Bả, sơn tường gây ung thư máu ở trẻ nhỏ?
Sơn tường trở thành giải pháp làm đẹp hàng đầu cho ngôi nhà nhưng lại tiềm ẩn các tác hại khôn lường đến sức khỏe, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Câu chuyện của người cha có con gái bị ung thư máu
Một người cha có con gái bị 'bệnh máu trắng' đã chia sẻ câu chuyện đau lòng của chính gia đình mình để cảnh báo các bậc phụ huynh về tác nhân gây ung thư không ai ngờ xuất phát từ chính ngôi nhà của họ.
Anh cho rằng, nguyên nhân con gái nhỏ bị ung thư máu là do trước khi mang thai và sinh con, vợ chồng anh đã tiến hành sửa sang lại ngôi nhà cũ, sơn cửa, lát lại nền, sơn bả lại toàn bộ nhà, bếp ăn. Chính việc sống trong môi trường với nhiều chất độc hại đã ảnh hưởng đến đứa trẻ khi bé chào đời chưa được 1 năm.
Bả, sơn tường có thể là tác nhân gây ung thư?
Trước đây, benzen được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất các chất hữu cơ, dùng làm dung môi pha chế sơn. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chứng minh mức độ độc hại của benzen, đồng thời xác định hóa chất này là một yếu tố gây ung thư máu.
Ở Việt Nam, một nghiên cứu sơ bộ được thông báo năm 2000 của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho thấy có 5 trường hợp ung thư máu và hạch được điều tra ở công nhân xây dựng, những người tiếp xúc với sơn tường có dung môi hòa tan là benzen.
Mặc dù hiện nay, benzen đã bị cấm không được sử dụng làm dung môi pha chế sơn nhưng các loại sơn được dùng phổ biến cũng vẫn có chứa hóa chất độc hại khác như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs).
Khi sơn khô, những chất này sẽ bay vào không khí và khi chúng ta hít phải, chúng có thể gây kích ứng đường hô hấp. Với số lượng lớn, nghiên cứu trên động vật cho thấy có mối liên quan của các hóa chất này với những dị tật bẩm sinh.
Sơn tường đe dọa sức khỏe của phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ
Đối với người lớn, các chất hữu cơ trong VOCs có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu tiếp xúc trong thời gian ngắn nhưng với nồng độ cao sẽ gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, kích ứng mắt và mũi. Sơn bám trên da cũng có nguy cơ gây dị ứng, phát ban.
Với những người bị bệnh về hô hấp, hít phải mùi sơn có thể làm bệnh hen suyễn và viêm xoang thêm trầm trọng hơn.
Nghiêm trọng hơn, nếu thường xuyên phải tiếp xúc với VOCs nồng độ cao trong thời gian dài thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính như ung thư hoặc có thể tổn thương gan, thận vã hệ thần kinh trung ương.
Vì vậy, đối với phụ nữ có thai, sơn bả không chỉ gây hại cho thai phụ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ.
Hóa chất độc hại trong sơn có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Đối với trẻ em, chất độc này có thể gây nguy hiểm gấp 10 lần so với người lớn. Hơn nữa, trẻ em cũng là đối tượng dễ bị nhiễm độc nhất trong gia đình vì hệ thần kinh của trẻ rất nhạy cảm, những chất độc này gây ảnh hưởng tới não, hệ thần kinh và khả năng tiếp thu của trẻ.
- Lựa chọn loại sơn không chứa các thành phần hóa học độc hại. Sơn nước ít nguy cơ hơn sơn gốc dầu vì chúng có ít độc tố và ít phát tán mùi. Một cách khác là dùng sơn tự nhiên không có gốc dầu, VOCs và không mùi.
- Di chuyển hoặc che phủ tất cả đồ đạc và sàn nhà trước khi sơn, cất gọn các công tắc điện rời và che kín ổ cắm ở trên tường.
- Bảo vệ da của bạn bằng cách mặc quần áo bảo hộ bao gồm quần dài, găng tay, áo dài kín.
- Hạn chế thời gian sơn sửa, nghỉ giải lao giữa giờ và đi lại ở nơi có không khí trong lành hơn.
- Giữ thực phẩm và nước uống tránh xa nơi sơn bả vì các chất độc hại có thể bám vào.
- Sau khi sơn xong, nên mở cửa 5-7 ngày cho sơn nhanh khô và bay hết mùi mới được dọn tới ở.
- Không cho trẻ gặm vành cửa sổ hoặc các vật dụng có sơn.
- Đặc biệt với các gia đình có phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, nên tạm hoãn kế hoạch sơn sửa lại nhà hoặc nếu cần thiết phải sửa thì cả mẹ và bé nên chuyển đến một nơi ở khác để tránh nguy cơ nhiễm độc từ các hóa chất có trong sơn.