[Hồ sơ] Ngành bán lẻ 2014: Đua nước rút và dậm chân ga cho 2015

25/12/2014 10:05 AM |

Xem thêm các bài trong chuyên mục Hồ sơ:

Ngành sữa: Một năm ngọt ngào

Ngành ô tô: Năm bùng nổ của thị trường

Viettel Global: Chiến binh thiện xạ đi khắp năm châu


2015 – Dấu mốc quan trọng

Năm 2014 đánh dấu nhiều biến động trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhiều thương vụ M&A lớn đã diễn ra, những tên tuổi tầm cỡ quốc tế đã bắt đầu lộ diện và thể hiện sức mạnh. Sự tham gia của những tay chơi lớn và những thay đổi trong chính sách vĩ mô hứa hẹn 2015 sẽ là năm đầy sôi động cho ngành bán lẻ.

Theo báo cáo về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014″ do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Theo Bộ Công Thương, bán lẻ hiện đại sẽ chiếm khoảng 40% tại Việt Nam vào năm 2020. Hiện tại, con số này mới chỉ là 20%. Bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang chịu sự thống trị của loại hình bán lẻ truyền thống với chợ cóc, chợ vỉa hè với 80% thị trường.

Tuy nhiên, bức tranh này được dự báo sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Cơ cấu dân số trẻ, sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh mẽ, ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân ngày càng được nâng cao sẽ là những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu các cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Tổng mức bán lẻ năm 2014 tăng trưởng tốt trong năm nay

Còn theo tổ chức tư vấn Mỹ A.T.Kearney, Việt Nam đứng thứ 28 thế giới trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới. “Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát giảm và nhiều điều kiện kinh doanh tốt như việc sắp sửa gỡ bỏ rào cản thương mại và giảm thuế là những yếu tố chính giúp Việt Nam thu hút các nhà bán lẻ quốc tế”, A.T.Kearney đánh giá.

Việc loại bỏ rào cản thương mại và giảm thuế được A.T.Kearney đánh giá sẽ có tác động mạnh mẽ tới thị trường bán lẻ đều có liên quan chặt chẽ tới cột mốc 2015. Cuối năm 2015 là thời điểm mà Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), một thị trường chung lên đến 600 triệu người, với sự lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động, có thể sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, tiến độ gia nhập Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam cũng sẽ có những bước tiến quan trọng trong năm tới.

Những yếu tố thuận lợi từ vĩ mô đến vi mô của Việt Nam khiến không ít các doanh nghiệp ngoại quan tâm. Năm qua, người ta đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A khủng của cả doanh nghiệp nội và ngoại, với sự tham gia của hàng loạt ông lớn tầm cỡ quốc tế. Những cái tên có thể kể ra ngay lập tức đó là Aeon, Takashimaya, Lotte, E-mart, Berli Jucker, Robins,…

Doanh nghiệp ngoại: Tăng tốc

Năm 2014 chứng kiến rất nhiều khoản đầu tư cũng như thương vụ lớn trong ngành bán lẻ, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm.

Đầu tháng 8, thị trường bán lẻ Việt Nam chấn động với thương vụ khủng: Metro (Đức) bán lại toàn bộ bộ phận kinh doanh Việt Nam với giá 879 triệu USD. Toàn bộ 19 siêu thị Metro Cash & Carry của Metro tại Việt Nam được bán cho tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan). Thương vụ gây bất ngờ vì trong hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, Metro dù thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn được coi là đang hoạt động tốt tại Việt Nam, bằng chứng là tốc độ mở thêm trung tâm mới của Metro Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc tại châu Á.

Sau khi bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam cho Berli Jucker, toàn bộ 19 trung tâm sẽ được đổi tên thành thương hiệu mới của hãng bán lẻ Thái Lan. Trước đó, Berli Jucker cũng ghi dấu ấn với thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Family Mart liên doanh với đối tác Việt Nam và đổi tên thành B’mart.

Một số sự kiện lớn trong ngành bán lẻ Việt Nam năm 2014

Không theo đuổi chiến lược M&A như BJC, một tập đoàn của Nhật Bản là Aeon chọn chiến lược tiếp cận đa chiều hơn. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008, Aeon không ồ ạt mở rộng. Nhà đầu tư Hàn Quốc tiến hành thăm dò với chuỗi cửa hàng tiện lợi G7-Ministop bắt tay với đối tác địa phương là Trung Nguyên.

Phải tới năm nay, Aeon mới mở 2 đại trung tâm mua sắm tại phía Nam là Aeon Mall Thành phố Hồ Chí Minh và Aeon Mall Bình Dương với tổng diện tích mỗi trung tâm trên 70.000m2.

Tính đến thời điểm này, Aeon đã rót tổng vốn hơn 500 triệu USD cho Aeon Tân Phú (Tân Phú, TP HCM, tháng 1/2014), Aeon Bình Dương (Bình Dương, 10/2014), Aeon Long Biên (Hà Nội, 2015) và Aeon Bình Tân (TP HCM, sẽ được đưa vào hoạt động giữa năm 2016).

Không dừng lại ở đó, Aeon tiếp tục có cái bắt tay với 2 đối tác nội khác là Citimart và Fivimart để mở rộng hệ thống của mình. Hợp tác với Citimart đã cho ra đời thương hiệu Aeon-Citimart, đồng thời đưa hàng hóa Aeon vào trong hệ thống hơn 30 siêu thị của Citimart.

Có thể thấy, chiến lược của Aeon rất đa dạng. Tập đoàn này vừa cho xây dựng những trung tâm mua sắm cực lớn, có thương hiệu của riêng mình, đồng thời hợp tác với các tên tuổi trong nước, có mặt bằng nhỏ hơn để xây dựng hệ thống phân phối, cửa hàng cho mình. Bằng cách này, Aeon vửa đẩy nhanh tốc độ phát triển, vừa giúp người tiêu dùng làm quen với hang hóa và thương hiệu Aeon.

Tên tuổi thứ 3 không thể không nhắc đến trong ngành bán lẻ Việt Nam năm qua đó là Lotte. Khai trương trung tâm thương mại cao thứ 2 tại Hà Nội, Lotte Centre có vị trí đắc địa trên trục đường Đào Tấn – Kim Mã cạnh khách sạn Deawoo. Với một quần thể đầy đủ khu căn hộ, trung tâm mua sắm, khách sạn, nhà hàng, khu vực vui chơi, giải trí, tập đoàn Hàn Quốc không giấu ý đố biến Lotte Centre Hà Nội thành trung tâm vui chơi, giải trí hiện đại hàng đầu ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, Lotte cũng đẩy nhanh tốc độ mở rộng chuỗi siêu thị Lotte mart với việc khai trương 6 trung tâm thương mại trên khắp cả nước bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng,...

Ngoài các cái tên nổi bật trong năm qua, vẫn còn rất nhiều những ông lớn khác cũng đang từng bước tiến vào thị trường như chuỗi Robins của Central Group (Thái Lan), Takashimaya (Nhật Bản) hay Auchan (Pháp), Mark & Spencer (Anh),…

Cũng không thể bỏ qua những tên tuổi gạo cội trên thị trường như Big C. Là một trong những tên tuổi ngoại hoạt động lâu nhất tại Việt Nam, chuỗi siêu thị của Big C luôn nằm trong top nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam và vẫn tiếp tục mở rộng sang các tỉnh, thành phố xa trung tâm.

Việc mở rộng ồ ạt của một số thương hiệu ngoại cho thấy sức hấp dẫn của thị trường, nhưng đi cùng với nó cũng là mức độ cạnh tranh sẽ ngày một khốc liệt hơn. Các nhà bán lẻ ngoại đang gấp rút xây dựng hệ thống của mình thông qua nhiều cách thức khác nhau, từ đầu tư trực tiếp, mua bán - sáp nhập cho đến liên doanh, liên kết. Quá trình tăng tốc này của các nhà bán lẻ ngoại sẽ tiếp tục trong năm 2015.

Năm 2014, thị trường cũng ghi nhận một tên tuổi lớn rời bỏ cuộc chơi: Thương vụ BJC mua lại Metro chủ yếu đến từ lý do khách quan phía Metro (Tập đoàn mẹ của Metro ở Đức kinh doanh khó khăn và buộc phải thu hẹp phạm vi).

Doanh nghiệp nội: Đối tác tránh đối đầu

Trên thực tế, dù DN ngoại có những động thái mạnh trong năm qua, nhưng tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam hiện vẫn là Sài Gòn Co.op. Với hệ thống trên 70 siêu thị Co.opmart trên cả nước, Sài Gòn Co.op mới là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, đây khó có thể xem là lợi thế của nhà bán lẻ nội.

Thị trường bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20% toàn bộ thị trường bán lẻ. Điều đó có nghĩa thị trường bán lẻ hiện đại vẫn còn rất nhiều đất để phát triển. Các doanh nghiệp đang cạnh tranh gay gắt nhằm lôi kéo nhóm khách hàng mới, đang dần dịch chuyển từ bán lẻ truyền thống sang hiện đại, về phía mình trong tương lai. Về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, các nhà bán lẻ nội vẫn đang yếu thế hơn trên đường đua với các đối thủ ngoại.

Mặt khác, ngay cả khi chưa có sự tham gia của các thương hiệu ngoại, bán lẻ nội đã có những vấn đề của riêng mình.

Tại Việt Nam, yếu tố vùng miền trong ngành bán lẻ rất rõ nét. Các thương hiệu thành công ở miền Bắc lại ít thành công ở miền Nam và ngược lại.

Saigon Co.op vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đổ bộ ra miền Bắc. Sau nhiều lần thất bại, chuỗi siêu thị này mới chỉ mở 2 siêu thị đặt ở khá xa trung tâm Hà Nội và đang tiến hành mở rộng hơn sang các tỉnh phía Bắc lân cận như Hải Phòng, Quảng Ninh. Ngược lại, các nhà bán lẻ có tiếng miền Bắc như Phú Thái, Fivimart cũng không thể "Nam tiến" và phải ngậm ngùi đóng cửa siêu thị ở miền Nam sau một thời gian làm ăn thua lỗ.

Trong khi đó, với kinh nghiệm trên nhiều thị trường khác nhau, Big C, Metro là những doanh nghiệp làm ăn lâu năm ở Việt Nam và có hiện diện ở cả 3 miền. 6 trung tâm của Lotte xuất hiện ở cả Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng,... Aeon cũng đang xây dựng trung tâm thương mại ở Hà Nội. Với kinh nghiệm hoạt động trên nhiều quốc gia, yếu tố vùng miền dường như không phải vấn đề lớn đối với các nhà bán lẻ quốc tế.

Cái bắt tay giữa Aeon - Citimart cho thấy các nhà bán lẻ nội cần phải dựa vào những gã khổng lồ trong bức tranh thị trường mới

Để khắc phục nhược điểm cố hữu và đủ “nội lực” để đối đầu với các làn sóng doanh nghiệp ngoại, các thương hiệu nội chọn cách hợp tác thay vì đối đầu. Những kinh nghiệm quốc tế của các thương hiệu ngoại là điều các doanh nghiệp nội phải học hỏi rất nhiều. Saigon Co.op đã quyết định chọn nhà bán lẻ Singapore nổi tiếng là NTUC FairPrice làm đối tác. Tập đoàn Phú Thái, một trong những nhà bán lẻ nổi tiếng phía Bắc lựa chọn Family mart, và sau này là tập đoàn Thái Lan BJC.

Citimart phía Nam và Fivimart phía Bắc cùng chọn liên kết với Aeon. Trường hợp Citimart, cả 30 trung tâm Citimart đã đổi tên thành Aeon-Citimart. Đổi lấy việc thay tên đổi họ, hàng hóa trong Citimart sẽ có thêm hàng hóa Nhật Bản và quan trọng hơn, tập đoàn này sẽ học được cách quản trị theo phong cách đa quốc gia của tập đoàn Nhật Bản, điều mà theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, người sáng lập ra chuỗi Citimart, là hợp tác cùng phát triển.

Một tên tuổi có thể là trường hợp ngoại lệ về tiềm lực tài chính đó là Vinmart của tập đoàn Vingroup. Thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, Vinmart trong năm qua tăng tốc nhanh nhờ vào các thương vụ M&A. Hồi tháng 10, Vingroup đã mua lại toàn bộ chuỗi Oceanmart của tập đoàn Đại Dương và đổi tên thành Vinmart.

Tới cuối năm 2014, 79 Mart, siêu thị bán lẻ của tập đoàn Alphanam cũng đã nhượng lại địa điểm kinh doanh cho Vingroup. Với việc nhượng lại địa điểm duy nhất, 79 Mart dù còn thương hiệu nhưng coi như đã rút khỏi cuộc chơi bán lẻ. Ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ tịch tập đoàn Alphanam cho biết, để có lãi, chuỗi siêu thị này cần phải mở ra khoảng 50 điểm, trong khi tập đoàn không muốn chịu lỗ đầu tư thêm nữa.

Về phía Vingroup, sau các thương vụ M&A, chuỗi siêu thị Vinmart của tập đoàn này hiện có 13 địa điểm và đang có dự định mở ra 40 địa điểm trong tương lai gần. Đây sẽ là cái tên hứa hẹn trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bán lẻ online – chưa thể là trào lưu trong 2015

Hiện tại, hầu hết các thương hiệu lớn đều có kênh bán lẻ online. Các chuyên gia đánh giá rằng xu thế của bán lẻ online trong tương lai là tất yếu. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang chuẩn bị vào Việt Nam. Lazada vừa nhận được đầu tư và hứa hẹn sẽ đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam. Rakuten, hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất Nhật Bản cũng đang rục rịch tiến vào thị trường hơn 30 triệu dân dùng Internet.

Ở trong nước, Vingroup, một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam đang chuẩn bị khởi động dự án Vin-Ecom vào đầu năm 2015. Một số thương vụ cũng lớn cũng diễn ra như VNG bán lại mảng TMĐT cho FPT hay 3 nhà đầu tư Nhật Bản quyết định đầu tư vào Sen Đỏ. Tất cả những thông tin này cho thấy 2015 sẽ là năm dòng tiền chảy mạnh vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, kết quả như thế nào thì rất khó dự đoán. Các trang thương mại điện tử của nước ngoài, hoạt động tại Việt Nam theo kiểu “Việt hóa” website rồi chuyển giao toàn bộ mô hình đã thành công ở quốc gia khác về như Lazada, dù thu được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn vấp phải những yếu tố khác biệt trong văn hóa.

Với dự án Vin-Ecom, dù nhận được đầu tư và hậu thuẫn rất lớn từ phía tập đoàn Vingroup, vẫn phải hoãn kế hoạch ra mắt tới 3 lần trong năm 2014. Hiện tại, những thông tin về sản phẩm của Vin-Ecom vẫn còn rất mù mờ.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, dòng tiền chảy vào TMĐT Việt Nam trong năm 2015 có thể sẽ tăng mạnh, giúp thị trường sôi động hơn, nhưng TMĐT sẽ khó có thể trở thành xu thế ngay trong năm sau.

“Sẽ cần có thời gian để người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng, cách thức thanh toán cũng như niềm tin vào các dịch vụ online. Cho tới thời điểm đó, TMĐT sẽ chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ bán hàng offline, cung cấp những công cụ online để giải quyết các vấn đề của bán hàng offline”, vị này cho biết.

Hứa hẹn

Sau những sự kiện lớn diễn ra trong năm 2014, dòng tiền hứa hẹn sẽ tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ trong năm 2015. Cuộc đua tranh giành thị trường và người tiêu dùng sẽ không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà sẽ còn lan tỏa sang cả khu vực nông thôn. Dù chưa thể định hình ngay cục diện của thị trường bán lẻ, nhưng 2015, với nhiều dấu mốc quan trọng trong chính sách vĩ mô lẫn chiến lược đầu tư của các tập đoàn, hứa hẹn sẽ là một năm đầy sôi động cho ngành bán lẻ.

>> Thị trường bán lẻ: Cuộc đua Nhật - Hàn

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM