Đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào “kinh doanh có điều kiện”
Chiều 17.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhiều đại biểu (ĐB) đã bày tỏ đồng tình với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.
Việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô là cần thiết
Vấn đề này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Kinh tế cho rằng: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đưa ra các định hướng cụ thể nghiên cứu thiết lập các điều kiện kinh doanh cần thiết đối với ôtô nhập khẩu; đồng thời, hoàn thiện, bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu đối với ôtô sản xuất trong nước để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế” và “bảo đảm nhất quán, ổn định hệ thống chính sách trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư.
Theo Ủy ban Kinh tế, hoạt động sản xuất lắp ráp và phân phối ôtô trong nước thời gian qua phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định tại Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN năm 2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và tại Thông tư 20/2011/TT-BCT năm 2011 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư, “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô” không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc thay đổi chính sách sau khi Luật đầu tư có hiệu lực đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là việc bảo hành, bảo dưỡng, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với cơ quan thẩm tra, ĐB Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp nhập khẩu ôtô vào ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện đang có nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có ý kiến chưa đồng ý vì cho rằng hạn chế quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên ở đây chúng ta không cấm mà phải có điều kiện và phải tuân thủ theo điều kiện sản xuất lắp ráp. Bởi nếu không sẽ đem lại cho xã hội nhiều bất lợi. “Vì ôtô là ngành yêu cầu cao về chất lượng, tính mạng người tham gia giao thông, và người điều khiển ôtô nên cần dây chuyền lắp ráp hiện đại, quy mô tiêu chuẩn chứ không phải ai cũng làm được. Không thể có tiền mua xe là bán được ngay mà phải đảm bảo an toàn cho người mua xe. Do vậy, để đảm bảo an toàn, cho nên đưa lắp ráp nhập khẩu ôtô vào kinh doanh có điều kiện là hợp lý”-ông Long phân tích.
Phát triển ngành ôtô trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân
ĐB Lưu Đức Long cho rằng việc đưa ngành sản xuất, lắp ráp nhập khẩu ôtô không trái với những cam kết quốc tế mà còn tạo cơ hội để phát triển ngành ôtô trong nước. Bởi nếu chính sách không ổn định thì nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển sang nước khác, làm cho ngành ôtô của ta “chết yểu”. Mặt khác nếu không sản xuất ôtô trong nước thì chúng ta phải nhập ôtô từ nước ngoài, do đó nếu ta phát triển ngành ôtô trong nước cũng sẽ phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, tạo thêm việc làm cho người dân. “Như Thái Lan ngành ôtô đóng góp 12% cho GDP. Do đó chúng ta đưa vào có điều kiện là phù hợp” - ông Long nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần phải quản lý chặt chẽ hơn để tương thích với ngành sản xuất ôtô trong nước, bởi không phải đưa vào kinh doanh có điều kiện là cản trở.