[Hồ sơ] Ngành Thương mại điện tử 2014: Cuộc đổ bộ của các ông lớn

29/12/2014 09:03 AM |

Các doanh nghiệp lớn trong nước bắt đầu tham gia vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh Rocket Internet đã định vị được với thương hiệu Lazada, Alibaba của Trung Quốc và Rakuten của Nhật Bản cũng sẽ ‘tham chiến’.

 

Thị trường màu mỡ

* Tiềm năng

Theo nhiều chuyên gia, thương mại điện tử Việt Nam đang ở giai đoạn bùng nổ với hơn 1/3 dân số sử dụng Internet và hơn 50% trong số đó có mua sắm online.

Báo cáo Thương mại Điện tử 2013 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin – Bộ Công thương – đánh giá, thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 sẽ đạt doanh số tới 4,3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Năm 2013, doanh số của thương mại điện tử đạt mức 2,2 tỷ USD, tính trung bình, cứ 1 người Việt Nam sẽ tiêu 120 USD để mua hàng trực tuyến. Đây chỉ là ước tính của thị trường thương mại điện tử mô hình B2C (Business to Customer – Doanh nghiệp tới Khách hàng), chưa tính đến doanh số của thương mại điện tử mô hình C2C (Customer to Customer – Khách hàng tới khách hàng).

Tuy nhiên, mức chi tiêu này còn quá nhỏ bé.

“So với thị trường Trung Quốc, với lượng người tiêu dùng thế này, đáng lẽ thị trường thương mại điện tử Việt Nam phải đạt hơn 20 tỷ USD, tức gấp 10 lần con số hiện tại” – ông Nguyễn Ngọc Hưng – TGĐ CTCP Đi Siêu thị nhận định.

Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỷ người đã đạt doanh số trên 300 tỷ USD. Thương mại điện tử cả Mỹ doanh số cũng gần 500 tỷ USD.

* Hạ tầng thanh toán - hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam bắt tay

Ngày 30/12/2014 tới, hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam là Banknetvn và Smartlink sẽ ký hợp đồng sáp nhập và tiến tới hoàn tất các thủ tục cuối cùng, để công ty mới đi vào hoạt động với tên gọi là Banknetvn.

Các giao dịch thanh toán, chuyển tiền của khách hàng sẽ thuận tiện và nhanh chóng hơn, không còn tình trạng phân biệt nội mạng và ngoại mạng. Khách hàng cũng có cơ hội hưởng nhiều tiện ích thanh toán hiện đại hơn.

(Xem thêm: Sáp nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam)

* Dịch vụ giao nhận – tốc độ tăng chóng mặt

Viettel Post và CTCP Dịch vụ Giao hàng nhanh đã có những bước tiến đáng kinh ngạc.

“Giao hàng nhanh, ngày đầu tiên của năm 2014 mới có 100 nhân viên, giao được đâu đấy 50 – 70 đơn hàng/ngày. Sau 1 năm, có hơn 800 nhân viên, cộng cả cộng tác viên có hơn 1000 người, ngày giao hàng nhiều nhất trong tháng 12 là giao 12.300 đơn hàng, lượng đơn hàng order (đặt hàng – PV) để giao lớn nhất là 35.000 đơn hàng/ngày. Dự báo về khối lượng giao hàng của họ là 100.000/ngày” - ông Nguyễn Lâm Thanh – Tổng Thư ký Hội truyền thông số Việt Nam cho biết.

Ông Thanh cho hay, ví dụ này để thấy tốc độ chấp nhận của người mua hàng đối với thương mại điện tử tăng rất nhanh và bản thân các nhà cung ứng hiện nay chưa đáp ứng được.

Các hình thức quảng cáo – Mạng xã hội lên ngôi

Hình thức quảng cáo các doanh nghiệp thương mại điện tử lựa chọn phổ biến là quảng cáo qua mạng xã hội (87%), tiếp đến là qua các công cụ tìm kiếm (84%).

Bùng nổ doanh nghiệp tham gia

Rocket Internet của Đức với 2 thương hiệu Lazada và Zalora: Mới gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 2/2012, tính đến tháng 12/2012, Lazada.vn cung cấp hơn 50.000 sản phẩm thuộc 12 ngành hàng khác nhau. Sau 9 tháng hoạt động, trang web Lazada.vn đạt mức 23 triệu lượt khách hàng truy cập. Mới đây công ty mẹ của Lazada Việt Nam lại vừa nhận được gần 250 triệu USD từ từ một quỹ đầu tư mới của Temasek Holdings (Singapore). Khoản đầu tư mới này sẽ làm tăng tổng quỹ đầu tư vào công ty lên 520 triệu euro (khoảng 647 triệu USD).

Còn với Zalora, hồi cuối năm 2013, đơn vị này cũng đã nhận được khoản đầu tư trị giá lên đến 112 triệu USD từ nhóm đầu tư tư nhân Access Industries, quỹ được điều hành bởi Công ty quản lý tài sản Scopia Capital Management LLC - Mỹ.

(Xem thêm: CEO Lazada Việt Nam: Mua sắm bằng Smartphone là xu hướng của tương lai)

VCCorp: Sản phẩm thương mại điện tử của VCCorp bao gồm các lĩnh vực khác nhau: Rao vặt, Chợ điện tử, Diễn đàn C2C, mô hình Groupon, Thanh toán và ví điện tử. Tính trung bình, VCCorp có 16,1 triệu truy cập/tháng với 126,5 triệu page-views/tháng. Tốc độ tăng trưởng mỗi tháng là 12%.

Nguồn: Hội truyền thông số Việt Nam.

Nguồn: Hội truyền thông số Việt Nam.

Sendo của CTCP Tập đoàn FPT: Đầu tháng 12, CTCP Sen Đỏ (Sendo.vn) công bố việc đầu tư chiến lược của 3 tập đoàn Internet Nhật Bản bao gồm tập đoàn SBI Holdings, công ty econtext ASIA, và công ty BEENOS đã hoàn tất. Trước đó, tháng 7, Sendo tiến hành mua lại mảng thương mại điện tử -  website 123mua.vn của VNG.

Hai gương mặt mới sẽ tham gia thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam là VinGroup Viettel. VinGroup đã thành lập VinEcom từ đầu năm 2014 để khai thác thị trường màu mỡ này. Viettel, tham gia thị trường kín tiếng hơn, với việc gia nhập Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) của Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và Xuất nhập khẩu Viettel (Viettelimex).

Phía nước ngoài, ngoài Rocket Internet, trong tương lai gần, Rakuten – doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản, Alibaba của tỷ phú Jack Ma – Trung Quốc và Amazon của Mỹ sẽ cùng tham gia khai thác thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Online Friday – Black Friday đầu tiên của Việt Nam

Ngày Mua sắm trực tuyến (hay còn gọi là Online Friday) đầu tiên của Việt Nam diễn ra vào Thứ Sáu, 5/12/2014, sẽ được tổ chức thường niên vào ngày Thứ Sáu đầu tiên của tháng 12 hàng năm.

Vào ngày này, người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến sẽ được hưởng các ưu đãi gồm các hình thức miễn phí, giảm phí vận chuyển, giảm giá sản phẩm, tặng phiếu giảm giá hoặc quà kèm theo...

Ban tổ chức Online Friday - Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – cho biết, Online Friday đã thu hút trên 1000 doanh nghiệp tham gia và 3.226 sản phẩm khuyến mãi, giảm giá.

Theo thống kê tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp, số lượng truy cập trên các website bán hàng trực tuyến trung bình tăng 10 -15 lần so với ngày bình thường. Số đơn hàng tính đến 18h00 chiều 5/12 tăng gấp 4 - 6 lần cùng kỳ so với ngày thường.

2015: Sẽ siết chặt quản lý các website thương mại điện tử

Thông tư 47 về quản lý website thương mại điện tử mới ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 20/1/2015, quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cá nhân, đơn vị tham gia thương mại điện tử.

Cụ thể, các chủ sở hữu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử phải đăng ký với Bộ Công thương. Nếu không tuân thủ, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo khoản 3a, Điều 81: Thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định sẽ bị xử phạt từ 40 – 60 triệu đồng.

Ngoài việc đăng ký với Bộ Công thương, các chủ sàn giao dịch TMĐT phải chịu trách nhiệm với chất lượng hàng hóa được bày bán trên sàn.

Quy định này nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho TMĐT phát triển, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

>> Thương mại điện tử Việt Nam: Không dễ xơi

Ban Biên tập

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM