Foodtech của Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI): Sản xuất thịt từ mít, hướng tới sản phẩm chay

27/10/2023 17:07 PM | Công nghệ

“Khi chúng ta làm thịt mít nó sẽ giảm 99% lượng khí thải và giảm 90% lượng nước sạch, đồng thời góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân”, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI) cho biết.

Sự kiện đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Day) với chủ đề "Techtraverse 2023" do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (NATEC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chính thức diễn ra tại Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12, TP. HCM). Sự kiện là điểm gặp gỡ giữa công nghệ và ngành công nghiệp; giữa du hành không gian công nghệ và đổi mới sáng tạo, mỗi ngành công nghiệp là một điểm chạm, chuyển đổi để hiệu quả và bền vững hơn. 

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sự kiện là cơ hội quý giá gặp gỡ và kết nối các chuyên gia đồng thời bày tỏ mong muốn: "Đây là một cơ hội để chúng ta cập nhật xu hướng quốc tế và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và cơ hội và thách thức cho các bạn trẻ khởi nghiệp - là nơi có thể tìm gặp nhu cầu, thách thức và sự hỗ trợ đồng hành của các tập đoàn lớn. 

Foodtech của Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI): Sản xuất thịt từ mít, hướng tới sản phẩm chay - Ảnh 1.

Theo Ban tổ chức, yếu tố "mở" của Ngày Đổi mới sáng tạo mở nằm ở các cuộc tranh luận - nơi các nhà chuyên môn hàng đầu trong lĩnh vực thể hiện các quan điểm đa chiều thông qua các kinh nghiệm và góc nhìn độc đáo. Trong hội thảo, phần trình bày về thách thức của các tập đoàn được sắp xếp năng động giữa giải pháp sáng tạo của các nhà khởi nghiệp (startup). Đồng thời, tinh thần cởi mở của sáng tạo cũng thể hiện qua việc thách thức những lãnh đạo lựa chọn chia sẻ kế hoạch phát triển bám sát các xu hướng về khoa học - công nghệ và thị trường đang dẫn dắt các ngành công nghiệp hàng đầu. 

Tại sự kiện Ngày Đổi mới sáng tạo mở đã diễn ra nhiều hội thảo, phiên kết nối các doanh nghiệp giao lưu với nhau, trong đó ở lĩnh vực nông nghiệp thông minh và công nghệ thực phẩm, có những tham luận từ các đại biểu về xu hướng khoa học và công nghệ đang giải quyết thách thức khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Foodtech của Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI): Sản xuất thịt từ mít, hướng tới sản phẩm chay - Ảnh 2.

Biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số và sự cạnh tranh về tài nguyên đang tạo ra áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, chúng ta không thể tiếp tục theo đuổi mô hình kinh tế tuyến tính trong nông nghiệp, mà phải chuyển đổi sang một hướng đi mới - kinh tế tuần hoàn. 

Về thách thức trong lĩnh vực chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, ông Thắng phân tích: "Thách thức ở Việt Nam khi ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành chăn nuôi, đó là muốn đầu tư công nghệ sạch, thân thiện với môi trường thì cần vốn đầu tư cao; ngành công nghiệp phụ trợ cho thiết bị trong chăn nuôi (vật liệu, công nghệ vi sinh) hiện còn đang bị phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Có quá nhiều mô hình KHCN nhưng không có đồng bộ; các hướng dẫn sử dụng  làm còn thiếu và chậm so với thực tiễn). 

Dù có nhiều thách thức song xu hướng kinh tề tuần hoàn là không tránh khỏi. Cũng theo ông Thắng, hiện Việt Nam đã hoàn thiện các chính sách về kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng có nhiều mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ trong các trang trại chăn nuôi lợn đang phổ biến.   

Định hướng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ nhằm mang lại lợi ích về môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới, tăng cường sức cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và điđến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. 

Tại đây, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI) đem đến hội thảo mô hình làm kinh tế tuần hoàn vi mô. Cụ thể, ông và các cộng sự đang thực hiện dự án các sản phẩm làm từ cây mít, đã hình thành 2 năm nay và cho ra 15 sản phẩm từ mít không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Mô hình này chọn tỉnh Hậu Giang - vùng trồng mít lớn thứ 3 của Việt Nam, với 7.000 ha trồng mít làm thí điểm. 

Foodtech của Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp (3AI): Sản xuất thịt từ mít, hướng tới sản phẩm chay - Ảnh 3.

Với mô hình foodtech này, ông Tuấn chia sẻ: "Chúng tôi tập trung sản xuất những cái sản phẩm đổi mới giá trị cao chứ không phải là sản phẩm nông sản truyền thống. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào khoa học công nghệ, đặc biệt những công nghệ đặc biệt để làm thịt mít là một sản phẩm mang tính bền vững rất cao. Khi chúng ta làm thịt mít nó sẽ giảm 99% lượng khí thải và giảm 90% lượng nước sạch, đồng thời góp phần cải thiện thu nhập của người nông dân. 

Chúng tôi mong muốn có thêm một sản phẩm cho người tiêu dùng và sẽ tạo ra một sự thay đổi về mặt nhà hàng, tạo ra một ngành hàng thịt mới; Chúng tôi khảo sát, đánh giá nhu cầu, thị hiếu, phản hồi của người tiêu dùng. Cuối cùng, trong tương lai, tôi muốn xây dựng một mạng lưới không chỉ dừng ở thịt thực vật, mà tất cả các sản phẩm chay, thức ăn kiêng... đều là thị trường tiềm năng chúng tôi hi vọng có thể hướng tới sau này". 

Có thể thấy, hội thảo đã đem đến những mô hình ứng dụng KHCN và nông nghiệp hiệu quả, những định hướng từ các chuyên gia, nhà quản lý. Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà. 

Tô Huệ

Cùng chuyên mục
XEM