Hàng nghìn tỷ USD đổ vào chuyển đổi số, nhưng người tiêu dùng nhận được gì?
Một nghiên cứu cho thấy có quá nhiều dự án chuyển đổi số tập trung tối ưu hóa công nghệ, thay vì trải nghiệm khách hàng cuối. Người dùng không coi trọng mức đầu tư vào chuyển đổi số mà các doanh nghiệp thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp không lắng nghe - hoặc hiểu - nhu cầu của khách hàng.
Theo trang ZDnet, một nghiên cứu gần đây cho thấy có quá nhiều dự án chuyển đổi kỹ thuật số tập trung vào tối ưu hóa công nghệ, thay vì trải nghiệm khách hàng cuối. Liệu doanh nghiệp có thể định hướng vào khách hàng khi chuyển đổi số, và điều đó sẽ làm nên sự khác biệt?
Nghiên cứu của hãng Kony về 800 giám đốc điều hành và 800 người tiêu dùng, trong bốn ngành công nghiệp - ngân hàng, bán lẻ, điện và chăm sóc sức khỏe - kết luận rằng khoản đầu tư 4,7 nghìn tỷ USD vào chuyển đổi số, chỉ mang lại sự cải thiện ít ỏi. Chỉ 19% người tiêu dùng báo cáo có sự cải thiện đáng kể trong những trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho họ.
Hầu hết các nỗ lực chuyển đổi số không rõ rệt. Thực tế, người tiêu dùng đánh giá thấp những gì doanh nghiệp đã, đang đầu tư vào trải nghiệm khách hàng. Người tiêu dùng cũng không coi trọng mức đầu tư mà các doanh nghiệp thực hiện. Trong khi đó, các doanh nghiệp không lắng nghe - hoặc hiểu - nhu cầu của khách hàng.
Hầu hết các chuyển đổi kỹ thuật số đều tập trung nội bộ - 68% các sáng kiến tập trung vào quy trình kinh doanh, trong khi chỉ có 28% tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Một số ít, 4%, tập trung các sáng kiến của họ vào nhân viên.
Có vẻ như nếu đầu tư chuyển đổi số tập trung ra bên ngoài sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho doanh nghiệp. Phần lớn khách hàng, 62%, sẽ chi nhiều tiền hơn nếu họ cảm thấy dễ dàng trải nghiệm số. Các công ty hàng đầu trong nghiên cứu "luôn nhận ra sự cần thiết phải thay đổi và họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro". Họ có các nhóm tập trung vào khách hàng, nhận ra chuyển đổi số là sự thay đổi văn hóa, không chỉ là thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, "kẻ lạc hậu" có xu hướng thể hiện sự tập trung nội bộ - cải thiện năng suất công việc, giảm chi phí, cộng tác nội bộ tốt hơn.
Có những lý do hợp lý lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp tập trung chuyển đổi số vào các quy trình và hiệu quả nội bộ. Chuyển đổi số là "quá trình liên tục không bao giờ kết thúc và những doanh nghiệp đang đầu tư để hiện đại hóa phương thức phân phối phần mềm, học máy và hợp lý hóa các mảng kinh doanh nhằm hiệu quả hơn về chi phí và xây dựng các nền tảng duy trì kinh doanh, cung cấp trải nghiệm kỹ thuật số đặc biệt trong một thời gian dài".
Nghiên cứu chỉ ra rằng người tiêu dùng tin là các doanh nghiệp chuyển đổi số không đầu tư vào trải nghiệm khách hàng. Điều này không chỉ là về việc đầu tư bao nhiêu, mà là về cách đầu tư và ưu tiên đầu tư.