Ghé thăm người đàn ông 35 năm đẽo đục khuôn bánh Trung thu ở Hà Nội: Một khuôn gỗ đắt nhất giá 5 triệu
Nghề mộc đã biến chuyển khá nhiều theo cơ chế thị trường thời nay. Đồ nhựa lên ngôi khiến mấy làng nghề còn sót cũng bỏ nghề chạy lấy cái hiện đại. Tại xã Tiền Phong của huyện Thường Tín, Hà Nội, có gia đình người nghệ nhân 35 năm qua vẫn vững tay đẽo đục, giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu truyền thống.
35 năm nay, căn nhà nhỏ ở xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn đều đặn tiếng đẽo, khoan, đục gỗ bất kể ngày đêm. Ở trong xóm làng nghề này, cơ chế thị trường đã thay đổi khá nhiều duy chỉ còn vài nhà còn theo nghiệp thợ mộc. Gia đình bác Trần Văn Bản (53 tuổi) bao năm qua vẫn gắn bó với nghề làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ. Nghề mộc thì làm quanh năm, nhưng mùa Trung thu tại nhà bác Bản chính thức bắt đầu từ tháng 4 Dương lịch.
Mỗi khuôn bánh trung thu bác Bản làm ra có một hình thù khác nhau và phải trải qua nhiều công đoạn, từ xẻ gỗ, xử lý độ ẩm, cắt phôi, bào nhẵn, kẻ mực rồi ngâm mỡ. Có như vậy bánh làm ra sẽ không bị dính. Người nghệ nhân cho hay, ngày xưa cả làng đều làm khuôn bánh, mỗi mùa xuất hàng cả vạn cái. Bây giờ thì kém hơn vì khuôn bánh công nghiệp bằng nhựa đang ngày một phát triển. Thành thử công việc này chỉ đủ cho một người làm, nếu 2 người thì sẽ bị dôi dư lao động.
Được biết, gia đình bác Bản sử dụng gỗ xà cừ - một trong những loại an toàn nhất dùng trong ngành thực phẩm để sản xuất ra khung bánh trung thu. "Gỗ này tự nhà bác trồng lâu năm rồi xẻ ra tấm, cắt ra miếng khô mới làm. Trong nhà còn những cái khuôn trăm năm từ thời ông bà".
Theo như cách làm truyền thống, hầu hết các công đoạn để tạo ra một chiếc khuôn bánh đều được làm bằng tay. Bất kì hình thù gì, chỉ cần khách yêu cầu, gia đình bác Bản đều có thể hoàn thành. Trung bình mỗi chiếc khuôn truyền thống giản dị bề ngoài nhưng cầu kì đến từng chi tiết bên trong mất khoảng 2 tiếng. Cái lâu nhất gia đình bác Bản từng làm phải mất khoảng nửa tháng với giá 5 triệu được tỷ mẩn long ly quy phượng.
Từ khuôn tròn, vuông, hoa văn, mai trúc cúc sen,... đến nhiều cái hình thù đặc biệt, như khuôn oản (để làm xôi lễ đình chùa) thì làm từ một khối gỗ hình nón, xẻ ra, vẽ rồi khắc rồng phượng. Khó nhất là công đoạn tạo hình uyển chuyển, sinh động nhưng phải liền mạch giữa các mảnh ghép.
Bác Bản chia sẻ, chưa khi nào khách hàng phiền lòng về sản phẩm. Hầu hết khách đều gửi hình mẫu yêu cầu cùng kích thước qua điện thoại, bác sẽ theo đó mà làm. Nếu khách chưa ưng ý bác sẽ sửa cho đến khi đạt chuẩn thì thôi.
Thường ngày người nghệ nhân dậy rất sớm, ngồi đến tận đêm nếu trong mùa Trung Thu để kịp hàng khách đặt.
Trung bình giá mỗi chiếc khuôn truyền thống dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng, nhưng vẫn phải cạnh tranh với đồ nhựa bình thường dù nó chỉ mấy chục nghìn một cái.
Để kiểm tra chất lượng của khuôn, người thợ sẽ dùng đất sét ốp vào khuôn như khi làm bánh thật để so sánh. Trong hình là một miếng sét hình mặt người đặc biệt cho một chiếc khuôn đặc biệt.
Đến thời điểm hiện tại, bác Bản không thể ngồi ghế thấp nữa. Bất đắc dĩ vì công việc nên mới phải ngồi. Chừng nào hết đơn Trung Thu, bác sẽ chuyển qua làm mặt hàng khác. Tuy nhiên quá trình sẽ bớt kham khổ hơn mùa lễ rằm tháng 8.
Mỗi năm, gia đình bác Bản làm được khoảng 500-600 chiếc khuôn. Hàng chủ yếu được Nam tiến và không xuất khẩu ra nước ngoài.
Phế phẩm sau khi sản xuất khuôn bánh được dùng làm củi, tránh trường hợp đổ ra môi trường gây ô nhiễm. Mặc dù tất cả các con của bác Bản đã theo nghề khác nhưng họ đều biết làm khuôn bánh Trung Thu.