Thương hiệu cá nhân đối với Start-up: Chọn trói buộc hay tự do?
Khách hàng đến vì thương hiệu cá nhân, nhưng hãy giữ họ lại bằng thương hiệu công ty.
David Ogilvy đã bày tỏ quan điểm của ông về vai trò cá nhân trong các hoạt động sáng tạo quảng cáo như sau: Việc giả vờ không có một cá nhân đơn lẻ nào có thể chịu trách nhiệm cho cả một chiến dịch quảng cáo và nhấn mạnh vào khái niệm “làm việc nhóm” là một lời nói trống rỗng. Không có một hình ảnh nào có thể được tạo ra bởi một nhóm người. Hầu hết các nhà quản trị đều biết đến điều này và luôn theo dõi những cá nhân xuất sắc có khả năng “đẻ trứng vàng”.
Ông Ogilvy chỉ nói về vai trò cá nhân trong lĩnh vực quảng cáo. Điều này cũng đúng hầu như trên mọi lĩnh vực. Vai trò của thương hiệu cá nhân luôn có tác động rất lớn đến hình ảnh thương hiệu doanh nghiệp. Nhất là đối với doanh nghiệp giai đoạn khởi nghiệp (doanh nghiệp start-up). Ví dụ như trong lĩnh vực marketing khá nhiều thương hiệu start-up ra đời và phát triển với tốc độ bùng nổ chủ yếu nhờ chất xúc tác là thương hiệu cá nhân của người đứng đầu.
Khi khởi nghiệp, có một vài lưu ý các ông chủ trẻ cần cân nhắc để tối ưu hoá tên tuổi thương hiệu cá nhân một cách hợp lý nhất.
Không nên lấy tên thương hiệu chủ doanh nghiệp làm tên thương hiệu công ty
Đã có rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng mang tên ông chủ ở Việt Nam như dệt Thái Tuấn, nhà may Phú Hưng, vàng bạc Minh Châu, gốm sứ Minh Long. Đặc điểm chung của các doanh nghiệp này là ra đời trong bối cảnh cách đây hàng chục năm. Cung ít cầu nhiều.
Nếu bây giờ một tên thương hiệu gia đình nào đấy xuất hiện, liệu thị trường có quan tâm? Trừ tên một số gia đình được biết đến rộng rãi về một nghề truyền thống nào đấy, các ông chủ giỏi giang giàu có hãy kìm hãm cái tôi cá nhân lại và chọn một cái tên thương hiệu không phải là tên cá nhân của mình.
Trong ngắn hạn tên thương hiệu cá nhân là chất xúc tác hút khách hàng. Trong dài hạn khi sự hiện diện của cá nhân không còn (vì nhiều lý do khác nhau), tên thương hiệu cá nhân làm tên công ty sẽ là một gánh nặng cho những cá nhân thay thế.
Chiến lược ở hiệp hai
Ai hay xem bóng đá sẽ hiểu hàm ý của chữ "hiệp hai". Một huấn luyện viên lỗi lạc thường có tư chất đọc trận đấu và điều chỉnh chiến lược chiến thuật ở hai hiệp đấu khác nhau. Tùy vào diễn biến trận đấu và tùy vào phản ứng của đối thủ để có đối sách thích hợp. Ví dụ đối với dị nhân như Mourinho, việc ông ta rút siêu sao Ronaldo ra khỏi trận đấu là bình thường. Chiến thắng của đội bóng (thương hiệu công ty) quan trọng hơn nhiều việc làm hài lòng một ngôi sao (thương hiệu cá nhân).
Lộ trình của một start-up chia ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn ra mắt được xem là hiệp một. Lúc này cần yếu tố wow-factor để gây chú ý và nhận biết thương hiệu. Như đã nói ở trên, giai đoạn này uy tín của thương hiệu cá nhân rất quan trọng. Xuất hiện thường xuyên, gây ảnh hưởng các sự kiện đông người liên tục là điều cần thiết. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng "hiệp hai" cần có chiến lược khác. Phát huy ảnh hưởng của hiệp một và chuẩn bị cho hiệp phụ tiếp theo.
Khách hàng đến vì thương hiệu cá nhân, nhưng hãy giữ họ lại bằng thương hiệu công ty.
Người Nga có câu: đón tiếp dựa vào quần áo, tiễn đưa dựa vào trí tuệ. Hình thức luôn rất quan trọng. Thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp là "quần áo" của một start-up. Doanh nghiệp khi mới ra mắt đã ai biết hay dở thế nào đâu. Cứ phải có bộ cánh sành điệu thu hút cái đã. Uy tín thương hiệu cá nhân cứ phải long lanh đã.
Còn khi khách hàng đến với doanh nghiệp, họ có quay lại không phụ thuộc chất lượng của "trí tuệ". Lúc này uy tín chuyên môn của thương hiệu cá nhân cũng quan trọng nhưng nó chỉ là một mắt xích trong số nhiều mắt xích để trói khách hàng thôi. Chất lượng dịch vụ của đội ngũ nhân viên, chất lượng sản phẩm, hệ thống đồng bộ về quản lý và chăm sóc khách hàng. Bộ quần áo nhìn đã thích mắt rồi khi tiếp xúc cũng phải ưng cái bụng nữa. Nếu không có sự tương thích của thương hiệu cá nhân với các yếu tố còn lại của thương hiệu cá nhân, rất khó để một start-up đi xa. Cho dù start-up này đã bùng nổ rất mạnh mẽ ở giai đoạn "hiệp 1".
Không phải người đứng đầu nào của một start-up nào cũng có thương hiệu cá nhân mạnh. Nhưng kể cả khi có điều này rồi, không có gì bảo đảm start-up sẽ phát triển bền vững lâu dài nếu quá dựa dẫm vào uy tín tên tuổi thương hiệu cá nhân. Một cá nhân dù có kiệt xuất đến mấy cũng không thể thay thế hoàn toàn một tổ chức. Họ cần được sử dụng một cách thông minh và hiệu quả nhất trong trong 45 phút, trong 90 phút, một mùa bóng mà phải là rất nhiều mùa bóng.