Vân Anh Scarlet - Chủ doanh nghiệp thời trang VAS và VAD: Đánh vào thị trường NGÁCH của NGÁCH, khởi đầu ‘chẳng có gì trong tay’ vẫn vận hành được nhờ bí quyết ‘XIN NỢ’
Khởi đầu bằng 2 bàn tay trắng, Vân Anh Scarlet vẫn lựa chọn đánh thẳng vào sản xuất, tập trung vào thị trường “ngách của ngách”. Sau gần 1 thập kỷ khởi nghiệp, chị đã xây dựng được hệ thống showroom trên những phố trung tâm tại các thành phố lớn.
Nhà thiết kế (NTK) Vân Anh Scarlet – Founder hai thương hiệu thời trang VAS và VAD là cái tên quen thuộc trong làng thời trang với các sản phẩm mang phong cách quyến rũ và cá tính. Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2015, năm 24 tuổi, sau gần 10 năm, Vân Anh Scarlet đã xây dựng được hệ thống với 10 showroom trên những con phố trung tâm tại các thành phố lớn. Và hành trình Vân Anh Scarlet tạo dựng nên “cơ nghiệp” của mình bắt đầu từ con số 0.
Trong vài năm trở lại đây, kinh tế suy thoái ảnh hưởng không nhỏ tới mọi ngành nghề. Địa hạt thời trang của chị có bị ảnh hưởng ít nhiều không ạ?
2023 là một năm thị trường kinh doanh khó khăn, gặp nhiều vấn đề mới. Năm vừa rồi, ai vượt qua và trụ vững được, thật sự rất giỏi và may mắn. Cục diện thị trường thay đổi cũng khiến tôi thay đổi cách làm việc, thay đổi toàn bộ mô hình cũ, tập trung vào E-commerce, online và thị trường nước ngoài nhiều hơn. Tôi làm fashion show, thay đổi thương hiệu, mở ra các nhãn mới và chia nhỏ các nhãn con.
Tôi được nhiều về trải nghiệm kinh doanh, kinh nghiệm để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khủng hoảng. Cái mất thì về doanh thu, tài chính không được như những năm trước vì những sự kiện như đại dịch, suy thoái… là cú sốc lớn rồi. Theo tôi, doanh nghiệp mà trải qua và tồn tại được sau 4 năm vừa rồi thì sức sống sẽ rất mạnh mẽ về sau.
Tua lại gần 10 năm trước, năm 2015, chị bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp thời trang của mình như thế nào?
Thời điểm đầu, tôi nhìn nhận thị trường tương đối tốt và đưa ra dòng sản phẩm phù hợp. Tôi nhận thấy các bạn nữ thiếu đồ tiệc, form dáng đẹp nên quyết định đánh vào thị trường “ngách của ngách” này. Chính vì vậy, sự cạnh tranh khá ít, các bạn quốc tế cũng yêu thích yêu thích. Lúc ấy, MXH chưa quá phổ biến, độ phủ sóng chưa được cao nhưng thương hiệu của tôi cũng là một trong những thương hiệu mà các bạn ở nước ngoài ghé qua nhiều. Hồi mới mở, dòng hàng rất phù hợp với các bạn Âu Mỹ, Đông Nam Á hoặc Châu Á, nên chúng tôi nhận được sự đón nhận rất nhiều.
Tôi đặt cửa hàng ở trên phố lớn, thuận tiện, tôi coi đây là một cách làm thương hiệu. Hồi ấy những thương hiệu ở trên phố lớn được đánh giá cao, tệp khách hàng cũng chịu chi trả số tiền lớn. Tôi khá liều vì khởi nghiệp bằng 2 bàn tay trắng nhưng cũng dám mở một cửa hàng ở Phố Huế. Tôi chọn diện tích nhỏ nhưng có địa chỉ thuận tiện cả về giao thông, lẫn truyền thông.
Tôi tự vận hành mọi thứ, tự đứng bán hàng, tự làm mẫu chụp, khách đặt thì mình tự đi xe máy ship hàng, làm từ A đến Z. Đây cũng là một cách tích lũy kiến thức của tôi. Tôi cũng có nền tảng về nghệ thuật từ khi còn nhỏ. Lúc mới mở ra tôi đã thành công, gần như không gặp bất kỳ biến cố nào.
Sự thuận lợi ngay từ bước khởi đầu của chị được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa chị?
Khi tôi mới mở, thương hiệu đã rất được các bạn trẻ yêu thích. Sau này, nhiều đối tác mở showroom của Vân Anh Scarlet ở nước ngoài, Indonesia, Trung Quốc… Mãi sau dịch bị ảnh hưởng thì họ mới phải đóng store nhưng trước đấy thì phát triển rất rực rỡ.
Chị bắt đầu khởi nghiệp với số vốn bao nhiêu? Và đi qua những khó khăn gì?
Số vốn không đến 200 triệu. Lúc tôi thuê nhà cũng không tính quá xa vì mình tự sơn, tự sửa, tự làm và nhờ các bạn phụ giúp. Còn mảng thương hiệu cá nhân, tôi đã chuẩn bị cho mình một nhân hiệu tốt. Gần năm cuối ĐH tôi đã chuẩn bị cho mô hình kinh doanh này rồi. Tôi xác định năm thứ 4 là tôi sẽ chuẩn bị chiến lược cho bản thân mình. Xây dựng Facebook tốt, Instagram tốt một nền tảng MXH tốt để mình có thể bán thông qua đấy. Hồi đấy không có khái niệm về marketing mà chỉ đọc sách nhiều, đưa ra chiến lược tốt. Cũng may đó là chiến lược đúng đắn.
Để mà nói khó khăn cách đây 10 năm quá nhiều đến nỗi mình không thể nhớ được. Khó khăn đến hàng ngày, từ khách hàng, cửa hàng, nhượng quyền… Trong kinh doanh, 10 năm đầu rất khó khăn. Với tôi, những doanh nghiệp 10 hay 50 năm vẫn là start up. Đôi khi chỉ qua một cuộc đại dịch hay khủng hoảng, tất cả mọi thứ đều có thể quay trở lại về vị trí ban đầu.
Giống như tôi bây giờ, như làm start-up, làm lại từ đầu luôn. Tất cả mọi thứ đều quay trở lại bước như ngày xưa. Tôi sẽ sẵn sàng làm những cái mới hơn, thay đổi bộ máy nhân sự, làm những thứ tái định vị, tái tạo lại thương hiệu của mình.
Tâm thế của chị bây giờ khác gì với 10 năm trước?
Tâm thế của tôi vẫn như thuở ban đầu, thậm chí là còn “máu chiến” hơn. Tôi là con một, sinh ra trong gia đình rất nghèo nên tôi nghĩ là mình có năng lượng, ý chí mạnh mẽ. Tôi cũng vẫn còn trẻ, vẫn “xông pha” làm lại được.
Có vẻ như, chị có một vạch xuất phát vô cùng khó khăn?
Nhà tôi thật sự rất nghèo. Năm cấp 2,3, tôi cùng gia đình đi thuê nhà tranh, vách đất. Tôi phải ở nhờ nhà bác mấy năm cấp 3. Ngày tôi đi học Đại học, họ hàng góp tiền mỗi người 100.000 VNĐ - 200.000 VNĐ để cho tôi đi học. Bước chân lên Hà Nội, tôi chỉ có đúng 1 cái gối và vali mà còn sợ người ta lấy cắp (cười).
Đi học Đại học, tôi không có máy tính, chuyển nhà liên miên, đi bộ một đoạn đường dài để đến trường… Nhưng tôi quá quen rồi vì hồi nhỏ tôi còn vất vả hơn nhiều. Đến kỳ 2 năm thứ nhất Đại học, tôi bắt đầu mon men đi tìm việc. Tôi nghĩ là bây giờ phải làm gì để kiếm được nhiều tiền.
Thế lúc ấy, chị đã làm gì để kiếm được nhiều tiền và có tiền khởi nghiệp?
Tôi đã đi làm rất nhiều nghề để kiếm tiền và xác định sau này sẽ làm chủ doanh nghiệp. Tính cách của tôi cũng khá là năng động. Tôi nói ngọng, nhưng quyết tâm sửa và đi làm MC. Tôi không biết tiếng Anh nhưng dám hát tiếng Anh ở phòng trà. Tôi đóng phim sitcom, làm mẫu ảnh… rất nhiều nghề để có tiền. Tôi đi làm rất nhiều, có ngày làm MC liên tục từ 6h sáng đến 12h đêm, chụp đến hàng trăm sản phẩm. Sau đó, tài chính của tôi cũng khá dư dả, tiền học bố mẹ không phải lo cho nữa.
Giờ ngẫm lại, nếu tôi sinh ra trong một gia đình có điều kiện, ăn sung mặc sướng, chưa chắc tôi đã là người như bây giờ. Cuộc sống cho tôi điểm xuất phát như vậy, nếu tự ti nghĩ mình là dân tỉnh lẻ, không thể nào mua nhà Hà Nội, làm nọ làm kia được thì chắc chắn tôi chẳng làm được gì cả.
Hồi ấy, dù đang đi bộ nhưng tôi đã nói với các bạn là sau này mình chỉ đi ô tô, không đi xe máy. Tôi cũng bảo sau này không làm nhân viên mà phải làm chủ. Và sau khi ra trường, tôi không mua xe máy mà mua ô tô luôn. Tôi mạnh mẽ từ nhỏ nên chẳng sợ gì cả.
Động lực nào giúp chị có thể làm được những điều như vậy?
Do nghèo đấy! Khi quá nghèo, mình sẽ có một động lực rất mạnh mẽ. Thế hệ bây giờ sức chịu đựng, tâm lý, có thể các bạn trẻ bây giờ rất giỏi về idea, sáng tạo, những cái mới nhưng sự lì đòn của các bạn không được như 8X 9X. Vì họ trải qua những khó khăn từ nhỏ, sức mạnh về tâm hồn mạnh mẽ hơn nhiều.
Xét cho cùng, với riêng tôi, khó khăn chính là món quà. Tôi nói là làm vì tiền nhưng tôi không đam mê vật chất. Quanh năm suốt tháng tôi chỉ mặc đồ do tôi sản xuất, tôi cũng không có nhu cầu đi du lịch hay đi chơi, chỉ có nhu cầu ở nhà nấu cơm, rửa bát… Kinh doanh, trước mắt là lo cho cuộc sống của tôi và gia đình, sau này trở thành đam mê. Tôi dùng nhiều tiền để trải nghiệm các lĩnh vực khác.
Thị trường thời trang, có rất nhiều người đến rồi đi, chị và VAS đã làm như thế nào để trụ vững đến thời điểm hiện tại?
Yếu tố quan trọng nhất là chất lượng và mẫu mã. Tôi luôn học hỏi những cách làm mới. Chất lượng được mình đầu tư rất kỹ. Bản thân là người đi lên từ nhân hiệu. Là con dao 2 lưỡi. Nếu thương hiệu có vấn đề gì, mình cũng ảnh hưởng. Thế nên tôi tập trung vào chất lượng đầu tiên đã.
Khi tập trung vào chất lượng trước thì lợi nhuận để sau cùng, chỉ đủ để duy trì. Ai cũng muốn mình có lợi nhuận cao nhưng khi mình quá cầu toàn về chất lượng. Biên độ lợi nhuận của bên tôi rất thấp. Đây cũng không phải giai đoạn duy trì lợi nhuận cao mà là duy trì và phát triển. Tôi muốn nhiều người thích dòng hàng của mình hơn, biết đến, chất lượng tốt thì sau này tạo được hệ sinh thái tốt.
Ngay từ đầu mở, tôi đã xác định được giai đoạn 10 năm là giai đoạn tôi xây dựng từ thương hiệu, bộ máy, nhân hiệu, không quá tập trung vào lợi nhuận. Có những sản phẩm biên độ lợi nhuận thấp hoặc bán bằng giá sản xuất. Để khách hàng dùng và tin vào sản phẩm của mình. Khi mà mình có niềm tin thì mình sẽ kinh doanh hơn. Giai đoạn này duy trì, giữ chân được thợ giỏi.
Chọn thị trường ngách, bắt đầu với số vốn ít nhưng chị chọn đánh thẳng vào sản xuất. Lý do khiến chị quyết định như vậy?
Điểm mạnh của tôi không phải là nhập hàng. Điểm mạnh của tôi là thiết kế. Tôi muốn sử dụng sự sáng tạo, chất xám của mình đúng. Thị trường hàng nhập lúc ấy mọi người đã làm rất tốt rồi, mình cũng không biết cách chen chân vào. Với tôi, thời trang thiết kế là lâu dài, sự nghiệp bền vững của mình và mình có thể đi xa hơn trong lĩnh vực này.
Tôi không biết về sản xuất quy mô lớn nên phải học. Sản xuất dòng hàng của tôi là dòng hàng thị trường ngách, đường may, chất liệu… khó hơn các sản phẩm thông thường nên việc sản xuất lại càng khó khăn hơn. Một khi quyết tâm làm thì mọi việc sẽ mở ra, những người thợ giỏi cũng xuất hiện.
Mới đầu, tôi đàm phán với các nhà xưởng cho mình nợ tiền hàng vì chỉ đủ tiền thuê cửa hàng và sửa chữa. Mỗi người cho nợ một ít lại thành nhiều. Xưởng anh chị cho nợ cuối tháng em trả. Mình đi đàm phán, bảo người ta kết hợp cùng mình.
Được biết, chị từng chia sẻ, chị rất khó tuyển những người thợ giỏi, thợ trẻ? Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
Khi xã hội càng phát triển, bố mẹ luôn muốn con làm công việc văn phòng. Nhưng trả lại câu hỏi, ai cũng làm văn phòng thì ai làm tay chân? Những người thợ làm tay chân bây giờ rất hiếm. Ở các nước phát triển những người làm tay chân lương rất cao.
Tôi có một tôn chỉ là lúc nào cũng đề cao những người thợ, ngành may, đưa hình ảnh những người thợ làm cho mình lên hàng đầu. Công ty chúng tôi xuất phát từ việc phát triển ngành may, tư duy của mình, sự yêu mến vì nghề này cho mình quá nhiều sự may mắn, ưu ái. Mình cũng phải làm gì để trả được nghiệp. Trong những campaign của tôi, đều đẩy những người phụ nữ phía sau ngành may lên, họ là những tạo ra sản phẩm, giúp ý tưởng của tôi thành hiện thực.
Tôi cũng muốn các bạn trẻ đam mê ngày này sẽ theo học ngành này. Những người làm thợ may lành nghề lương chắc chắn sẽ cao hơn người làm văn phòng thông thường. Tất nhiên công việc nào cũng áp lực, mình đau tay đau chân, người làm văn phòng thì stress, đau đầu. Mỗi người đều có sự mệt mỏi trong công việc thôi.
Lương của thợ may lành nghề, kỹ thuật tốt sẽ cao nhiều so với làm việc văn phòng thông thường.
Vân Anh của bây giờ, bắt đầu lại với Vân Anh bắt đầu từ bước đầu tiên của 10 năm trước, có gì khác biệt?
Tinh thần khởi nghiệp và sự sợ hãi của tôi gần như ít hơn, mình cảm thấy mình là người từng trải, trầm tính hơn. Biết được cuộc sống của mình cần những gì. Nhưng sự mạnh mẽ, ý chí của mình không bao giờ xuống, mà càng ngày càng cao.
Làm kinh doanh nhiều lần vấp ngã, chỉ cần một quyết định sai sẽ để lại hậu quả lớn và mình phải gồng gánh, chịu đựng rất nhiều. Càng về sau mình càng mạnh mẽ hơn, lì hơn, càng yêu thích công việc kinh doanh này hơn. May mắn là tôi đi đúng đường. Từ trẻ, tôi đã xác định mình sẽ là ai trong tương lai, sẽ đi đúng con đường đấy thôi. Nhiều người chọn sai nghề thì không còn thời gian nữa.
Có rất nhiều quyết định sai lầm trong dòng hàng, sản phẩm. Thực sự trong quá trình kinh doanh của mình cũng gặp nhiều người xấu. Tôi phải rút ra được bài học, biến cố. Biến cố đấy nếu mình để gặp lần thứ 2, là do mình. Sai tôi sẽ cố gắng sai một lần. Gặp rất nhiều biến cố, mình phải sửa chữa, không ngồi suy, trầm cảm sẽ khiến công ty đi xuống.
Là chủ doanh nghiệp, khi gặp biến cố, tôi phải cố gắng sửa chữa chứ không ngồi “suy”, trầm cảm sẽ làm công ty đi xuống. Tôi luôn phải chữa lành tinh thần của mình, ngã phải đứng lên được luôn. Điều quan trọng nhất của tôi là tinh thần. Tinh thần của tôi không ổn là phải kéo lên. Trong trận đánh ngày xưa, tinh thần của binh sĩ rất mạnh.
Chị làm thế nào để vừa làm tốt được việc kinh doanh, vừa dành thời gian chăm sóc tốt bản thân?
Tôi dành rất nhiều thời gian chăm sóc bản thân mình. Tôi sàng lọc các mối quan hệ, chỉ có một nhóm bạn thân 10 năm và chỉ chơi với từng ấy người. Chúng tôi cũng quy định với nhau là chỉ gặp nhau cuối tuần hoặc 1,2 hôm. Tôi không có cuộc vui mất thời gian để dành thời gian cho bản thân. Khi bản thân mình tốt đẹp, trở thành người mà vừa có năng lượng, vừa có sức khỏe, vừa có vẻ bề ngoài tốt thì cũng dễ thành công hơn.
Xã hội bây giờ yêu thích cái đẹp, yêu thích sự chỉn chu trong mỗi lần xuất hiện. Bản thân mình làm thời trang hay bất kỳ lĩnh vực nào gặp khách hàng nhiều, thì mình phải đẹp. Phải cho người ta thấy được kỷ luật bản thân của mình tốt, chứng tỏ làm việc khác cũng như thế. Tôi tập gym, ăn uống điều độ, đi ngủ sớm, tập trung vào sức khỏe tinh thần, giữ cho tinh thần đi lên.
Tôi không lê la cafe, gặp gỡ nhiều mà dành thời gian đi tập gym, làm đẹp. Dành thời gian cho bản thân, đầu tư cho bản thân nhiều hơn vì bản thân mình là quan trọng nhất. Một khi mình không yêu bản thân thì khó có điều tốt đẹp đến với mình lắm.
Chị thấy như thế nào về những người phụ nữ làm kinh doanh?
Phụ nữ làm kinh doanh thành công rất ít được công nhận. Thậm chí, những người phụ nữ khác cũng không công nhận. Rất ít người phụ nữ công nhận nhau và ít người phụ nữ được công nhận. Ví dụ như tôi, nhiều người nghĩ tôi “cặp đại gia”, ai đứng sau…bịa ra những câu chuyện hoang đường. Nhưng tôi nghĩ rằng bạn bè mình không nghĩ, người xung quanh mình không nghĩ, thế là được rồi. Mình không thể bắt người ta nghĩ đúng, nghĩ tốt về mình được. Tôi cũng không bao giờ quan tâm đến những lời đó mà tập trung làm việc của mình.
Là người phụ nữ có chỗ định nhất định, theo chị, một người phụ nữ hạnh phúc sẽ là một người phụ nữ như thế nào?
Người phụ nữ hạnh phúc là người phụ nữ có sự cân bằng. Có những người lao đầu vào công việc và bỏ quên gia đình, có những người chỉ tập trung gia đình, đời sống của người khác, không yêu bản thân cũng là một sự mất cân bằng. Để người phụ nữ hạnh phúc phải cân bằng được mọi thứ, thật sự rất khó. Khi người phụ nữ vừa có thành công, nhan sắc, trí tuệ, gia đình, thì rất tuyệt.
Phụ nữ lập nghiệp khó hơn đàn ông và phải đánh đổi nhiều. Trong quá trình lập nghiệp khó có thể cân bằng mọi thứ như thế. Nhiều người đòi hỏi phụ nữ kinh doanh giỏi, nữ công gia chánh, trách nhiệm gia đình, mềm mỏng… là rất khó. Để người phụ nữ làm được như vậy thì gần như là hoàn hảo. Nhưng tôi nghĩ, dù làm gì, cũng nên yêu bản thân trước tiên, đừng trông đợi vào người khác mang đến sự tốt đẹp cho mình. Còn các bạn trẻ nên kết hôn muộn, trải nghiệm nhiều lên. Có tài chính, sự nghiệp, kết hôn muộn một chút cũng không sao.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!