Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025

12/08/2024 09:00 AM | Sống

Thông qua lối tư duy ngược, chị Thúy An nhận thấy, khi thị trường đang biến động sẽ có rất nhiều cơ hội được nhen nhóm và hình thành. Vậy nên sau thời điểm Covid, nhiều người nghĩ tốt nhất nên "án binh bất động", chị Thúy An quyết định mở chuỗi, khai trương cùng lúc 3 cửa hàng và đạt kết quả "vượt mong đợi". Đến nay sau hơn 2 năm, thương hiệu đã "nở rộng" với 30 cửa hàng.

Oatway được biết đến là thương hiệu đồ uống đưa các loại hạt ngũ cốc trở thành món sữa chua - trà sữa từ hạt “không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe” đến với mọi lứa tuổi người tiêu dùng. Thương hiệu chính thức xuất hiện trên thị trường vào cuối năm 2021 và đến nay đã có 30 điểm bán ở các thành phố lớn.

Người đứng sau cũng như đặt những viên gạch đầu tiên, từng bước phát triển Oatway là chị Phạm Thị Thúy An (Founder & CEO của Oatway). Với lối tư duy kinh doanh có nhiều điểm đặc biệt, chị Thúy An đã ươm mầm và nuôi dưỡng Oatway phát triển hơn mỗi ngày theo một cách rất riêng.

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 1.

Nhìn lại thời điểm bắt đầu hành trình tạo nên Oatway, chị đã đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình này như thế nào?

Ý tưởng được hình thành từ khi tôi thai nghén em bé đầu tiên. Khi tôi sinh, bác sĩ khen rằng bé có chiều cao vượt trội, chắc chế độ ăn uống của mẹ đặc biệt. Lúc ấy, tôi mới nhận ra, trong chế độ ăn của mình, tôi cũng như bao bà bầu khác, chỉ khác là sử dụng hạt yến mạch rất nhiều.

Hiểu được giá trị dinh dưỡng và cho sức khỏe của hạt yến mạch, nhưng nếu ăn liên tục sẽ bị ngán, nên tôi muốn muốn phát triển một dòng sữa, xuất phát gốc từ sữa hạt, có hương vị nâng tầm hơn để thay vì phải ăn, phải uống thì chúng ta có tâm lý "được ăn, được uống". 

Tôi chia sẻ mong muốn này với cộng sự và chúng tôi thử mã sản phẩm đầu tiên là sữa chua lên men từ hạt yến mạch. Cộng sự của tôi dành 7 năm để nghiên cứu sản phẩm này. Trong khoảng thời gian 7 năm đó, tôi áp dụng các mã sữa hạt cho các em bé ở trường. Tôi vẫn luôn đồng hành và động viên người cộng sự rằng các em bé tại trường đang uống sữa hạt, bổ trợ thêm cùng sữa bò, các phụ huynh có những phản hồi tốt.

7 năm để “thai nghén” ra một sản phẩm mới, hẳn là rất khó khăn cũng như cần nhiều sự kiên trì của chị và cộng sự?

Trong 7 năm này, lượng sữa không thành công mà chúng tôi phải bỏ đi có lẽ tích thành ao, hồ. Vì sản phẩm hoàn toàn mới, không có sản phẩm khác để so sánh, nên rất khó cho sự đo lường. Đến năm 2019, dòng sản phẩm này chính thức được R&D thành công.

Năm 2013, tôi bắt đầu có ý tưởng, đến năm 2019 mới nghiên cứu thành công, sau đó tôi cho thử nghiệm trên thị trường 2 năm. Mong mỏi của tôi là sản phẩm đã tốt cho sức khỏe thì phải có sức lan tỏa, nhiều người sử dụng nó. Đến tháng 12/2021, tôi chính thức ra thị trường, mở chuỗi luôn. 

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 2.

Được biết, thương hiệu được ra đời trong mùa dịch Covid-19, thời điểm khó khăn với tất cả các thương hiệu, ngành hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp “đóng băng”. Tại sao chị lại lựa chọn ra mắt Oatway vào thời điểm này? Chị tính toán như thế nào cho “nước đi” đầu tiên này?

Tôi là người tính toán kỹ nhưng ra quyết định nhanh bởi trên con đường kinh doanh, ai cũng hiểu rằng, thời thế thị trường sẽ quyết định thành bại của thương hiệu.

Tư duy của tôi với thị trường covid thời điểm đó, ngành F&B đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch. Thông qua lối tư duy ngược, khi thị trường đang có biến động, đồng nghĩa có rất nhiều cơ hội được nhen nhóm và hình thành. Lúc này, ông xã tôi có nói một câu với tôi: “Khi nào sóng nổi, can qua, thì con vua mới đi quét chùa, con sãi ở chùa mới lên làm vua”. Muốn nhảy vào một ngành mới, tôi phải lựa chọn khi biến động như vậy, đây sẽ là cơ hội cho những thương hiệu mới như tôi. Ngay lập tức, tôi đi vào đánh giá tình hình thị trường, nhận định điểm cộng, điểm trừ, kết hợp với thế mạnh sẵn có, tôi hiểu rằng đây là thời điểm cho tôi.

Nhiều người nghĩ, giữa lúc biến động, tốt nhất nên “án binh bất động”, tôi lại bung ra làm chuỗi. Tôi ra quyết định trong vòng 1 tháng, mở 3 cửa hàng đầu tiên, khai trương đồng loạt. Với những thế mạnh về mặt bằng, tâm lý con người tiêu dùng online, sản phẩm tốt cho sức khỏe, tôi hoàn toàn không gặp nhiều khó khăn. Tôi không bao giờ chạy theo đám đông để ra quyết định mà phải đánh giá điều gì là cần cho lúc này. Điểm rơi tôi chọn ra mắt trong thị trường cũng chính nhờ tư duy ngược mà có.

Ưu điểm, thế mạnh khi chị bước vào thị trường lúc này là gì, thưa chị?

Thứ nhất, mặt bằng ở con phố lớn bắt đầu được nhả ra với giá cho thuê rất rẻ. Tôi có thể kiếm được những mặt bằng ở phố lớn với mức giá thuê hữu nghị và chính sách của chủ nhà rất tốt, thoải mái lựa chọn. Tôi chọn 3 góc khác nhau của thành phố với tệp khách hàng khác nhau.

Thứ hai, thời điểm trong và sau covid, mọi người rất quan tâm đến sức khỏe mà sản phẩm này thì dành cho sức khỏe. Tôi muốn lựa thời điểm này để ra chuỗi luôn. Điều này giúp cho tôi định hình mô hình kinh doanh, lựa chọn hướng đi xuyên suốt mô hình nhỏ nhưng nở nhiều, để khách hàng ở nhiều nơi nhất có thể được sử dụng sản phẩm này. Bởi ai khi muốn làm kinh doanh cũng muốn làm lớn, làm to đặc biệt là tâm lý của người làm chuỗi, tuy nhiên sau covid hình thức mua hàng đã thay đổi, chuyển từ… Nắm bắt được tâm lý đó, tôi quyết định làm cửa hàng theo mô hình bán take away.

Chính vì thế, khi bước vào thị trường lúc bấy giờ, tôi không gặp khó khăn, mà tìm được thế mạnh, đưa mô hình phát triển được thống nhất từ khi thành lập đến bây giờ.

Điều gì khiến chị sẵn sàng mở một lúc 3 cửa hàng ngay thời điểm bắt đầu?

Tư duy làm kinh doanh của tôi là cần rút ngắn thời gian, mở túc tắc 1 cửa hàng mang tính chất an toàn không phải cách làm của tôi. Khi kinh doanh, chọn được mặt bằng tốt, giá tốt, tất cả những chỉ số về tài chính trong vận hành hàng tháng được giảm thiểu tối đa, tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu, tôi có thể mở cùng lúc 3 điểm khác nhau.

Mục tiêu là tôi muốn đo khách hàng ở từng điểm, từng mảng khác nhau. Khi mình là một sản phẩm mới, tôi có thể đánh giá 30 món trong menu của tôi đều ngon. Nếu đưa ra với tất cả diện rộng khách hàng ở 3 khu vực khác nhau, ví dụ món A này, cả 3 cửa hàng đều kém tức là món đó có vấn đề, tôi phải loại khỏi menu. Nhưng nếu trong 3 cửa hàng, có 1 cửa hàng luôn có chỉ số không bằng cửa hàng kia, tôi sẽ đánh giá, khoanh vùng đặc thù khách hàng tại cửa hàng đấy là gì. Tại sao những mã hàng này không bằng 2 cơ sở còn lại. Cách này sẽ giúp tôi hình dung về thị trường, hình dung về khách hàng và lựa chọn khách hàng mục tiêu chính xác.

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 3.

Những nguồn lực chị chuẩn bị để đưa ra được các quyết định được nhanh chóng là gì?

May mắn của tôi là có gốc quản lý giáo dục. Tôi luôn lấy con người làm trọng. Mỗi quyết định của tôi đều xoay quanh đội ngũ nhân sự. Với quan điểm mình là người như thế nào, tự khắc mình sẽ thu hút được những nhân sự như vậy. Với vai trò là nhà sáng lập và nhà quản lý, bản thân tôi chính là điểm chốt chặn trong công ty. Bởi vậy, tôi không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, cảm xúc của bản thân.

Nếu tôi là một nhà quản lý 4 điểm thì tôi sẽ không có được những nhân sự trên 5 điểm. Ngược lại, nếu tôi là một nhà quản lý 9,10 điểm, thì tôi sẽ không giữ bên mình những nhân sự dưới 5 điểm, mà phải là những người giỏi, có năng lực.

Đồng thời, năng lượng mình phát ra ngoài xã hội cũng rất quan trọng, là tín hiệu để thu hút nguồn lực đầu tư, nguồn lực con người cùng đồng hành và phát triển. Lúc này, những bước đi của tôi trở nên vững mạnh, phát triển nhanh chóng hơn.

Tôi ví thương hiệu như “mầm cây”, khi còn đang ở dưới đất tôi sẽ nuôi dưỡng cho thật khỏe nhưng khi chạm ngưỡng trồi lên mặt đất rồi, nó sẽ phải lớn nhanh. Tôi làm theo công thức như vậy, giúp tôi có những bước đi chắc từ ban đầu, tỉ lệ ra quyết định sai rất ít.

Giống như nguyên tắc lớn lên của cây tre. Cây tre mất 4 năm chỉ tăng thêm 3cm. Nhưng từ năm thứ 5 trở đi, nó sẽ phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30cm mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để phát triển lên 15m.

Để đạt được thành quả như hiện tại, tôi sẽ không bao giờ quên khoảng thời gian 1 tháng đầu tiên thai nghén chuỗi. Quan điểm của tôi là xử lý nhanh, trên thực tiễn, vì vậy trong 1 tháng kể từ khi cùng lúc ký 3 mặt bằng, chúng tôi có 5 nhân sự, thường nhật làm việc xuyên đêm đến sáng để hoàn thiện. Và câu chào buổi sáng của chúng tôi thường là: “4 giờ 30 sáng rồi em đi ngủ đây”. Đó là hành trình không phải gian khổ mà là cố gắng, quyết tâm đồng lòng của toàn đội ngũ, là nền tảng để tạo ra Oatway hôm nay.

Và khởi đầu vào thời điểm đặc biệt đó cũng như mở cùng lúc 3 cửa hàng có đạt kết quả như chị mong muốn chứ?

Kết quả vượt ngoài mong đợi (cười). Tỉ lệ khách hàng tái mua hàng rất cao, xấp xỉ 88%. Lúc ấy, khách hàng đã ở nhà một thời gian dài sau dịch bệnh, họ có nhu cầu sử dụng những sản phẩm mới, xoa dịu tâm lý. Thực tế, sau khi tôi mở cửa hàng, cửa hàng nào cũng bùng nổ trong năm 2022. Trong năm 2022, chưa có sự lên ngôi của nhiều thương hiệu, với lượng khách hàng biết đến sản phẩm, khiến cho tôi chưa cần marketing nhiều về thương hiệu đã có chỉ số bán đã rất cao.

Không chỉ dừng lại ở đó, điều khiến tôi ấn tượng và bất ngờ hơn rằng tôi đã tiếp nhận hơn 30 khách hàng muốn mua nhượng quyền chỉ sau 3 tháng hoạt động. Động lực nở rộng và phát triển chuỗi của tôi lại lớn hơn bao giờ hết. Lúc này, tôi chính thức thành lập công ty để nghiên cứu và đóng gói sản phẩm “nhượng quyền thương hiệu Oatway”. 

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 4.

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 5.

Là một trong những thương hiệu đầu tiên trên thị trường phát triển dòng sản phẩm Sữa chua và Trà sữa từ hạt, chọn lối đi riêng, áp lực cạnh tranh của Oatway sẽ không quá lớn?

Đúng vậy. Nhiều người hỏi, đối thủ cạnh tranh của tôi là ai hay thương hiệu nào tương tự như vậy, tôi hoan hỉ chia sẻ rằng, đối thủ cạnh tranh trực tiếp là không có. Tôi gọi những thương hiệu đồ uống khác trên thị trường thương hiệu đồng hành trong mảng F&B.

Tôi lại chịu áp lực cao hơn. Là“người đi trước”, tiên phong, dẫn đầu và educate thị trường chưa bao giờ là dễ dàng. Với dòng sản phẩm mới, thị trường chưa hiểu nhiều về sản phẩm, mức độ phủ sóng và nở rộng không nhanh như các sản phẩm được mọi người biết tới.

Với những khách hàng đã từng sử dụng, họ đánh giá sản phẩm ngon về vị giác. Nhưng với tôi, việc khách hàng đánh giá sản phẩm ngon là chưa đủ. Tôi cần khách hàng hiểu được giá trị sức khỏe trong mỗi ly sản phẩm. Vì vậy, tôi áp lực lên chính mình và công ty của mình để truyền tải thông tin, marketing, truyền thông đến khách hàng hiểu hết những giá trị đó.

Năm 2023, dù thời kỳ kinh tế khủng hoảng, có những thương hiệu đồ uống khác có mức độ phủ sóng hơn, đây cũng là một trong những thách thức của Oatway. Tuy nhiên, với quan điểm sống cá nhân hay phát triển công ty, tôi luôn quan niệm chúng tôi của ngày hôm nay phải luôn tốt hơn chính mình ngày hôm qua.

Đâu là đặc điểm tạo nên điểm nhấn, lợi thế cạnh tranh của Oatway so với các thương hiệu tương tự trên thị trường, thưa chị?

Chúng tôi có điểm nhấn về sản phẩm. Vào thời hoàng kim của trà sữa, cách đây khoảng 10 năm, thương hiệu trà sữa nào xuất hiện trên thị trường đều gần như là thắng. Với thị trường đã bão hòa rồi, sản phẩm của tôi khác hoàn toàn, khiến cho khách hàng của tôi nhận ra sản phẩm với vị giác khác.

Với những khách hàng đã biết được giá trị của sản phẩm, họ sẽ gắn bó rất lâu. Với những khách hàng khác, mình phải educate cho họ để họ hiểu được. Vừa là điểm cộng rất lớn vừa là điểm thách thức rất lớn. Đó cũng là điểm lợi thế cạnh tranh.

Ngoài niềm tự hào về sản phẩm, chúng tôi có thêm niềm tự hào về mô hình nhượng quyền tinh gọn. Nay có thể gọi là một sản phẩm nhượng quyền rất tối ưu, giúp chủ đầu tư rảnh tay khi mọi khâu vận hành cửa hàng đã được chúng tôi đóng gói tinh gọn, bài bản. Ví dụ như sử dụng 100% phần mềm trong quản lý vận hành, thành công với mô hình cửa hàng không nước cấp, nước thoát giúp chủ đầu tư tối ưu được vị trí và tiền thuê mặt bằng.

Khi các chỉ số đầu vào đều giảm, đó là lợi thế giúp các chủ đầu tư mua nhượng quyền sớm thu hồi vốn và thành công với mô hình này.

Theo chị, đồ uống healthy, liệu có đang và sẽ là “mỏ vàng” trên thị trường F&B?

Chắc chắn là mỏ vàng. Với nền kinh tế tăng trưởng, nhóm khách hàng có điều kiện kinh tế ở bậc trung lưu rất cao, họ sẽ quay sang quan tâm đến sức khỏe. Các bạn nhỏ bây giờ đã được giáo dục mỗi đồ ăn, thức uống nạp vào, các con sẽ biết được chỉ số calo, dinh dưỡng. Các bạn Gen Z khi cầm đồ uống đã bắt đầu đọc chỉ số. Đây là một điều đáng mừng cho tương lai tiêu dùng sau này.

Không chỉ là đồ uống, tất cả thực phẩm khác về sức khỏe trong thời gian tới đây đều sẽ là sản phẩm của thời đại. Có một bản báo cáo nghiên cứu thị trường đánh giá về mức độ mong cầu của giới trẻ với những sản phẩm trong tương lai, trên 80% khách hàng trẻ mong cầu trong 5 năm tới trà sữa sẽ có lợi cho sức khỏe hơn. Tôi vẫn luôn hiểu rằng thức uống của chúng tôi là thức uống của tương lai và chúng tôi sẽ cố gắng để chạm tương lai đó sớm nhất.

Khi tạo ra dòng sản phẩm này, tâm niệm duy nhất của tôi là mang đến điều gì đó cho cộng đồng. Tôi quan niệm trong kinh doanh rằng, thành phẩm, kết quả khi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình như thế nào, chính là kết quả của mình sau này. Nếu họ tiêu dùng sản phẩm của mình, phần nào bổ trợ cho sức khỏe của họ thì cũng chính là phước báu tôi được nhận về khi đã gieo đi những nhân tốt.

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 6.

Dù ra đời vào thời điểm đặc biệt, sản phẩm có nhiều khác biệt, nhưng được biết, Oatway "chưa có tháng nào phải bù lỗ". Chị đã làm được điều này như thế nào?

Quan điểm kinh doanh của tôi là phải thắng ngay từ khi bước chân vào. Để dễ hình dung hơn, như mua bất động sản, có những người mua bất động sản để chờ tương lai, 1-2 năm nữa khu này sẽ phát triển tốt hơn. Nếu họ phải dùng dòng tiền, đòn bẩy, vay vốn để kinh doanh như vậy sẽ rủi ro. Còn tư duy của tôi là phải nhìn được thị trường, lựa chọn cách đi làm sao để thắng ngay từ lúc tôi đặt chân tới.

Làm thế nào để tôi không phải bù lỗ là tổng hòa của nhiều yếu tố. Đó là một mô hình tinh gọn từ bước khởi đầu, chi phí đầu tư không quá lớn. Nhờ lối tư duy như vậy, tôi giữ vững quan điểm hình thành chuỗi từ ban đầu. Tôi chọn mặt bằng với giá nhà thuê rẻ, làm điểm bán tinh gọn. Tối ưu từ công thức pha chế đến các bước vận hành khiến mô hình được tối ưu hóa về nhân sự. Tổng hòa những yếu tố đó khiến mô hình cửa hàng Oatway dễ dàng thành công về chỉ số tài chính.

Oatway hiện nay có trên 30 cửa hàng ở khắp cả nước. Vậy bài toán đặt ra là làm thế nào vận hành tốt chuỗi, quản lý chất lượng sản phẩm đồng đều giữa các cơ sở, chị đã giải bài toán này như thế nào?

Với việc phát triển nhượng quyền, để quản lý được mã đồ uống của mình đồng bộ luôn là thách thức của tất cả các chuỗi. Khi quản lý chuỗi, bản chất về sản phẩm đầu ra là quan trọng nhất.

Để giải quyết được bài toán này, tôi đánh giá lại từ gốc, đầu ra sản phẩm không đồng đều thì phải giải quyết bài toán đầu vào. Đầu vào của chúng tôi có 2 dòng sản phẩm chính nhất, sữa chua và trà sữa từ hạt. Sữa chua tôi đã xuất từ xưởng đi, trà sữa thì pha chế tại cửa hàng.

Một giai đoạn tôi cũng phải giải quyết việc bất đồng đều các mã trà sữa này. Ban đầu chúng tôi có đến chục mã trà sữa, qua đi kiểm tra hàng tuần, hàng kỳ, dù có nỗ lực thế nào thì vẫn có sự bất đồng đều nhất định. Về sau, tôi cắt hết tất cả mã đồ uống dễ để các nhân viên pha lệch tỉ lệ, khiến không đồng đều. Thứ hai là không áp dụng những mã đồ uống có công đoạn pha chế rườm rà.

Sản phẩm khi test ở phòng R&D, tôi sẽ hỏi là nhân viên phải xử lý bao nhiêu bước mới ra được ly này, tất cả những sản phẩm phải tốn 7-10 bước để pha tôi đều gạt đi hết. Yêu cầu cho phòng R&D là ra sản phẩm ngon, đảm bảo chất lượng. nhưng phải dễ vận hành. Và trong khoảng 6 tháng gần đây thì chúng tôi không gặp trường hợp này nữa, sản phẩm pha chế đều đồng đều.

Sau khoảng 1 năm, Oatway bắt đầu cho nhượng quyền. Đâu là lý do chị đưa ra quyết định này?

Xuất hiện trên thị trường 1 năm 3 tháng, tôi mới chính thức cho nhượng quyền. Lý do là có nhiều khách hàng thiết tha. Tôi đánh giá rằng, mình muốn nở rộng nhưng vốn của mình có hạn, nếu chỉ dựa vào vốn công ty và dòng tiền tái quay vòng thì sẽ chậm. Tôi muốn nhiều người có chung tay hơn. Khách hàng nhượng quyền họ biết được giá trị sản phẩm, họ chung tay với mình lan tỏa giá trị sản phẩm thì mình cảm giác “đã hơn”, hạnh phúc hơn so với việc đi một mình. 

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 7.

Hiện tại, với gần 3 năm phát triển, Oatway đã có những thành tựu như thế nào?

Trong năm nay 2024, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến thương hiệu. Chúng tôi có thêm những đối tác là chuỗi trên thị trường, họ có tỉ lệ điểm bán rộng, tệp khách hàng tương đồng, quan tâm và đặt vấn đề hợp tác để cùng hỗ trợ.

Với mô hình tinh gọn mà tôi đã chia sẻ phái trên, chúng tôi có thể mở được các điểm bán dưới sảnh của các tòa chung cư, văn phòng, đại học, bệnh viện và các chuỗi mẹ, … Với kệ quầy 6m2, mặt bằng tối ưu ở mức rẻ nhưng thuận tiện và đắc địa. 

Oatway sẽ thực hiện những bước tiến nào tiếp theo để mở rộng ra các tỉnh thành trong thời gian tới cũng như “vươn tầm thế giới” hay bắt tay với các ông lớn?

Kế hoạch này được đặt ra từ năm ngoái. Có nhiều khách hàng nước ngoài thích sản phẩm Oatway và đặt vấn đề hợp tác, nhờ đó tôi nhận ra sản phẩm Oatway mang vị giác quốc tế. Tuy nhiên ở thời điểm đó, tôi muốn mình vững mạnh với nội tại bên trong trước khi phát triển ra bên ngoài.

Trong 1-2 năm nữa, đường dài sau này, nhu cầu của Oatway là vươn ra quốc tế nhiều và sẽ bán nhượng quyền theo cụm. Thậm chí, chính nhân sự quản lý ở xưởng tôi cũng đang nhân rộng để họ có thể quản lý các cửa hàng ở nước ngoài trong thời gian tới.

Mục tiêu chị đặt ra cho Oatway trong thời gian tới là gì?

Kinh doanh “thời thế thị trường” thế nào mình không đoán trước được. Nếu từ tháng 3 đến tháng 10 năm ngoái tình hình nhượng quyền rất tốt, đầu năm nay thị trường bị chững hoàn toàn. Tôi vẫn quẩn quanh cách thức làm cũ, tôi sẽ thất bại. Tôi phải thích ứng được theo thị trường. Và những mô hình Oatway được đóng gói mới, chính là sự khéo léo, ứng biến để thích với thị trường của chúng tôi.

Khi một người có khả năng thích nghi tốt, dù điều gì xảy ra họ vẫn lạc quan, bình tĩnh, họ không bị đi theo lối mòn cứng nhắc. Tôi cũng ứng biến mô hình kinh doanh như vậy. Dù thị trường có khó khăn, mỗi cửa hàng vẫn đang có tình trạng kinh doanh tốt.

Tôi đặt định hướng phát triển đạt 600 điểm bán vào năm sau. Mục tiêu từ nay đến cuối năm là 100 điểm, trong năm sau là 500 điểm. 

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 8.

Trong quá trình khởi nghiệp này, ai là người truyền cảm hứng đến chị nhất?

Tôi là người luôn phải tự truyền cảm hứng cho mình. Yếu tố nhân quả trong kinh doanh tôi chọn, tôi muốn vượt qua những ngọn núi, chạm chưỡng đến đam mê của tôi về cảm xúc và con người. Đầu ra là tạo giá trị gì đó cho cuộc sống. Tôi luôn tạo cảm hứng cho mình: “Tôi may mắn được sống trong cuộc sống này thì phải làm gì để cuộc sống này của tôi luôn ý nghĩa”. Dù có thể tôi mở ra một mô hình thất bại về mặt kinh doanh nhưng phải luôn đúng về mặt đạo đức. Từ những bài học có trải nghiệm tốt hơn trong việc làm kinh doanh.

Những sản phẩm trải qua tay của tôi làm kinh doanh đều phải là sản phẩm có giá trị đối với người khác. Với kim chỉ nam như vậy, tôi luôn biết sáng tỏ mình cần làm gì và cố gắng làm gì, biết rõ ranh giới giữa đúng và sai để ra quyết định.

Với nhân sự đang bán hàng trong hệ thống, tôi luôn chia sẻ rằng: “Mong rằng các em cảm thấy tự hào khi làm ở đây, cảm thấy yên tâm khi các em được nhìn thấy từng sản phẩm tự tay pha chế cho khách hàng có ý nghĩa với sức khỏe”. Tôi luôn là người hướng đến nhân quả cuối cùng vì vậy luôn chú trọng xây dựng từ gốc và gốc của Oatway chính là sức khỏe khách hàng, sản phẩm tốt, hệ thống con người trong chuỗi cung ứng của chúng tôi.

Bên cạnh bài toán kinh doanh, việc quản trị của chị có gặp nhiều khó khăn?

Chỉ cần 7 tháng, công ty đã tự vận hành êm ru, tôi không còn can thiệp. Quan điểm của tôi là mọi bộ máy, cách thức, đừng bao giờ để phải phụ thuộc vào một cá nhân nào.

Tôi xây được một bộ máy nhân sự kế cận. Khi các bạn thấy ở đây đủ yên tâm, an toàn. Tôi tôn trọng nhân viên ở mọi vai trò. Ngày tôi đi làm thuê, tôi cũng là một người mẹ, một người vợ có “n” các vai trò. Nếu là một người sếp tâm lý, tôi sẽ tạo ra một môi trường có thể làm tròn trịa các vai trò đó. Đừng chỉ ích kỷ nghĩ rằng họ phải cống hiến toàn bộ sức lực của họ cho công ty này. Rất nhiều nhân viên trong tình cảnh 5, 6 giờ chưa dám đứng lên về, khi chưa thấy sếp về.

Tôi thường nói với nhân sự trong công ty rằng, hết giờ làm việc, tôi xin mời các bạn đi về, tôi không cần các bạn ở lại đây khi tâm trí của các bạn đang ở trường mầm non vì đến giờ đón con hay ở bữa cơm gia đình… Các bạn có làm thêm giờ cũng không hiệu quả. Bù lại, tôi chỉ cho các bạn đúng khoảng thời gian 8 tiếng, dồn hết tâm sức công việc, tự khắc hiệu quả công việc của nhân sự đẩy lên tối đa. 

Founder chuỗi đồ uống từ hạt Oatway: Áp dụng ‘Tư duy ngược’, mở một lúc 3 cửa hàng giữa lúc biến động sau Covid, phủ 30 cửa hàng sau hơn 2 năm và “giấc mơ” 600 điểm bán vào 2025- Ảnh 9.

Với những điều đã trải qua, chị rút ra những yếu tố giúp chị lèo lái Oatway phát triển như hiện tại?

Điều đầu tiên là cần nhận định Mình là ai. Nếu mình coi mình như những thương hiệu khác, thị trường đã trũng rồi thì mình sẽ thua. Khi mình biết mình là ai, sản phẩm tốt cho sức khỏe, thì mình cứ hiên ngang bước đi.

Yếu tố thứ hai là Dám làm. Bất cứ ai muốn bước chân vào kinh doanh thì dám là yếu tố cần thiết và đầu tiên.

Thứ ba, qua những điều tôi đã làm, có một lời khuyên quan trọng, để thành công được trong thương hiệu thì Làm một bước thì phải nghĩ đến 5-7 bước. Đây là vấn đề nằm ở tư duy sâu của mình. Tôi luôn đặt câu hỏi: “Tận cùng của OatWay sẽ về đâu”, sẽ là thương hiệu đồ uống F&B tồn tại trên thị trường vài năm hay là thương hiệu có tính đường dài đồng hành với sức khỏe của người tiêu dùng? Trả lời được câu hỏi đó, tôi sẽ gắn được sản phẩm của mình trở thành sản phẩm quốc dân. Bằng cách khoanh vùng và luôn hiểu mục tiêu mình hướng tới, tôi vững tin trong việc chèo lái con tàu Oatway.

Có một câu nói tôi rất thích: “Dù có khó khăn đến mấy đi nữa, rồi cũng sẽ qua. Trước khi ông trời cho ai quà, thường sẽ cho thử thách”. Khi mình thấy khó khăn quá, hãy nhớ đến, trước mặt mình, đang treo một hộp quà nhé! (cười). 

Cảm ơn chị vì buổi trò chuyện thú vị!

Bài viết: Minh Nguyệt - Thiết kế: Hải An

Cùng chuyên mục
XEM