Giám đốc Lazada Logistics: Nếu đặt trung tâm chia chọn xa nội đô thêm 5 km, mỗi ngày mất thêm quãng đường tương đương hai chiều từ Nam ra Bắc

01/12/2022 16:44 PM | Kinh doanh

Trước những bài toán mà ngành logistics thương mại điện tử phải đối mặt, Giám đốc Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh cho biết chỉ cần đặt trung tâm chia chọn hàng hóa xa nội đô TP HCM thêm 5km, công ty sẽ phải chịu những lãng phí vô cùng lớn.

Giám đốc Lazada Logistics: Nếu đặt trung tâm chia chọn xa nội đô thêm 5 km, mỗi ngày mất thêm quãng đường tương đương hai chiều từ Nam ra Bắc - Ảnh 1.

Một trung tâm hàng hóa của Lazada Logistics.

Tại sự kiện chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm Logistics & Kinh tế tuần hoàn” trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam diễn ra cuối tuần trước, Giám đốc Lazada Logistics Vũ Đức Thịnh cho biết có rất nhiều mô hình logistics thương mại điện tử khác nhau.

"Chúng ta có Point-to-Point, Express, hoặc Hub and Spoke - tức là có một trung tâm lớn, đồng thời sau đó có những last-mile hub (trung tâm cho chặng cuối) ở khắp nơi", ông Thịnh chia sẻ.

Mô hình Point-to-Point (P2P) mà ông đề cập là mô hình vận hành kiểu truyền thống - đơn vị giao vận sẽ nhận hàng từ người bán, sau đó giao trực tiếp tới người mua.

Trong khi đó, Hub and Spoke (mô hình trục bánh xe và nan hoa) đang khá thịnh hành. Theo mô hình này, khi người dùng đặt hàng và được xác nhận đơn hàng từ người bán, nhà vận chuyển sẽ nhận hàng từ người bán để đưa đến kho trung tâm (Hub), sau đó chuyển tới khách hàng.

Theo Giám đốc Lazada Logistics, “Fulfillment Center” (trung tâm xử lý và thực hiện đơn hàng) có thể đặt xa được, nhưng “Source Center” (trung tâm chia chọn hàng hóa) về cơ bản phải gần trung tâm nhất.

"Ví dụ với TP HCM. Kho đương nhiên không thể đặt trong trung tâm nội đô, nên phải đặt ngay rìa. Nếu trung tâm đó xa thêm 5 km, mỗi ngày chúng tôi mất quãng đường tương đương từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc ngược lại Nam. Đấy là lãng phí về quãng đường di chuyển", ông Thịnh chỉ ra hậu quả nếu Source Center xa nội đô.

"Như vậy, nói đến trung tâm logistics phải xem xét rất chi tiết về mục đích của trung tâm đó. Lúc đấy mới xác định được vị trí phù hợp nhất cho toàn bộ hệ thống", ông Thịnh rút ra kết luận.

Cũng tại sự kiện, bà Cao Cẩm Linh - Trưởng Ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) nhấn mạnh sự khác nhau giữa trung tâm logistics cho hàng hóa và cho thương mại điện tử.

"Vị trí của 2 loại trung tâm này khác nhau. Trung tâm logistics hàng lớn phục vụ B2B được đặt gần cảng, sân bay và các đường biên giới. Trung tâm logistics cho thương mại điện tử được đặt gần người tiêu dùng cuối cùng, vì đó là hình thức B2C, thậm chí là C2C", bà phát biểu.

Đánh giá chung về ngành logistics tại Việt Nam, ông Thịnh cho rằng lĩnh vực này đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng mang tính rải rác.

"Chính vì rải rác như thế, hiệu quả của logistics chưa thực sự cao. Khi tập trung xây dựng các trung tâm logistics, đi kèm với những trung tâm đó phải là các hệ sinh thái. Bản thân logistics cũng cần một hệ sinh thái cho chính nó, như cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông, phương tiện vận tải, công nghệ thông tin".

"Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, tất cả những yếu tố đó đều cần thiết để giúp logistics hiệu quả hơn. Logistics hiệu quả có thể giúp tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp, qua đó nền kinh tế tiếp tục phát triển, năng lực cạnh tranh của chúng ta càng mạnh hơn", ông Thịnh nêu quan điểm.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM