img

Là một tên tuổi có rất nhiều dấu ấn trong ngành công nghệ sinh học, tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh sở hữu tấm bằng cử nhân về Kỹ thuật vi sinh và Công nghệ chế biến thực phẩm từ Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1989. Sau khi tích lũy kinh nghiệm trong ngành công nghiệp, anh tiếp tục học tập và hoàn thành bằng tiến sĩ trong Khoa học Sống tại Đại học Tohoku năm 2001.

Tiến sĩ Nguyễn Hòa Anh cũng chính là người đã phát minh thành công công nghệ bào tử lợi khuẩn dạng nước, đa chủng, nồng độ cao (gọi tắt là Bào tử lợi khuẩn LiveSpo), đưa ra lời giải cho bài toán bào tử lợi khuẩn dạng nước mà người Pháp đã độc quyền trong suốt hơn 60 năm qua. Anh hiện là nhà sáng lập, chủ tịch hội đồng quản trị LiveSpo Pharma kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bào tử lợi khuẩn. Trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của mình, TS. Nguyễn Hòa Anh đã nhiều lần nhận được các tập đoàn danh tiếng trên thế giới đề nghị mua lại phát minh, sáng chế. Nếu đồng ý với họ, anh và gia đình đã có thể sống rất sung túc tại Anh, Nhật hoặc bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng TS. Nguyễn Hòa Anh vẫn chọn quay trở lại đóng góp cho quê hương, dù biết rằng điều đó đồng nghĩa với một con đường không hề trải hoa hồng.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 1.

"Hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân". Trở lại thời gian về nhiều năm trước, đâu là bước khởi đầu quan trọng đối với sự nghiệp khoa học của anh?

Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống học hành, nghiên cứu, với cha mẹ đều làm giáo viên. Bản thân tôi cũng rất thích việc nghiên cứu liên quan tới ứng dụng sản phẩm. Ở thời của mình, con đường học hành thường chịu sự chi phối, dẫn dắt chủ yếu từ môi trường. Tôi học ĐH Bách khoa và sẽ trở thành một kỹ sư theo đúng quy trình. Nhưng khi đi làm, tôi may mắn có được học bổng của UNESCO, từ đó bước chân vào con đường nghiên cứu khoa học.

Cột mốc quan trọng tiếp theo là sau khi kết thúc 3 tháng học bổng UNESCO, tôi quay lại Nhật để làm tiến sĩ. Tôi bắt đầu trở thành nhà khoa học, tự tìm hiểu thế giới khoa học, nghiên cứu. Sau khi có bằng Tiến sĩ, tôi chuyển đến phòng thí nghiệm lý sinh làm việc. Theo tôi được biết, các nghiên cứu khoa học mảng lý sinh thì các nhà khoa học Nhật rất mạnh. Tôi gặp được những người giáo sư, trực tiếp thấy được năng lực nghiên cứu, trí tuệ của họ rất xuất sắc. Điều này giúp tôi rất nhiều cho nghiên cứu ứng dụng về sau. Tôi cảm thấy tự tin và hoàn toàn làm chủ trong việc nghiên cứu từ giai đoạn này.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 2.

Đâu là lý do khiến Tiến sĩ quyết định quay trở về Việt Nam sau 15 năm?

Sau 15 năm ở Nhật, tôi cảm thấy nếu tiếp tục ở lại thì tương lai của tôi rất nhàm chán. Tôi sẽ trở thành một ông giáo sư, hàng ngày đi làm thí nghiệm. Trái ngược hẳn với giai đoạn đầu, mọi thứ trở nên dễ dàng, thiếu sự thách thức, động lực, khát khao trong cuộc sống. Bởi vậy quyết định quay về Việt Nam. Khó khăn, thách thức nhiều hơn nhưng lại thú vị hơn. Đúng như tôi dự đoán, khi tôi trở về nước, nghiên cứu của tôi chuyển qua giai đoạn rất mạnh, khác hoàn toàn với nghiên cứu thuần túy lý thuyết.

Cùng với đó, tôi tìm hiểu thì theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 700.000 người tử vong liên quan đến tình trạng nhiễm trùng do kháng thuốc. Dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Việt Nam được xếp nằm trong nhóm những quốc gia đang phải đối mặt với mối đe dọa gia tăng các trường hợp kháng kháng sinh trong cộng đồng.

Tình trạng kháng kháng sinh có thể gây nên rất nhiều hệ luỵ như tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như thời gian điều trị, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế do thời gian điều trị kéo dài và đặc biệt, tăng nguy cơ phải sử dụng những loại kháng sinh thế hệ cao với chi phí đắt đỏ và có thể để lại nhiều tác dụng phụ. Và tôi muốn về Việt Nam, đóng góp sức mình để làm điều gì đó giúp giảm tình trạng này.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 3.

Được biết, anh là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới đang sở hữu công nghệ tạo "bào tử lợi khuẩn LiveSpo" dạng nước, đa chủng, nồng độ cao. Anh có thể chia sẻ một vài thông tin về công nghệ này?

Đây cũng là một cơ duyên. Sau khi từ Nhật trở về Việt Nam, tôi làm việc trong phòng thí nghiệm trọng điểm. Một hôm, tôi tình cờ nghe được cuộc trao đổi giữa vị giáo sư trường Đại học Hoàng gia Anh và đồng nghiệp về bào tử lợi khuẩn. Họ nhận được một dự án của EU, phân lọc ra một số chủng lợi khuẩn tốt nhưng việc đưa ra ứng dụng thực tế là rào cản, vị giáo sư không quen với việc này vì chỉ làm nghiên cứu thuần túy. Có rất nhiều công ty muốn mua chủng lợi khuẩn đó nhưng ông biết rằng những công ty kia chưa có công nghệ để sản xuất bào tử lợi khuẩn ở quy mô công nghiệp, như vậy, nếu bán cho họ, có khả năng sẽ không bao giờ đưa ra được sản phẩm thực tế. Tiêu chí của vị giáo sư và trường là mong muốn đối tác đưa sản phẩm thành quy mô công nghiệp.

Sau khi nghe được câu chuyện này, tôi cũng rất trăn trở. Tôi đến hỏi vị giáo sư, nếu tôi là người có thể đưa ra quy mô công nghiệp thì ông và trường có hợp tác không? Người giáo sư nói rằng ai cũng được nhưng phải chứng minh được mình sở hữu quy mô công nghiệp. Tôi quyết định xin ông chủng giống ấy và sau khoảng 2 tháng ông quay lại, tôi đưa cho ông 1 túi mẫu. Vị giáo sư về lại bên Anh và 1 tuần sau ông đã liên hệ lại. Sau khi kiểm tra, vị giáo sư nói rằng nếu với quy mô phòng thí nghiệm, phải mất hàng trăm năm mới tạo ra được số lượng bào tử lợi khuẩn đó. Ông ấy biết rằng tôi có thể đảm nhiệm việc mà họ kỳ vọng và đồng ý trao chủng giống ấy cho tôi phát triển, ứng dụng vào thực tế.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 4.

"Bào tử lợi khuẩn LiveSpo" hiện là công nghệ đầu tiên và duy nhất trên thế giới sản xuất bào tử lợi khuẩn ở quy mô công nghiệp dưới dạng nước. Đây là một giải pháp công nghệ sinh học về đường tiêu hoá mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới. Là một nhà khoa học người Việt đã giải mã thành công giải pháp công nghệ này, trong quá trình ấy, anh đã trải qua khó khăn như thế nào?

Cách đây hơn 10 năm lúc tôi mới tổ chức hội thảo ở bệnh viện rất lớn, khi tôi nói lợi khuẩn của chúng tôi có thể xịt vào đường hô hấp, mọi người nói "thằng điên". Lúc đó, tôi đến bệnh viện làm việc với các bác sĩ, họ coi tôi là người bán hàng, đánh giá thấp. Họ cho rằng tôi chỉ đang "nổ". Cho đến những năm gần đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung Ương. Các bác sĩ đầu tiên mở lòng, tin vào sản phẩm của tôi và song hành, thử nghiệm sản phẩm lợi khuẩn dùng cho đường hô hấp đầu tiên trên thế giới.

Chắc là không có ai dùng bào tử lợi khuẩn nhiều hơn tôi. Tôi làm và là người đầu tiên sử dụng sản phẩm bào tử lợi khuẩn mà mình nghiên cứu. Tôi sẽ không đẩy rủi ro sang cho người khác, phải là người đứng ra chịu trách nhiệm. Tôi trực tiếp sử dụng sản phẩm của mình với nồng độ rất cao, nhờ vậy mà phát hiện ra những tính năng mới, nhìn ra được giá trị tương lai của nó. Những người khác có thể nghiên cứu, làm ra, thử nghiệm theo cách đưa đến các bác sĩ của bệnh viện rồi tìm bệnh nhân. Nhưng tôi nghĩ, mình là nhà khoa học nên phải có trách nhiệm là người đầu tiên trải nghiệm. Điều này không chỉ quan trọng trong nghiên cứu mà còn quan trọng trong cả việc sản phẩm của mình có thể đứng vững trên thị trường.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 5.

Sản phẩm tốt là một chuyện nhưng việc được thị trường đón nhận và tin dùng lại là câu chuyện khác. Nhất là với những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Anh và đội ngũ đã giải quyết bài toán này như thế nào?

Giai đoạn đầu, công ty của tôi không có tiếng tăm, sản phẩm lại mới, không chỉ ở trong nước mà trên thế giới chưa có. Tại sao tôi thuyết phục được người khác mua và sử dụng? Tôi phải là người trải nghiệm trực tiếp và nói cho mọi người biết khi họ dùng, sẽ có trải nghiệm thế nào để khách hàng tin tưởng mình.

Ban đầu, họ có thể chấp nhận tin mình bằng lời nói nhưng khi người ta dùng mà không trùng với những gì mình nói, họ sẽ bỏ, không dùng ngay. Nhất là những sản phẩm mới liên quan đến sức khỏe. Đây mới là rào cản của người làm nghiên cứu khoa học. Hiện nay, công ty của tôi đã có những sản phẩm bào tử lợi khuẩn rất tốt rồi. Rào cản cuối cùng và khó nhất là việc tạo niềm tin ở người dùng, và lan tỏa thông tin đó. Giống như sứ mệnh mà tôi đặt ra "Vì tương lai không kháng sinh", bây giờ, không còn là câu chuyện sản phẩm nữa mà đến từ nhận thức của mọi người, làm sao để họ có thể nhìn thấy điều mà tôi đang thấy.

Sản phẩm công ty của tôi được thiết kế để giảm lượng kháng sinh dùng cho các bệnh truyền nhiễm. Tôi tự sử dụng, trải nghiệm sản phẩm cũng là cách giúp các bác sĩ và người dùng tin, song hành với mình đi đến "tương lai không kháng sinh".

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 6.

Phát minh "bào tử lợi khuẩn LiveSpo" mang tính tiềm năng ứng dụng như thế nào, đem lại những lợi ích gì cho sức khỏe, thưa tiến sĩ?

Sản phẩm từ bào tử lợi khuẩn của LiveSpo có thể hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm đại tràng, tiêu chảy cấp,... LiveSpo có không chỉ có các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa, mà còn ứng dụng lợi khuẩn cho đường hô hấp. Điều này có giá trị rất lớn.

Trong bệnh viện, lượng kháng sinh sử dụng cho đường tiêu hóa chỉ khoảng 20%. Nhưng kháng sinh dùng cho đường hô hấp từ 72 -75%. Việc LiveSpo là công ty đưa ra sản phẩm lợi khuẩn cho đường hô hấp có giá trị gấp 3 lần so với công dụng của lợi khuẩn mà con người nghĩ ra hàng trăm năm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 7.

Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển bào tử lợi khuẩn, anh và LiveSpo đặt ra sứ mệnh "Vì tương lai không kháng sinh". Nhiều người nói đây là "điên rồ", TS cảm thấy như thế nào?

Thứ nhất, tôi nhìn thấy tính nhân văn và giá trị khả thi của nó. Việc tôi đưa ra thông điệp, sứ mệnh này giúp LiveSpo vượt qua hàng rào cuối cùng là sự đón nhận của thị trường. Khi mọi người nói điên rồ là họ không nhìn thấy cái mà tôi nhìn. Để vượt qua rào cản này, không có cách nào khác bằng truyền thông và khiến khách hàng hiểu thêm và quen thuộc với bào tử lợi khuẩn.

Để đặt ra sứ mệnh này, tôi đã mất rất nhiều thời gian nghiền ngẫm, sao cho dễ nghe, dễ hiểu và trực tiếp nhất. Khi nói "Vì tương lai không kháng sinh", tất cả bà mẹ bỉm sữa đều có thể biết được sản phẩm mang lại giá trị gì. Ngay cả các hội thảo khoa học quốc tế, khi nói tới thông điệp này, họ cũng rất ấn tượng và sẵn sàng dành thời gian lắng nghe câu chuyện. Thông điệp này còn mang tính chất đột phá hơn cả nghiên cứu của tôi.

"Công nghệ bào tử lợi khuẩn LiveSpo" đã và đang tìm được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam như thế nào, thưa tiến sĩ?

Ở thị trường Việt Nam, công nghệ bào tử lợi khuẩn của tôi đã bùng nổ, phát triển so với ngày trước rất nhiều. Ban đầu, sản phẩm được xuất khẩu nhiều hơn là bán trong nước. Bây giờ việc phát triển thị trường trong nước diễn ra khá tốt. Tuy nhiên, để so với tiềm năng của sản phẩm thì đang còn rất nhỏ, không đáng kể. Để có được những kết quả rực rỡ thì cần có sự hỗ trợ, đồng hành của rất nhiều người khác.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 8.

Không chỉ gây tiếng vang ở thị trường trong nước, TS. Nguyễn Hoà Anh và LiveSpo cũng đem chuông đi đánh xứ người với "Công nghệ bào tử lợi khuẩn LiveSpo". Anh có thể chia sẻ về hành trình vươn ra thế giới, thị trường quốc tế với phát minh của mình?

Hành trình vươn ra thế giới của LiveSpo rất thuận lợi, thậm chí thuận lợi hơn ở trong nước. Ngay từ đầu, cách đây hơn 10 năm, công ty đã sản xuất ra sản phẩm một chủng. Nhu cầu trên toàn cầu của những sản phẩm này rất lớn. Họ không có nhà cung cấp cạnh tranh, khi mình đưa ra, khách hàng họ tự đến tìm mua, mình không cần quảng cáo nhiều.

Hiện nay, sản phẩm của LiveSpo đã bán đi khoảng hơn 20 nước. Đến bây giờ, số nước dùng khá thường xuyên khoảng 10 nước. Tập trung nhiều ở Nam Á và Mĩ La Tinh. Ở Mỹ, mọi người bắt đầu sử dụng.

TS từng chia sẻ, bản thân ưu tiên xuất bản các nghiên cứu khoa học của mình trên diễn đàn thế giới hơn là việc đăng ký bảo hộ phát minh. Bảo hộ phát minh sẽ giúp TS độc quyền phát minh, nhưng tại sao TS lại không làm vậy mà lại lựa chọn giới thiệu, xuất bản các nghiên cứu của mình trên diễn đàn thế giới?

Bây giờ, quyết định này trở nên rất đơn giản và rõ ràng. Rào cản lớn nhất với sản phẩm này là sự hiểu biết và thói quen sử dụng. Nếu chúng tôi đi đăng ký bảo hộ phát minh, sẽ chỉ bó hẹp ở LiveSpo phát triển. Và để thực hiện sứ mệnh lớn, thì một mình LiveSpo không làm được. Tôi tập trung vào đăng tạp chí quốc tế để cho các nhà khoa học, hãng, công ty đối thủ, hiểu được, song hành và cạnh tranh với mình để giáo dục thị trường. Tôi muốn "tương lai không kháng sinh" đến sớm.

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 9.

Hiện tại, Tiến sĩ có đang thực hiện nghiên cứu thêm những phát minh nào? Dự kiến khi nào Tiến sĩ sẽ công bố?

Nghiên cứu không có điểm kết thúc, sẽ luôn song hành với LiveSpo mãi. Các sản phẩm và nghiên cứu mới sẽ tiếp tục được đưa ra. Trong khoảng độ 5-7 năm gần đây, LiveSpo khá đều đặn công bố các nghiên cứu mới.

Là một nhà khoa học có những đóng góp lớn cho nền khoa học nước nhà, TS có điều gì muốn chia sẻ đến thế hệ trẻ - những người sẽ trở thành nhà khoa học, đồng nghiệp của TS trong tương lai?

Tôi chỉ muốn nhắn nhủ tới các nhà khoa học trẻ rằng: Hãy nghiên cứu gắn liền với ứng dụng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm liên tục và lâu dài. Không có phát minh, sáng tạo nào dừng lại và dễ dàng đưa ra ứng dụng cho con người. Nó cần có sự song hành của chúng ta cho đến lúc thành công, được mọi người chấp nhận. Bản thân người làm nghiên cứu và có tầm nhìn, lan tỏa cái đấy và tìm những người song hành với mình. Nếu không có sự song hành của nhiều người, nghiên cứu của bạn sẽ đứt gánh giữa đường. Nghiên cứu muốn ứng dụng được thì cần sự chung tay, song hành.

Cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!

Tiến sĩ Nguyễn Hoà Anh -  ‘cha đẻ’ của công nghệ sinh học mà 60 năm chưa có lời giải của y học thế giới, phá vỡ thế ‘độc quyền’ của người Pháp hơn nửa thế kỷ- Ảnh 10.


Minh Nguyệt
Hà Mĩ
Lê Trung

 

Đời sống Pháp luật