển.

Khó khăn trong việc làm bạn

Thùy trán của não là nơi giải mã và thấu hiểu các tương tác xã hội. Góc tâm hồn này chính là nơi ta có sự thông cảm, nhận những ám hiệu không lời khi trò chuyện với bạn bè, và học cách đọc hàng trăm ám hiệu ngầm – biểu cảm khuôn mặt, tông giọng nói, và nhiều hơn nữa – điều đó đem lại sắc màu và sự sâu sắc trong những mối quan hệ đời thực.

Vậy thùy trán phát triển từ khi nào và như thế nào? Giai đoạn quan trọng nhất xảy ra vào những năm đầu của tuổi thơ, cùng với giai đoạn trọng yếu, và chúng phụ thuộc vào những tương tác giữa người với người. Thế nên nếu trẻ nhỏ dành toàn bộ thời gian trước màn hình iPad thay vì trò chuyện và chơi đùa với giáo viên và những đứa trẻ khác, khả năng đồng cảm của trẻ sẽ bị trì độn, có thể là mãi mãi.

Cuộc sống không có công tắc đóng/mở

Đã bao giờ bạn thấy một bà mẹ bật cười khi thấy con mình tìm cách “vuốt” một bức ảnh thật, hay ấn ngón tay vào một cuốn sách như thể nó là màn hình cảm ứng? Hành động đó có vẻ đáng yêu, nhưng nó chỉ ra một thứ sâu xa hơn trong não trẻ - tất cả các hành động đều có hiệu ứng ngay lập tức, và tất cả mọi kích thích đều cho thấy những phản ứng nhanh chóng.

Điều này rất đúng với thế giới trên màn hình, chứ chẳng hề ở đâu khác. Khi mọi cú vuốt ngón đem lại phản ứng của màu sắc và hình dáng, âm thanh, một bộ não trẻ nhỏ sẽ hân hoan đáp trả với chất dẫn truyền thần kinh dopamine, thành phần cốt yếu trong hệ thống củng cố của ta liên quan tới cảm xúc của sự thỏa mãn. Dopamine gần như gây nghiện với não bộ, nên khi trẻ quá quen với những phản ứng kích thích tức thì, bé sẽ học cách luôn chọn cách tương tác như trên smartphone hơn là như ngoài đời thực.

Kiểu mẫu này tương tự, theo xu hướng nhẹ hơn, với chu kỳ tâm lý nguy hiểm và các bác sỹ thường thấy ở bệnh nhân nghiện rượu và ma túy.

Nhưng đừng vứt bỏ tablet bởi những gì tốt đẹp

Cho dù việc tiếp xúc nhiều với smartphone có thể đem lại nguy hại cho não trẻ, vẫn có rất nhiều lợi ích khi để trẻ sử dụng công nghệ. Một khi con bạn lớn hơn hai tuổi, bạn có thể cho trẻ sử dụng thiết bị trong thời gian hạn chế - chơi điện thoại và tablet trong khoảng tối đa một giờ mỗi ngày có thể giúp phát triển khả năng phối hợp, trau dồi phản ứng, và thậm chí nâng cao khả năng ngôn ngữ. Cũng giống như mọi đồ chơi phát triển trí não khác, smartphone cần phải được kiểm soát, và đừng bao giờ để chúng thay thế cho giao tiếp người với người hay thời gian khám phá thế giới thực.

Chốt lại? Hãy cho trẻ hiểu được ranh giới rõ ràng giữa thế giới ảo và đời thực. Đó chính là cách tốt nhất để sử dụng smartphone với đứa trẻ đang phát triển của bạn.

Theo Quân Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM