Hãy cẩn thận mỗi khi đăng điều gì lên Facebook, "bạn trên mạng" không phải “bạn thực sự" đâu
Friends trên Facebook không phải “bạn”. Và Facebook cũng không phải trang cá nhân. Đây là nơi các đối tác, đồng nghiệp, sếp hiện tại, và cả các sếp tương lai đều nhìn vào, xem Facebook như một góc nhìn về bạn.
“Tôi chỉ được sếp duyệt cho nghỉ phép 2 tuần!”, một anh bạn người Bhutan của tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân kèm theo một câu chửi thề. Post này được để chế độ công khai (public).
Sau rất nhiều comment hỏi han, chia sẻ bức xúc của bạn bè – phần lớn là những người không nắm rõ câu chuyện, anh cho biết theo hợp đồng, lẽ ra anh phải được nghỉ nhiều hơn, tức 3 tuần – như đề xuất của anh ấy. Nhưng sếp đã không duyệt.
Comment cuối cùng của cái post ấy là từ sếp anh, ông cho biết thời gian nghỉ phép 2 tuần liên tiếp được áp dụng với tất cả nhân viên trong công ty. Đồng thời, ông tỏ vẻ không hài lòng khi anh post những chuyện như vậy trên Facebook.
Với việc coi Facebook như một trang cá nhân, mọi người thường có thói quen chia sẻ mọi tâm trạng, cảm xúc, dù tốt dù xấu (tiếc là tâm trạng tồi tệ thường được chia sẻ nhiều hơn). Thường mọi người chọn cho mình một ảnh đại diện thật cool (phải là ảnh cực xinh nếu là nữ giới).
Ảnh minh họa.
Post hàng ngày phổ biến nhất là up ảnh selfie, chém gió, hoặc khoe con nếu là các ông bố, bà mẹ trẻ. Càng ngày, sự thể hiện của mỗi tài khoản Facebook càng mang tính cá nhân hơn.
“Khi phỏng vấn tuyển dụng, trong khi ứng viên đang cố gắng trình bày những gì tốt đẹp nhất về bản thân, thì tôi soi luôn Facebook - nơi người ta ít đề phòng nhất”, chị Trần Mai Anh - Trưởng Ban biên tập Tạp chí Heritage – cho biết tại hội thảo “Tạo dựng hình ảnh cá nhân chuyên nghiệp”.
Nên nhớ: “Friends trên Facebook không phải “bạn” đâu!”
Nơi đây, các đối tác, đồng nghiệp, sếp hiện tại, và cả các sếp tương lai đều nhìn vào, xem kênh Facebook như một góc nhìn về bạn.
Trong câu chuyện “cười ra nước mắt” mới đây, các điệp viên mới ra trường của Học viện FSB - trực thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga – đã ăn mừng lễ tốt nghiệp bằng cách “quậy” tưng bừng khắp phố trên những chiếc siêu xe.
Nhóm điệp viên trẻ này thậm chí còn vô tư chụp hàng loạt bức hình tập thể và đăng tải lên các trang mạng xã hội, không quên đính kèm thông tin cá nhân của từng thành viên tham gia và để ở chế độ công khai. Sau màn "đập phá" là cái kết không mấy tốt đẹp dành cho những tân điệp viên.
Cứ selfie thoải mái, nhưng hãy khoe có chủ đích!
“Nếu các bạn vào Facebook cá nhân của tôi, các bạn sẽ thấy tôi toàn chụp ảnh khoe con”, chị Mai Anh chia sẻ. Nhưng theo Mai Anh, chị không khoe một cách vô nghĩa mà ngược lại, có mục đích rõ ràng phục vụ cho công việc.
Công việc tôi đang làm là giúp khám phẫu thuật cho các em nhỏ. Vì vậy, tôi chia sẻ các vấn đề xã hội liên quan đến con người, trẻ em, đặc biệt là hình ảnh các em bé đang chữa bệnh, để mọi người gắn hình ảnh Mai Anh ở đâu thì trẻ em ở đấy. Ngoài ra, tôi không đưa thêm những thông tin khác để tránh sự nhiễu loạn.”, chị Mai Anh chia sẻ.
Mai Anh chính là người nhận nuôi bé Thiện Nhân – “chú lính chì dũng cảm”, cậu bé 10 năm trước từng bị loài vật nào đó ăn mất 1 chân và bộ phận sinh dục. Chị cũng là người lên tiếng kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng để giúp cậu bé có tiền phẫu thuật. Và công cụ hữu hiệu chính là thương hiệu cá nhân luôn đi liền với trẻ em của chị.
“Hiện tại, friends trên Facebook của tôi gần 5.000, nhưng thi thoảng tôi cũng xem follower của mình là ai. Tôi xem để hiểu mình chứ không phải hiểu người khác. Ví như mình đang làm việc này nhưng follower của mình lại liên quan đến việc khác, thì cần điều chỉnh lại”, chị cho biết.