Hành trình thành triệu phú của người đàn ông bại não từ 10 tháng tuổi
"Khi đó là mùa hè nhưng tôi cảm thấy mình đang ở trong một căn phòng bằng băng vì những lời nói trên. Dù vậy, đây chính là một trong những điều khiến tôi nỗ lực vươn lên".
Lu Hong, người đàn ông ở đông nam Trung Quốc với căn bệnh bại não đã được mọi người ca ngợi là anh hùng sau khi trở thành ông chủ của một nhà máy. Lu còn được so sánh với Forrest Gump – nhân vật nổi tiếng trong bộ phim cùng tên, người có chỉ số IQ 75 cùng chứng thiểu năng. Trải qua rất nhiều nỗ lực, Forrest Gump đã trở thành triệu phú cũng như nguồn cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới.
Yuanyue, công ty có trụ sở tại Giang Tô của Lu đạt doanh thu hàng năm khoảng 1,5 triệu USD. Trong số 42 nhân viên công ty, có 24 người bị khuyết tật thể chất khác nhau.
Lu chia sẻ với SCMP: "Tôi kiên quyết làm mọi thứ. Chỉ cần dấn thân vào một việc nào đó, tôi sẽ cố gắng đến cùng để hoàn thành. Vì vậy, mọi người hay so sánh tôi với Forrest Gump. Ông ta có chút ngốc nghếch và tôi cũng vậy. Chúng tôi đều ngốc nghếch nhưng dễ thương".
Giờ đây, mọi người chào hỏi Lu bằng cái tên "Boss Lu", tuy nhiên, khi còn nhỏ, ông bị đối xử rất khác. Doanh nhân 42 tuổi giãi bày: "Người ta thường gọi tôi là thằng đần. Tuy rất buồn nhưng tôi không bị những lời lẽ đó đánh gục".
Lu bị bại não khi mới 10 tháng tuổi sau một cơn sốt. Căn bệnh này là một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến khả năng di chuyển, giữ thăng bằng và tư thế của người mắc. Khi đi bộ trên phố lúc còn bé, Lu phải vật lộn để duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể. Điều đó thu hút không ít ánh nhìn không mấy thiện cảm của người xung quanh.
Cha mẹ Lu gửi ông đến một trường dạy nghề sau khi ông học xong cấp 3. Thế nhưng khi ông tốt nghiệp, chẳng công ty nào muốn tuyển dụng ông vì chứng bệnh bại não.
Lu kể lại: "Một giám đốc nhà máy nói với mẹ tôi và tôi: ‘Hãy nhìn đi, con chị có thể làm gì? Thuê cậu ta tôi thà nuôi một con chó còn tốt hơn’. Khi đó là mùa hè nhưng tôi cảm thấy mình đang ở trong một căn phòng bằng băng vì những lời nói trên. Mặc dù vậy, đây chính là một trong những điều khiến tôi nỗ lực vươn lên".
Khi Lu nộp đơn xin việc vào một nhà máy khác, một người bảo vệ đã ném một đồng xu vào cốc của ông vì nghĩ ông là kẻ ăn mày. Cuối cùng, ông được nhận vào một xưởng gói bánh trung thu.
Vài năm sau, bị thu hút bởi sự phát triển bùng nổ của kinh tế tư nhân, Lu bỏ nhà máy để thành lập doanh nghiệp riêng – quầy sửa chữa xe đạp trên phố. Sau đó, ông bán báo, tạp chí, cho thuê điện thoại cố định, cho thuê đĩa phim, sửa máy tính và mở một quán Internet.
Khi việc kinh doanh của Lu ngày càng phát triển, mọi người bắt đầu gọi ông là "Lu sự phụ". Những lời chào này là sự công nhận và khích lệ phi thường đối với ông. Sau đó, Lu học kỹ năng chỉnh sửa video trước khi mở một studio ảnh. Ông cũng kiếm được một khoản tiền đáng kể từ sự bùng nổ thương mại điện tử thông qua một cửa hàng trực tuyến.
Lu cho biết ông rất thích trò chuyện với khách hàng trên Internet vì không ai biết ông bị khuyết tật. "Họ nghĩ rằng mình đang trò chuyện với mọt doanh nhân thành đạt", Lu nói.
Yuanyue được thành lập năm 2017, chuyên sản xuất máy tính xách tay và văn phòng phẩm. Kể từ đó, công ty đã mở rộng từ một xưởng nhỏ chỉ có vài nhân viên thành một nhà máy rộng 1.000 mét vuông với 42 nhân viên.
Đối với Lu, nhân viên khuyết tật của Yuanyue là "những đứa con quý giá" bởi họ rất khó tìm được việc và khi có công việc, họ luôn nỗ lực gấp nhiều lần người khác. Dù khiếm khuyết cơ thể nhưng trong công việc, họ làm việc không tệ chút nào.
Trong vài tháng đầu năm ngoái, công ty của Lu đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông đã dẫn dắt công ty thoát khỏi tình trạng suy thoái bằng cách phát triển sản phẩm mới.
Lu chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng ông trời đã có một sự sắp đặt tuyệt vời cho tôi khi không chỉ cho tôi kiếm tiền mà còn cho tôi đóng góp cho xã hội. Tôi nghĩ mình là người có ích".
Nguồn: SCMP