Giấc mơ Mỹ đang dần khép lại: Từ tháng 10, 1 nửa lượng người nhập cư sẽ bị luật mới từ chối
Luật nhập cư mới đây của Mỹ đã gây nên làn sóng tranh luận trong và ngoài nước này.
Ngay từ khi tranh cử, tổng thống Donald Trump đã biến việc nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp trở thành nền tảng của nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Không chỉ là những bức tường rào chắn biên giới, quy tắc mới được chính quyền Mỹ công bố và chính thức có hiệu lực vào ngày 15 tháng 10 tới đây sẽ khiến hơn 1 nửa số người nhập cư không còn đủ yêu cầu để được chấp nhận thị thực nữa.
Theo đó, quy tắc siết chặt việc nhập cư vào Mỹ của cả diện di dân hợp pháp – những người được bảo lãnh bởi thân nhân hoặc doanh nghiệp.
Dài 837 trang, quy tắc quy định chi tiết những điều kiện để xem xét cấp thẻ xanh cho những người nhập cư. Mục tiêu chính là giảm thiểu những người nghèo, phải nhận hỗ trợ công cộng để sống như: phúc lợi xã hội, tem thực phẩm, nhà ở công cộng và trợ cấp y tế.
Những người muốn xin cư trú (cấp thẻ xanh) phải chứng minh được họ sẽ không trở thành một gánh nặng cho xã hội Mỹ, nghĩa là phải có tài sản, trình độ và kỹ năng làm việc đủ để đạt mức thu nhập cao hơn 250% so với chuẩn nghèo của nước này.
Một gia đình nhập cư 4 người phải chứng minh được họ có mức thu nhập hàng năm đạt từ 64.000 USD thì mới hy vọng có được thẻ xanh, nếu không thì họ phải cam kết không yêu cầu trợ cấp từ chính phủ.
Không chỉ vậy, theo các tổ chức tư vấn cho người nhập cư, con số người nhập cư đã hợp pháp bị tác động bởi quy tắc mới này thực tế có thể lên đến 26 triệu người. Họ có thể bị từ chối thường trú nếu quá phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ.
Nhờ đó, chính quyền của Tổng thống Trump ước tính sẽ tiết kiệm 2,47 tỷ USD hàng năm trong chi tiêu lợi ích công cộng.
Quyền giám đốc Dịch vụ Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ Ken Cuccinelli khẳng định quy tắc này sẽ bảo vệ người nộp thuế Hoa Kỳ.
“Để đảm bảo lợi ích dài hạn cho những người đóng thuế, cần phải bảo đảm hệ thống nhập cư sẽ tiếp nhận những công dân Mỹ là những người 'đứng được trên đôi chân của họ' mà không dựa vào hệ thống phúc lợi xã hội, nhất là khi hệ thống này đã quá mở rộng và tốn kém”, ông Cuccinelli nói.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu năm 2018 của Viện chính sách di cư cho thấy 69% người nhập cư không đạt ít nhất một tiêu chí theo bài kiểm tra tài sản của chính quyền, nhưng trong đó chỉ 39% có một trong những yếu tố tiêu cực nặng nề có thể gây ảnh hưởng xấu đến quốc gia.
"Đạo luật này chỉ nhằm mục đích khiến người nhập cư ngần ngại và lo sợ khi sử dụng các dịch vụ công cộng mà họ xứng đáng được hưởng", Rand – đồng sáng lập nhóm ủng hộ người di cư Boundless, phẫn nộ.
Quy tắc mới được cho là vi phạm Đạo luật di trú và quốc tịch năm 1965. Mục tiêu của chính quyền Trump chỉ là ngăn cản những người nhập cư có hoàn cảnh không khá giả hoặc đến từ những quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ.
Áp dụng quy tắc này cũng được cho là sẽ chia rẽ gia đình, suy yếu luật nhập cư – luôn ưu tiên đoàn tụ gia đình, áp dụng sai mục đích quốc hội về mô tả tự cung tự cấp của người nhập cư, cũng như đi ngược lại với đạo luật SNAP về tem thực phẩm.
"Điều này sẽ dẫn đến việc hàng triệu trẻ em mất khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, nhà ở và dinh dưỡng", bà Kristen Torres, giám đốc Quỹ phúc lợi trẻ em và nhập cư First Focus nói. Không chỉ thế, tình trạng bệnh truyền nhiễm và vô gia cư cũng có nguy cơ gia tăng.
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ dự tính, sẽ có 324.000 hộ gia đình chưa phải là công dân Mỹ từ bỏ hoặc không tham gia các chương trình về phúc lợi xã hội nếu quy tắc này được áp dụng.
Trung tâm luật Di trú quốc gia (NILC) cho biết họ sẽ đệ đơn kiến nghị để ngăn chặn quy tắc có hiệu lực.
Không chỉ thế, bang San Francisco đã kiện chính quyền tổng thống Trump chỉ hai ngày sau khi công bố quy tắc mới. "Một quy tắc bất hợp pháp, và là nỗ lực khác để phỉ báng người nhập cư", luật sự thành phố San Francisco Dennis Herrera nói trong 1 tuyên bố.
Tuy nhiên không phải mới đây, những thay đổi đã được dự báo trước.Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9 năm ngoái, số lượng thị thực bị từ chối có lý do liên quan đến chi phí công cộng tăng gấp 4 lần so với năm trước đó.
Phải nhớ rằng từ trước đến nay nước Mỹ có hệ thống nhập cư tương đối thoáng và coi trọng tình cảm gia đình. Mỗi người nhập cư sau khi trở thành công dân Mỹ có thể đứng ra bảo lãnh cho vợ/chồng, con cái hay anh em Mỹ sinh sống. Tuy nhiên việc này cũng dễ bị lợi dụng khi những người nhập cư theo họ hàng tuy khá giả nhưng vẫn nhờ đến trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, người nhập cư vào Mỹ thì thường không có trình độ học vấn, hoặc bằng cấp chuyên môn không được thừa nhận nên khó kiếm được khoản thu nhập 64.000 USD mỗi năm/ hộ gia đình.
Nước Mỹ đã từng là "thiên đường những người nhập cư"
Có thể thấy, khắc phục lỗ hổng luật pháp như thế nào để không gây xáo trộn xã hội là một bài toán không dễ giải quyết.