[Hồ sơ] Ngành hàng không 2014: 'Chàng thanh niên' Vietnam Airlines vs. 'Cậu bé 3 tuổi' VietJet?
Trong 3 hãng hàng không Việt Nam, trong khi Jetstar Pacific gần như không có động thái gì, Vietnam Airlines ngót 20 năm tuổi đang có những bước tiến chậm và chắc thì VietJet – một hãng hàng không 3 năm tuổi đã có bước đại nhảy vọt trong năm nay với sự tăng trưởng gây shock cả về đội bay lẫn số lượng đường bay mới.
Hàng không Việt Nam: Tăng trưởng mạnh, tiềm năng lớn
Theo tổng kết của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2013, tổng thị trường vận tải của ngành hàng không Việt Nam đạt 29,6 triệu khách (tăng 16,7% so với năm trước) và 630 nghìn tấn hàng hóa (tăng 19,6% so với năm trước). Đây là mức tăng trưởng rất cao so với mức tăng 5,3% ở mảng vận tải hành khách và giảm 1% ở mảng vận tải hàng hóa của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, ngành vận tải hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, dựa trên các động lực từ (1) Sự phục hồi của ngành Hàng không thế giới, (2) Việt Nam nằm trong khu vực Hàng không năng động, (3) Hoạt động đầu tư và du lịch tăng trưởng nhanh, (4) Mức sống người dân được cải thiện.
Trong giai đoạn 2014 – 2018, thị trường nội địa được dự báo tăng trưởng bình quân 15%/năm, đạt hơn 28,8 triệu lượt vào năm 2018.
Hai lĩnh vực chính đem lại doanh thu cho các hãng hàng không là Vận tải hành khách, hành lý và Vận tải hàng hóa, trong đó, lĩnh vực vận tải hành khách trong giai đoạn 2010 – 2013 phần lớn tăng trưởng 2 con số (trừ năm 2012 do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế).
Tổng thị trường vận tải hành khách và hàng hóa
(Đơn vị hành khách: Triệu khách, Đơn vị hàng hóa: Vạn tấn)
Cảng hàng không: Tương lai quá tải
Tính đến năm 2013, cả nước có 21 cảng hàng không sân bay và 81 sân đỗ trực thăng.
Trong năm 2013, sản lượng thông qua các cảng hàng không có mức tăng trưởng đáng kể, trong đó, sản lượng hành khách đạt 44 triệu lượt, tăng 17,5%; sản lượng hàng hóa đạt 770 nghìn tấn, tăng 18,6%.
Sản lượng vận tải thông qua các cảng hàng không
(Đơn vị hành khách: Triệu khách, Đơn vị hàng hóa: Vạn tấn)
Tính riêng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất – cảng hàng không lớn nhất hiện nay, trong năm 2013, đã phục vụ hơn 20 triệu khách. “Dự báo đến năm 2015 – 2016, cảng sẽ đón hơn 25 triệu khách, và đến năm 2020 chắc chắn sẽ quá tải”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu nhận định.
Đây là một trong những lý do để năm 2014, ngoài dự án xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) được Thủ tướng Chính phủ thông qua, một siêu dự án hàng không – cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được Thủ tướng đệ trình Quốc hội.
Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến xây dựng tại huyện Long Thành , tỉnh Đồng Nai , cách TPHCM khoảng 40 km về hướng Đông Bắc. Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Dự án này nếu được thông qua và hoàn tất các giai đoạn, công suất sẽ lên tới 100 triệu hành khách/năm, sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, dự án này vẫn đang đặt ra nhiều nghi ngại với số vốn đầu tư khổng lồ - hơn 18 tỷ USD - sẽ tác động lên nợ công, chưa nói đến việc sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa phát huy hết công suất khi một phần sân bay này đang được cho thuê sân golf. Hiện dự án vẫn chưa được Quốc hội thông qua.
[Xem thêm] Phía sau cú “delay” của sân bay Long Thành
Các hãng hàng không
Việt Nam có 4 hãng hàng không, bao gồm cả hàng không truyền thống (Full-service Carrier), hàng không giá rẻ (Low-cost Carrier) và hàng không chuyên dụng. Tính đến năm 2013, không kể Hải Âu, 3 hãng hàng không còn lại khai thác 40 đường bay nội địa và 45 hãng hàng không của 24 quốc gia với 71 đường bay đến Việt Nam
Vietnam AirlinesL là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất (51.8%) trong số các hãng hàng không khai thác tại Việt Nam. Năm 2013 Vietnam Airlines đã vận chuyển 15 triệu lượt khách và 184.606 tấn hàng hóa qua 39 đường bay nội địa và 52 đường bay quốc tế.
Hết năm 2013, Vietnam Airlines đạt doanh thu 52,5 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 59,3 tỷ đồng.
VietJet Air: là hãng hàng không giá rẻ ra đời vào cuối năm 2011, khởi đầu với 3 chiếc máy bay thuê A320 bay đến 2 điểm là TPHCM và Đà Nẵng.
Tính đến tháng 7/2014, VietJet đã khai thác đội bay với 15 chiếc Airbus A320 mới, vận chuyển gần 3 triệu hành khách, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước; thực hiện 18.547 chuyến bay an toàn với 27 đường bay trong nước và quốc tế. Doanh thu thực hiện 3.818 tỷ đồng; nộp ngân sách 349 tỷ đồng.
Hãng này cũng đầu tư hơn 9 tỷ USD đặt hàng tổng cộng 100 máy bay A320 các loại và đã nhận về những máy bay đầu tiên từ tháng 11/2014.
Mới đây, việc kết hợp với hãng hàng không Thái Lan cho ra mắt liên doanh hàng không Thai Vietjet đã tăng thêm tính cạnh tranh của hãng này trên thị trường hàng không Việt Nam và quốc tế.
Jetstar Pacific: là “con lai” giữa Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc), trong đó, Vietnam Airlines nắm 70% cổ phần. Trong năm 2014, Jetstar hoạt động khá kín tiếng.
Hải Âu: được cấp giấy phép kinh doanh hàng không năm 2012 theo định hướng kinh doanh bằng tàu bay chuyên dụng (trực thăng, tàu bay cánh bằng loại nhỏ, thủy phi cơ). Nhưng phải đến cuối năm 2013, khi Tập đoàn Thiên Minh (Thien Minh Group) mua lại Hải Âu thì hãng hàng không này mới thực sự “cất cánh”.
Được định vị cung cấp dịch vụ cao cấp dành cho người giàu, trong năm 2014, Hải Âu đã tiếp nhận 2 thủy phi cơ đầu tiên về Việt Nam và khai trương dịch vụ Thuỷ phi cơ phục vụ du lịch tuyến Hà Nội-Vịnh Hạ Long vào ngày 9/9.
Nói về lợi nhuận của Hải Âu, Tổng Giám đốc (CEO) của hãng này – ông Lương Hoài Nam - cho biết Hải Âu chắc chắn có lãi.
[Xem thêm] Hàng không Việt Nam và thách thức 'có lãi'
Cuộc đua giữa Vietnam Airlines và VietJet
Do Jetstar Pacific Airlines khá im hơi lặng tiếng, trong khi Hải Âu chỉ mới cất cánh vào tháng 9 và cung cấp dịch vụ du lịch thủy phi cơ, năm 2014 trở thành năm song chiến giữa Vietnam Airlines và VietJet
Vận tải hành khách & hành lý
Đây là hoạt động nền tảng của Vietnam Airlines, chiếm 86% doanh thu 2013. Năm 2013, doanh thu vận tải hành khách, hành lý đạt 45,407 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với 2012. Trong khi bá quyền trên sân chơi quốc tế với thị phần vận chuyển hành khách lên tới 59,4%, thì trên sân chơi nội địa, Vietnam Airlines đang chịu áp lực cạnh tranh khá lớn khi thị phần nội địa của VietJet đã đạt 26,1%, với 3,2 triệu hành khách (tăng khoảng 3 lần so với năm 2012).
Trong khi đó, Jetstar Pacific – công ty con của Vietnam Airlines – chỉ chiếm 15.2% thị phần. Để duy trì thị phần, Vietnam Airlines sử dụng chiến lược thương hiệu kép (dual-brand), hợp tác chặt chẽ với sản phẩm của Jetstar Pacific để duy trì thị phần nội địa của 2 hãng khoảng 70 – 72%.
Trong cuộc đua này, Vietnam Airlines sẽ phải rất chật vật khi chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng vận chuyển hành khách của VietJet đã đạt gần 3 triệu hành khách, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hóa, bưu kiện
Năm 2013, sản lượng hàng hóa vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam là 221 nghìn tấn, tăng 11%, sản lượng của toàn ngành đạt 630 nghìn tấn, tăng 19,6%.
Hiện thị phần vận tải hàng hóa, bưu kiện của Vietnam Airlines gần như chiếm tỷ lệ tuyệt đối, với mức thị phần trung bình trong giai đoạn 5 năm đạt xấp xỉ 90%, tăng trưởng sản lượng hàng hóa luân chuyển nội địa đạt trung bình 5,6%/năm. Đây là hoạt động quan trọng thứ 2 đóng góp 8% vào tổng doanh thu của Vietnam Airlines năm 2013.
Doanh thu từ vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines năm 2013 đạt gần 4.400 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với doanh thu lĩnh vực này năm 2012. Mức tăng nhẹ cũng đáng lưu ý bởi sản lượng lĩnh vực này có mức tăng đột biến trong năm này.
Còn VietJet, mới đây, công bố thành lập Công ty VietjetAir Cargo nhằm khai thác tốt hơn thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tại Việt Nam và quốc tế.
Trước mắt, VietjetAir Cargo là đơn vị chính khai thác tải cung ứng trên các máy bay hành khách trên toàn mạng lướng đường bay nội địa của Vietjet Air. Về lâu dài, VietjetAir Cargo sẽ xây dựng đội máy bay vận chuyển hàng hóa và cung cấp các dịch vụ thuê chuyến vận tải hàng hóa cho thị trường trong nước và quốc tế.
IPO – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng
Vietnam Airlines: đã IPO vào ngày 14/11/2014. Đợt IPO này, Vietnam Airlines bán đấu giá 3,5% cổ phần, tương đương quy mô 1.100 tỷ đồng. Do số lượng cổ phiếu phát hành quá nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà với đợt IPO này. Kết quả: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua gần 99% số lượng chào bán, trở thành cổ đông của Vietnam Airlines.
VietJet: Dự kiến IPO vào năm 2015 – 2016, sẽ xem xét việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ngoại.
Đội bay
Tại thời điểm 31/12/2013, Vietnam Airlines có đội bay gồm 83 máy bay gồm 8 máy bay sở hữu (3 Airbus 321, 3ATR 72 và 2 Fokker 70), 38 máy bay thuê tài chính (4 Boeing777, 28 Airbus 321 và 6 ATR 72), 37 máy bay thuê khai thác (6 Boeing 777, 17 Airbus 321 và toàn bộ đội 9 tàu Airbus 330 và 5 ATR 72).
Từ giữa năm 2015, Vietnam Airlines sẽ bắt đầu chương trình đổi mới toàn bộ đội tàu bay thân rộng bằng 2 dòng máy bay thế hệ mới, hiện đại của thế giới là Boeing 787-9 và Airbus A350-900. Vietnam Airlines đã ký hợp đồng mua 8 máy bay Boeing B787-9 của Boeing và mua 10 máy bay Airbus A350 – XWB của Airbus. Về khoản tiền để mua máy bay, Vietcombank – tân cổ đông của Vietnam Airlines đã tài trợ khoản tín dụng 160 triệu USD để thanh toán tiền trả trước.
VietJet: đầu tư hơn 9 tỷ USD đặt hàng tổng cộng 100 máy bay A320 các loại và đã nhận về những máy bay đầu tiên từ tháng 11/2014. Trước đó, đội bay của VietJet Air hiện gồm 8 chiếc A320-200, tất cả đều là máy bay đi thuê.
[Xem thêm] 9,1 tỷ USD cho 100 máy bay của Vietjet 'cất cánh' từ đâu?
Jetstar: Tháng 8/2014, Jetstar Pacific thông báo tiếp tục nhận thêm một tàu bay Airbus A320. Đây là chiếc thứ 8 trong kế hoạch tăng trưởng đội bay lên 10 chiếc trong vòng 6 tháng tiếp theo của Jetstar Pacific.
Hải Âu: Chính thức tiếp nhận 2 thủy phi cơ trong năm 2014.
Đường bay mới
Vietnam Airlines: Tính đến tháng 11/2014, Vietnam Airlines đã đưa vào khai thác mới 5 đường bay quốc tế, mở rộng mạng bay của hãng lên 96 đường gồm 57 đường quốc tế và 39 đường nội địa, tới 29 điểm quốc tế và 21 điểm nội địa.
VietJet: đang khai thác trên 28 đường bay và dự kiến mở rộng 39 đường bay vào năm 2015. Đội bay của Vietjet cũng sẽ lên đến 30 chiếc Airbus 320 vào cuối năm 2015 để đảm bảo phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa cũng như quốc tế. Trong khi thị phần nội địa của VietJet tăng trưởng nóng, hãng này cũng đang tăng tốc mở rộng các đường bay quốc tế.
Jetstar: trở lại cung cấp dịch vụ hàng không giá rẻ trên đường bay đến Huế. Trong năm, hãng cũng khai thác đường bay mới giữa Hà Nội và Vinh (Nghệ An) với tần suất một chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Nhân lực
Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có 16.000 nhân viên hàng không qua việc cấp, gia hạn giấy phép, năng định và chứng chỉ chuyên môn của nhân viên hàng không.
Theo thông báo của Vietnam Airlines, số lượng lao động có trình độ trên đại học chiếm 45,8%. Lao động chuyên ngành hàng không khan hiếm, đặc biệt là phi công, thợ kỹ thuật.
Qua một loạt sự cố hàng không diễn ra trong năm vừa qua như VietJet hạ cánh nhầm sân bay, cơ trưởng bấm nhầm nút, điều phối viên hiệp đồng sai sót trong điều phối khiến 2 máy bay suýt va chạm hay kíp trưởng thao tác sai dẫn đến mất điện không lưu hơn 30 phút và mất năng lực điều hành bay trong nhiều tiếng, một câu hỏi cũng được đặt ra là năng lực của nhân viên ngành hàng không đến đâu.
Trong một cuộc họp về sự cố mất điện không lưu – sự cố hy hữu chưa từng có trên thế giới – vào cuối tháng 11, Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận, 30% kiểm soát viên không lưu chưa đạt trình độ tiếng Anh ở mức tối thiểu.
Các sự cố hàng không
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2014, ngành hàng không đã xảy ra 311 sự cố với nhiều mức độ, tăng 129 vụ so với năm 2013.
Số lượng sự cố tăng tập trung chủ yếu ở mức độ uy hiếp an toàn (mức D) với 60 vụ, tiếp theo là ở mức sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) với 8 vụ và sự cố nghiêm trọng (mức B) với 3 vụ. Còn lại là các vụ việc không liên quan trực tiếp đến an toàn (mức E) là 240 vụ.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân do hỏng hóc kỹ thuật năm 2014 lên tới 143 vụ (trong khi đó năm 2013 có 83 vụ), do hành khách là 27 vụ (năm 2013 là 3 vụ). Một trong những nguyên nhân khách quan gây nhiều sự cố là do sự gia tăng của số lượng tàu bay (tăng 10,8%), giờ bay (tăng 21%)và chuyến bay (tăng 12%) của các hãng hàng không so với năm 2013.
Năm 2014 cũng là năm hàng không phải ban hành những chỉ thị ngăn ngừa tình trạng uy hiếp an toàn bay liên quan đến động vật như: Tăng cường công tác kiểm soát chim để hạn chế sự cố do chim gây ra uy hiếp đến hoạt động của tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay; Tăng cường công tác kiểm soát vật ngoại lai và bảo đảm vệ sinh trên đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ khi thi công các công trình trong khu bay tại các cảng hàng không, sân bay...
>> Những thăng trầm của ngành hàng không Việt Nam 2014
Ban Biên tập