Founder GotIt: Robot giao tiếp, sáng tạo như con người còn rất xa vời
Thực tế máy tính, trí tuệ nhân tạo mới chỉ giải quyết được một số lĩnh vực nhất định chứ chưa thể thay thế được con người.
TS Trần Việt Hùng, Founder GotIt cho rằng trí tuệ nhân tạo đã tạo ra bước đột phá nhưng nhận định đây là thời đại của robot lại là điều còn rất xa vời.
Trả lời bản tin Dòng chảy của tiền (Truyền hình Quốc hội), ông Hùng cho biết, thực tế máy tính có khả năng tính toán dựa trên số lượng dữ liệu rất lớn để tìm ra quy luật. Khi tìm ra quy luật, nó có thể học được vài ứng dụng vào hoạt động trong đời sống tăng tính hiệu quả.
"Cơ bản chỉ thế thôi. Để robot có thể giao tiếp, có biểu hiện tình cảm hoặc sáng tạo như con người vẫn là một cái gì đó rất xa vời", ông Hùng khẳng định.
TS Trần Việt Hùng.
Trước cảnh báo của ILO về nguy cơ 86% lao động ngành dệt may có thể bị thay bằng máy móc, robot, ông Hùng cho rằng hiện có hai quan điểm.
Quan điểm bi quan lo ngại một ngày máy móc sẽ thay thế hoàn toàn con người,thậm chí hủy diệt con người.
Tuy nhiên, người đứng đầu GotIt nghiêng về quan điểm lạc quan. Robot có thể làm và học được những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, lặp đi lặp lại nhàm chán để con người có thể dành công sức trí tuệ của mình để làm những việc khác tạo ra nhiều giá trị hơn.
Ông Hùng chia sẻ, gần đây trong lĩnh vực trí tuê nhân tạo đã tạo ra bước đột phá như ứng dụng nhận dạng tiếng nói, hình ảnh. Ở Mỹ nhận dạng hình ảnh không chỉ ở dạng tĩnh mà cả ở dạng video. Ví dụ, AI ứng dụng dùng camera thông minh để xem xét ai vi phạm giao thông. Việc hiểu tiếng nói rất khó, nhưng AI có thể hiểu được giao tiếp tự nhiên hoàn toàn bằng giọng nói. "Đây là những ứng dụng nhiều người đặt nhiều hy vọng vào tiềm năng", Founder GotIt chia sẻ. Trong lĩnh vực giáo dục, AI có thể phân tích thông tin để có thể hiểu với mỗi người cách dạy nào là hiệu quả nhất.
Dù vậy, theo ông Hùng, cái gì cũng có hai mặt, AI cũng tương tự. Một ví dụ rất điển hình là với hệ thống nhận diện khuôn mặt bằng video có thể đã vi phạm quyền riêng tư của rất nhiều người, khi luôn có cảm giác bị theo dõi.
Bên cạnh đó, AI được sử dụng bởi những người có mục đích không tốt đẹp cũng rất nguy hiểm. "Thông tin có thể bị lấy trộm, con người bị theo dõi và người xấu có thể hợp tác cùng nhau tạo ra những kết quả rất tệ hại", ông Hùng cảnh báo.
Founder GotIt cho biết vấn đề này hiện nay chưa biết giải quyết thế nào nhưng những người làm trí tuệ cùng đưa ra quy luật để làm theo. Người làm chính sách cũng có thể đưa ra các chính sách để hạn chế trí tuệ nhân tạo sử dụng vào mục đích xấu.
Ông Trần Việt Hùng là Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính của Đại học Iowa, Mỹ. Ông là Founder của GotIt (có trụ sở tại Thung lũng Silicon, Mỹ) - là nền tảng chia sẻ kiến thức theo yêu cầu.