8 trẻ tử vong vì tiêm Quinvaxem năm 2015, Bộ Y tế cho rằng tỷ lệ này vẫn nhỏ

28/12/2015 14:12 PM | Kinh doanh

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, có 16 trẻ phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem, 8 cháu tử vong. Tuy nhiên, người đại diện chương trình Tiêm chủng mở rộng cho rằng tỷ lệ phản ứng vẫn còn rất nhỏ.

Trước tình trạng có trẻ em tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem những năm qua, đặc biệt trong năm 2015 số lượng trẻ tử vong từ đầu năm đã lên tới 8, Quinvaxem bỗng trở thành "kẻ sát nhân" trong mắt người dân.

Rất nhiều câu hỏi nhức nhối được đặt ra. Chẳng hạn như: "Chúng tôi không tin tưởng về chất lượng của Quinvaxem vì đã gây ra tai biến cho nhiều cháu sau tiêm vắc xin. Phải chăng là chất lượng của Quinvaxem có vấn đề?"

Trả lời câu hỏi này tại buổi phỏng vấn trực tuyến về tình trạng khan hiếm vắc xin hiện nay, người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Thư ký Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho hay, hiện nay, văc xin Quinvaxem đã được sử dụng trên 90 quốc gia trên toàn thế giới với số lượng gần 500 triệu liều.

Tại khu vực Đông Nam Á, văc xin này được sử dụng cho các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Việt Nam. Và Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều văc xin này.

Ông Hoàng thông tin, theo quy định của Bộ Y tế, có 2 loại phản ứng sau tiêm chủng: Phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm chủng. Phản ứng thông thường có thể là sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, sưng nóng đỏ tại vị trí tiêm...

Nếu tai biến nặng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở.

Theo Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, số trường hợp tai biến nặng tại Việt Nam là 4,6 trường hợp/1 triệu liều, trong khi theo WHO là 1 - 20 trường hợp/1 triệu liều.

"Đối với tất cả các loại văc xin hiện nay đang được sử dụng trên thế giới đều có một tỷ lệ nhất định các phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất nhỏ. Ngoài ra, khi đưa văc xin vào sử dụng đều đã qua quy trình kiểm nghiệm hết sức nghiêm ngặt. Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định", ông Hoàng nói.

Quinvaxem không chỉ gây tử vong cho trẻ Việt Nam mà ở một số nước khác chẳng hạn như Ấn Độ, Bhutan, Srilanka, Pakistan cũng vậy.

Đến cuối năm 2013, tại Ấn Độ đã có 21 trẻ em thiệt mạng kể từ khi tiêm chủng 5 trong 1 bắt đầu. Ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Châu Âu, Úc và Nhật, Quinvaxem cũng bị đánh giá có nguy cơ cao, và bị cấm sử dụng.

Câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ đặt ra ở đây là: Liệu rằng, có phải Việt Nam ký hợp đồng với bên Hàn Quốc là sử dụng văc xin của họ để thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng vì vậy nên không nhập văc xin dịch vụ?

Ông Đỗ Văn Đông, Cục Phó Quản lý Dược trả lời: Văc xin Quinvaxem được Hàn Quốc sản xuất sử dụng trong tiêm chủng mở rộng là do Tổ chức Liên minh Toàn cầu về Văc xin và Tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Các tổ chức này tổ chức đấu thầu trên toàn thế giới và đưa ra những tiêu chí kỹ thuật nghiêm ngặt, chỉ những văc xin nào đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này mới được sử dụng trong tiêm chủng.

Như vậy, có thể khẳng định văc xin Quinvaxem không phải là do Việt Nam đàm phán với Hàn Quốc hoặc nhà sản xuất.

Văc xin dịch vụ là văc xin đang có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu được nhập khẩu trực tiếp không cần xin giấy phép của Bộ Y tế, không bị giới hạn về số lần và số lượng nhập khẩu.

Bộ Y tế không có chủ trương giới hạn hay hạn chế nhập khẩu văc xin dịch vụ. Ngược lại, Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với các nhà sản xuất để tăng cường nguồn cung văc xin cho Việt Nam và 200.000 liều văc xin mới được nhập khẩu về là một phần trong những nỗ lực đó.

Trong khi đó, trước những băn khoăn cho rằng có nên thay thế vắc xin Quinvaxem, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng cũng khẳng định, việc thay thế văc xin là một vấn đề hết sức chiến lược, cần phải dựa trên cơ sở khoa học cũng như thực tiễn, đặc biệt hiệu quả phòng bệnh.

Đối với Việt Nam hiện nay sử dụng văc xin Quinvaxem vẫn đang là phù hợp và đặc biệt duy trì được hiệu quả phòng bệnh.

Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân đưa con em đi tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ những văc xin nào mà Nhà nước không có khả năng đáp ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì mới đi tiêm văc xin đó tại điểm tiêm dịch vụ.

Còn việc tồn tại có loại văc xin phòng cùng một số bệnh vừa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng như trong tiêm dịch vụ là vì hiện nay theo luật pháp của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, bất kỳ một loại thuốc, văc xin nào có đủ điều kiện theo quy định thì đều có thể được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

"Qua đây tôi cũng khuyên các bà mẹ hãy đưa con em đi tiêm chủng văc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để được đáp ứng đầy đủ, đảm bảo tiêm đúng lịch, đồng thời lại được miễn phí", ông Phu nhấn mạnh.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM