Hãy dừng mưu cầu hạnh phúc khi đi làm đi! Ngay cả sếp bạn cũng không thể làm được điều đó!
Hôm nay là ngày Quốc tế Hạnh phúc, hãy cùng nói về chủ đề hạnh phúc nơi làm việc. Cuộc sống này không mềm mỏng dễ dàng và đương nhiên, công việc cũng vậy!
Một công việc hạnh phúc hay một công việc có ý nghĩa: Lăng kính nào bạn nên hướng về?
Theo Harvard Business Review (HBR), trung bình một đời người dành khoảng 90.000 giờ cho công việc – một con số có khả năng định nghĩa tầm quan trọng của công việc đối với cuộc sống và buộc chúng ta phải tìm mọi phương cách để "chill" cùng công việc một cách trọn vẹn. Biên tập viên Emily Esfahani Smith của nhà HBR đã khẳng định trong bài viết của mình: "Biến công việc trở nên có ý nghĩa đối với người lao động chính là một trong những phương cách tối ưu để gia tăng hiệu suất, tỷ lệ tương tác cũng như mức độ hiệu quả của công việc đó!"
Dễ dàng nhận thấy, ngày nay, chỉ cần một lượt search với cụm từ khoá "làm cách nào để hạnh phúc trong công việc" trên Google, bạn sẽ được trả về hàng trăm bài viết hướng dẫn bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc đó. Vậy thì, "hạnh phúc" và "có ý nghĩa" có sự khác biệt nào mà chúng ta vẫn chưa nhận ra?
Đầu tiên, có thể khẳng định là rất khó để thực sự tách bạch được 2 định nghĩa này, nhưng lớp nghĩa của "hạnh phúc" và "có ý nghĩa" được bóc tách để đào sâu hơn. Hạnh phúc - theo Harvard Business Review - là một từ để chỉ về một cảm xúc nhất thời, nhưng lại không mang ý nghĩa mãi mãi. Một công việc hạnh phúc sẽ giúp bạn thoả mãn được xúc cảm "sướng" khi làm điều mình thích/muốn. Trong khi đó, một công việc ý nghĩa thiên về góc nhìn bền vững hơn, bởi lẽ công việc này mang đến nhiều hơn một loại hạnh phúc và phong phú thêm những trải nghiệm cảm xúc của bạn.
"Lựa chọn công việc hạnh phúc hay công việc ý nghĩa, điều đó tuỳ thuộc vào bạn. Nếu đặt sự hạnh phúc là mục tiêu hàng đầu khi đi làm, thì trước những áp lực hay thách thức, bạn sẽ dễ có xu hướng bỏ cuộc. Nhưng ngược lại, nếu bạn đặt tâm thế để "chill" với 90.000 giờ sắp tới, vậy thì bạn nên trải nghiệm cái gọi là công việc ý nghĩa.
Một công việc ý nghĩa có thể mang đến thất bại và những áp lực vô hình, nhưng tựu trung lại, chúng giúp mạnh mẽ hơn trong cảm xúc và can trường hơn trong tư duy. Cuộc sống này không mềm mỏng dễ dàng và đương nhiên, công việc cũng vậy!", bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Talentnet chia sẻ.
Mưu cầu hạnh phúc và không có động thái khác: Đây sẽ là con đường một chiều không "happy ending"!
Theo số liệu thống kê trong báo cáo "Faces of Depression" của Philip Burguieres, 50% CEO trả lời rằng đôi lần trong cuộc đời, họ phải đối mặt với trầm cảm và các mức độ nghiêm trọng khác trong tâm lý. Điều này thể hiện rằng những CEO hay các nhà lãnh đạo và nắm trong tay "quyền sinh sát" cũng gặp những áp lực vô hình khác nhau.
Đâu là nguyên nhân sâu xa khiến các nhà lãnh đạo không thể thực sự mưu cầu hạnh phúc trong công việc? Đầu tiên, bạn cần đặt để hạnh phúc và bản ngã của mình xuống để tinh tế nhận ra rằng sự mưu cầu hạnh phúc của sếp không dừng lại ở cá nhân họ, mà còn chịu ảnh hưởng bởi yêu cầu công việc cao hơn, và trách nhiệm "cân" nhóm, điều phối các nhân viên dưới quyền.
Tiếp theo, dòng chảy năng lượng này nên được khởi phát từ hai chiều, cả sếp và nhân viên đều mong muốn trao quyền hạnh phúc cho nhau. Nghĩa là, nếu bạn cứ đơn phương mưu cầu hạnh phúc và không phát bất kỳ "tín hiệu" gửi trao hạnh phúc lại cho sếp, "bad ending" chắc chắn là đây. Cuối cùng, ngoài những chiến lược kinh doanh "đau não", một áp lực mang tính thách thức đối với sếp chính là làm sao phát triển và đặt để từng nhân viên ở lĩnh vực mà họ toả sáng nhất.
Mở lòng ra với sếp để thấy được rằng, mưu cầu hạnh phúc nên là con đường 2 chiều để đạt được kết quả tốt nhất!
"Ngay cả sếp cũng không thể đòi hỏi luôn hạnh phúc trong công việc, nếu như họ không có cách thức làm việc hay kết nối với nhân viên đúng đắn. Thay vì đòi hỏi quyền được mưu cầu hạnh phúc, mỗi cá nhân nên biết tìm kiếm ý nghĩa khi làm công việc đó và sự "tương thích" với sếp. Theo đuổi những xúc cảm bền vững là cách mà bạn có thể đạt được thành tựu có giá trị", bà Trinh đúc kết.