[Hồ sơ] Ngành ô tô 2014: Thị trường bùng nổ

24/12/2014 09:21 AM |

Cùng nhìn lại những điểm nhấn của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2014.

Có thể thấy rằng, nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực cùng với sự ấm lên của thị trường chứng khoán và bất động sản là lực đẩy lớn cho thị trường ô tô trong năm 2014.

[Xem thêm bài viết trong series Tổng kết ngành năm 2014: Hồ sơ ngành sữa 2014: Một năm ngọt ngào]

Ngành ô tô trên đà tăng trưởng mạnh

Trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Hải quan vào cuối năm 2013, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đưa ra con số dự báo mức tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam năm 2014 ở mức 18-20% so với năm trước, đạt khoảng 100.000 - 120.000 xe.

Trái với dự đoán khá dè dặt đó, năm 2014 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của thị trường ô tô Việt Nam. Chỉ sau 11 tháng, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đã đạt 137,6 nghìn xe, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2013.

Thaco, Toyota, Ford vẫn là những thương hiệu đứng đầu danh sách bán hàng trên thị trường ôtô. Trong đó Thaco dẫn đầu toàn thị trường với 31,8% thị phần, Toyota đứng thứ 2 với 30,8% thị phần, Ford đứng thứ 3 với 10,5% thị phần.

Đầu tháng 12, hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đã nâng dự báo doanh số tiêu thụ năm 2014 lên tới 150.000 xe, tăng 36% so với năm 2013. Đây đã là lần tăng dự báo thứ tư kể từ đầu năm nay của VAMA.

Xe sang bùng nổ tại triển lãm ô tô Việt Nam 2014

Vietnam Motor Show 2014 đã thu hút hơn 161.700 lượt khách tham quan, tăng hơn 11.000 lượt so với năm ngoái. Riêng ngày cuối cùng diễn ra triển lãm có tới 55.930 lượt người tham dự. Sự kiện năm nay đã chứng kiến 103 xe trưng bày và hơn 560 hợp đồng bán xe được ký kết.

Được đánh giá là thành công nhất từ trước tới nay, Vietnam Motor Show 2014 đã thiết lập nhiều kỷ lục mới và đã tạo ra cú hích cho thị trường ô tô cuối năm.

Theo thông báo từ ban tổ chức, kỳ triển lãm ôtô lớn nhất trong năm đã chính thức xác lập hai kỷ lục mới. Cụ thể, đã có hơn 560 hợp đồng bán xe được ký kết trong 5 ngày diễn ra triển lãm, tăng gấp đôi so với con số của kỳ triển lãm năm ngoái.

Gian hàng của Mini tại VMS 2014

Gian hàng của Mini tại VMS 2014

Vietnam Motor Show 2014 là kỳ triển lãm ôtô lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam với sự tham gia của 18 thương hiệu đến từ cả hai khối lắp ráp trong nước và nhập khẩu chính hãng.

Đáng chú ý là đa số các hợp đồng mua xe được khách tham quan ký kết với các nhà sản xuất, phân phối đều thuộc về các thương hiệu hạng sang và những chiếc xe phổ thông có giá trị cao. Ngay sau khi ra mắt, một loạt các mẫu xe như Mercedes S500 Coupe, Audi A3 Sportback, Audi A7 Sportback, Lexus GX460, BMW 428i Gran Coupe hay MINI Cabriolet Cooper… đều được khách hàng đặt mua ngay.

Thậm chí, nhiều khách hàng do không muốn phải chờ đợi nên đã đưa ra đề nghị nhận luôn xe trưng bày.

Đây có thể coi là một tín hiệu vui đối với ngành ôtô. Bởi thực tế, kỷ lục bán hàng ngay tại một kỳ triển lãm cũng chính là một biểu hiện của sức mua nói chung đang trên đà tăng trưởng mạnh tại thị trường ôtô Việt Nam thời gian qua.

Ô tô nhập khẩu lên ngôi

Nhập khẩu xe nguyên chiếc là xu thế nhìn thấy rõ của thị trường ô tô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, thuế nhập khẩu giảm mạnh.

Xu thế này càng nhìn thấy rõ trong năm 2014. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11 vừa qua, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt 9.862 chiếc với kim ngạch 200,2 triệu USD. Tính chung 11 tháng đầu năm, lượng ôtô nhập khẩu đã lên tới 61.695 chiếc, đạt giá trị 1.343 tỷ đồng, tăng mạnh 95,5% về lượng và 108,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê từ VAMA cho thấy, trong khi sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng trưởng trung bình khoảng 20%/tháng, thì ôtô nhập khẩu có mức tăng hơn 60%, thậm chí có tháng tăng hơn 75%.

Do được hưởng mức ưu đãi thuế nhập khẩu 50%, danh mục xe bán ra hàng tháng của các thành viên VAMA đều có những dòng nhập khẩu trực tiếp từ các nước ASEAN, mà chủ yếu là đến từ Thái Lan và Indonesia. Riêng dòng xe bán tải 100% đều được nhập từ Thái Lan, do thuế nhập khẩu cho dòng xe này chỉ còn 5%.

Cùng với Hàn Quốc, có thể nói xu thế nhập khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia sẽ càng ngày càng tăng. Lý do không chỉ được ưu đãi thuế, đây còn là 2 quốc gia có ngành công nghiệp ôtô phát triển với tốc độ mạnh mẽ, với sản lượng bán ra trong một tháng có thể bằng hoặc cao hơn doanh số cả thị trường ô tô Việt Nam trong một năm, và hệ thống các nhà đầu tư, sản xuất linh phụ kiện cho ngành công nghiệp ô tô phát triển rất mạnh nên chi phí sản xuất thấp, giá thành sản phẩm hết sức cạnh tranh.

Thêm vào đó là sự xuất hiện, mở rộng đại lý phân phối của hàng loạt thương hiệu xe sang, siêu sang thị trường ô tô Việt Nam đang ngày càng sôi động với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến.

Mơ ước được mua xe giá rẻ của người Việt có trở thành hiện thực?

Theo lộ trình gia nhập AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN), từ năm 2014 đến 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ hạ dần xuống 0%.

Cụ thể, trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 là 0%.

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô, chỉ cần thuế nhập khẩu giảm 50% thì giá nhiều mẫu xe nhập khẩu sẽ bằng với xe lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên Chính phủ cũng đã có động thái nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, theo đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký các quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Không rõ sau 4 năm nữa, ngành công nghiệp ô tô trong nước lúc đó đã đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm ô tô của các nước trong khu vực hay chưa? Nhưng theo cơ chế thị trường, khi mà ô tô nhập khẩu giảm giá sẽ khiến cho ô tô sản xuất trong nước cũng sẽ phải giảm giá theo.

Hy vọng rằng, người tiêu dùng sẽ là người được hưởng lợi sau cùng.

Điều đáng trông đợi nhất năm 2015 cho Thị trường ô tô Việt Nam đó chính là sự ưu đãi về thuế, từ thuế tiêu thụ đặc biệt cho đến thuế nhập khẩu cũng như về phí khiến những chiếc xe giảm giá đến cả trăm triệu đồng, tạo nên sức hút và nhiều cơ hội cũng như sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Giá bán lẻ ôtô tại thị trường Việt Nam luôn chịu sự tác động từ rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó riêng thuế và phí cũng đang có trên dưới 10 loại cùng trực tiếp điều chỉnh vào giá bán. Những chính sách này được áp dụng bởi chính nhu cầu hạn chế tiêu dùng ôtô mà nhà nước áp dụng bấy lâu nay.

Khi nhu cầu hạn chế ôtô vẫn còn, nếu thuế nhập khẩu giảm thì các cơ chế, chính sách khác sẽ được ban hành để “bù đắp” vào phần thiếu hụt đó, có thể là các loại phí và lệ phí khác được tăng lên hoặc bổ sung tương ứng.

Lưu ý rằng, chỉ có thuế nhập khẩu mới chịu sự chi phối của các cam kết hội nhập quốc tế như WTO hay AFTA.

>> Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam tăng mạnh dịp cuối năm

Ban biên tập

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM