Hàn Quốc: Người dân không đủ tiền trang trải cuộc sống, nền kinh tế tạm bợ ngày càng 'chật chội'
Trong năm nay, số lượng người có việc làm nhưng muốn kiếm thêm việc vì thu nhập không đủ trang trải đã tăng đột biến. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 ở Hàn Quốc, con số này đã tăng lên mức kỷ lục là 1,2 triệu người, tăng 55% so với 1 năm trước.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Seoul vào mùa đông trước, nghệ sĩ kịch câm và xiếc Kim Chan-su bắt đầu một cuộc sống với "2 công việc". Khi không tham gia biểu diễn, anh giao thực phẩm và đồ uống từ gà rán cho đến cafe, bắt đầu vào buổi trưa và thường kết thúc công việc lúc quá nửa đêm.
Ngay cả khi có 2 công việc, người đàn ông có tuổi nghề 24 năm vẫn kiếm được ít tiền hơn nhiều so với trước khi đại dịch hoành hành – khi anh chỉ làm 1 công việc duy nhất. Trong tháng cao điểm, ông kiếm được 4,5 triệu won (4.100 USD) từ việc giao hàng. Con số này đã giảm 1 nửa vào tháng 10 khi sự cạnh tranh ngày càng gắt gao trong ngành giao đồ ăn. Trong khi đó, các buổi biểu diễn vẫn chưa được tổ chức lại hoàn toàn.
Chan-su (43 tuổi) chia sẻ: "Tôi không cảm thấy hài lòng về công việc đó. Để kiếm sống, tôi không còn lựa chọn nào khác." Hiện tại, ông mất nhiều giờ ngồi trên ô tô chờ đợi cho đến khi máy tính bảng đổ chuông thông báo một đơn hàng gà rán khác.
Chan-su đại diện cho một nhóm người ngày càng tăng mà những số liệu thống kê về thất nghiệp không thể nắm bắt. Họ không được tính vào tỷ lệ thất nghiệp 4,2% mới được công bố của Hàn Quốc, nhưng vẫn bị mất thu nhập. Thông thường, nhóm này thường làm việc ít giờ hơn hoặc chuyển từ toàn thời gian sang bán thời gian. Họ sẵn sàng đi làm thêm nếu có cơ hội.
Trong năm nay, số lượng người có việc làm nhưng muốn kiếm thêm việc vì thu nhập không đủ trang trải đã tăng đột biến. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 ở Hàn Quốc, con số này đã tăng lên mức kỷ lục là 1,2 triệu người, tăng 55% so với 1 năm trước và hơn gấp đôi so với năm 2015. Đến quý III, số lượng người thuộc nhóm này đã giảm nhẹ xuống còn 1,1 triệu.
Yi Junga – nhà nghiên cứu tại Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, cho biết: "Tình trạng này cho thấy họ cảm thấy thu nhập hiện tại là không đủ. Dường như có nhiều người chuyển từ việc làm toàn thời gian sang làm nhiều công việc bán thời gian."
Dù số lượng người có công việc thứ 2 tại Hàn Quốc không nhiều như Mỹ hay Canada, nhưng các cuộc thăm dò ý kiến riêng cho thấy người lao động nước này ngày càng quan tâm đến công việc "tạm thời" (gig) – làm việc tự do hoặc đảm nhận một công việc khác bên cạnh công việc toàn thời gian.
Theo cuộc thăm dò ý kiến của 642 người lao động của cổng thông tin việc làm JobKorea vào tháng trước, 84% cho biết họ quan tâm đến công việc thứ 2. Một cuộc thăm dò ý kiến khác với 1.599 người tham gia của Incruit cho thấy, 13,5% người được hỏi có công việc phụ, trong khi 35,7% khác cho biết họ đang cân nhắc về việc có thêm một nghề khác. Hiện tại, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu sử dụng từ "N-job" để nói về người có nhiều công việc.
Dù mối quan tâm ở mức cao, nhưng việc tìm kiếm vị trí trong nền kinh tế "tạm bợ" cũng có nhiều trở ngại trong thời kỳ đại dịch. Số lượng người có công việc phụ đã đạt đỉnh vào năm 2019, với 470.000 người có thu nhập ngoài công việc chính. Con số này đã giảm xuống còn 430.000 trong 9 tháng đầu năm 2020, chỉ chiếm 1,6% lực lượng lao động Hàn Quốc.
Khi 1 nhóm phát triển quốc tế hủy lời mời làm việc với lý do đại dịch, Lee Heeju – họa sĩ vẽ tranh minh họa 3D, bắt đầu tham gia các lớp học và chị được giới thiệu cơ hội làm công việc phụ. Sau khi cho con gái đi ngủ, Heeju đã dành 1 hoặc 2 giờ để viết e-book với nội dung mẹo mua nhà cho các cặp vợ chồng trẻ. Chị bán sách dưới dạng PDF với giá 12.000 won. Hiện tại, chị đã xuất bản thêm 2 cuốn e-book và đang thực hiện cuốn thứ 3.
Heeju chia sẻ: "Tôi không kiếm được nhiều tiền, chỉ đủ để mua đồ ăn nhẹ cho con." Chị nói, lĩnh vực bán nội dung online dưới dạng PDF khá phổ biến với những người muốn kiếm thêm thu nhập.
Dẫu vậy, lĩnh vực này cũng đầy rẫy cạnh tranh. Heeju nói: "Có những người kiếm được rất nhiều tiền bằng cách liên tục quảng cáo sản phẩm. Tôi đã tham gia 2 lớp học về 2 công việc và quan sát cách mọi người quảng bá sản phẩm. Nhưng lại có rất nhiều người và việc gây được sự chú ý không hề dễ dàng."
Đối với một số rất nhỏ thanh niên Hàn Quốc, làm một công việc tạm bợ lại là nghề nghiệp chính của họ. Khi sếp của Kim Jihyun bắt đầu sa thải nhân viên hồi tháng 4 do doanh thu giảm sút vì đại dịch, cô đã quyết định "nhảy việc".
Jihyun tự giới thiệu mình là một "N-Jobler". Cô gái 24 tuổi từng thức dậy lúc 5 giờ sáng để tìm nguồn hàng, đăng bán sản phẩm trên Amazon và Naver, trả lời thắc mắc của khách hàng. Trước đây, công việc của cô là quảng cáo thương hiệu.
Cô gái chia sẻ: "Tôi đã có kế hoạch này trong 1 thời gian dài trước khi đi làm công việc văn phòng. Nhiều người nghĩ đi làm ở 1 công ty là ổn định, nhưng tôi nghĩ điều đó hoàn toàn ngược lại."