Donald Trump và giới công nghệ: Cuộc chiến chưa có hồi kết
Ông Donald Trump và giới công nghệ chưa bao giờ ngừng xung khắc. Từ trước khi lên làm Tổng thống, gần như không có vị lãnh đạo công nghệ nào mong muốn ông chiến thắng thế nên ngay khi lên làm Tổng thống, ông đã liên tiếp làm giới công nghệ lao đao.
Không có quan hệ hòa hảo với giới công nghệ
Thành thật mà nói, ông Trump không có quan hệ hòa hảo với giới công nghệ. Bởi sự thật là Trump chưa bao giờ dành cho giới công nghệ một thái độ thiện chí nào trong khi những ứng cử viên khác lại luôn luôn quan tâm ủng hộ với những ông chủ công nghệ có hầu bao rộng rãi. Hồi tháng 7/2016, hàng loạt lãnh đạo công nghệ ký tên vào lá thư mở và gọi ông là “thảm họa đối với đổi mới”. Trong số này, có những cái tên nổi bật như Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook; Jimmy Wales, đồng sáng lập Wikipedia; Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple; Aaron Levie, đồng sáng lập kiêm CEO Box. Vài cái tên hiếm hoi ủng hộ ông Trump làm Tổng thống có nhà sáng lập PayPal Peter Thiel và nhà sáng lập Oculus Palmer Luckey.
Phát ngôn gây sốc về công nghệ
Nguồn: CafeBiz
Ông Trump đôi khi đưa ra những lời bình luận không mấy dễ chịu về các công ty công nghệ. Ví dụ như ông này từng gọi máy vi tính là “một chiếc máy tính hỗn hợp” và cho rằng mọi người nên từ bỏ việc dùng Internet. Ông hiếm khi sử dụng email và không rõ một ngày ông dùng máy tính bao nhiêu giờ dù các cập nhật trên Twitter của vị ứng cử viên này tương đối dày đặc.
Sau vụ tấn công của hacker vào công ty Sony năm 2014, Trump cho rằng “Internet và cả kỷ nguyên máy tính thực sự là một chiếc túi hỗn hợp. Nó khiến cuộc sống dễ dàng hơn ở một chừng mực nào đó nhưng lại đại đa phần lại khiến cuộc sống phức tạp hơn”.
Ứng viên tổng thống xuất thân từ tỉ phú này từng để xuất "đóng cửa" một phần Internet và đây chính là ý tưởng bị giới công nghệ ghét nhất. Những nhà lãnh đạo công nghệ tin rằng tự do trao đổi ý tưởng, bao gồm cả tự do Internet, sẽ gieo mầm cho sáng tạo. Donald Trump bị chê là không hiểu gì về công nghệ, đồng thời cố tình làm ngơ vai trò của công nghệ. Ông này cũng đồng thời đưa ra ý tưởng ngăn chặn mạng xã hội, nhất là sau khi có những nhận xét ác ý về ông trên mạng xã hội.
Cùng với những phát ngôn theo khuynh hướng bị cho là "cực đoan", giới công nghệ nước Mỹ, Thung lũng Silicon xem Donald Trump là mối đe dọa tiềm ẩn, và đặc biệt nguy hại nếu ông này đắc cử Tổng thống Mỹ. "Thảm họa cho sáng tạo công nghệ" – đang là cụm từ mà giới công nghệ nói về Donald Trump khi ông mới chỉ là ứng cử viên Tổng thống. Donald Trump bị giới công nghệ "quy tội" làm méo mó thị trường công nghệ, làm giảm xuất khẩu và khiến cho người Mỹ mất việc.
Thế nhưng cuối cùng mối lo của giới công nghệ Mỹ đã thành hiện thực, Donald Trump lên làm Tổng thống. Sau ít ngày “im hơi lặng tiếng” các lãnh đạo công nghệ đã lên tiếng động viên tới nhân viên và cam kết mọi tôn chỉ của công ty sẽ không thay đổi.
Tẩy chay Apple và yêu cầu Apple chuyển việc làm ăn về Mỹ
Nguồn ảnh: CafeBiz
Apple là một trong những công ty có tiếng tăm và giá trí nhất tại Thung lũng Silicon nhưng công ty này lại có vẻ giống như "cái gai" trong mắt vị Tổng thống mới của Mỹ. Trước khi lên làm Tổng thống, ông Trump cho rằng Apple phải mở khóa chiếc iPhone trong vụ San Bernardino và kêu gọi mọi người tẩy chay sản phẩm này từ sau vụ việc đó.
Ông đăng trên Twitter: “Tôi sử dụng một chiếc iPhone và Samsung. Nếu Apple không trao thông tin về những tên khủng bố cho những cơ quan chức năng, tôi sẽ chỉ sử dụng Samsung cho đến khi họ trao những thông tin này”. (Ngoài ra thì ông cũng được trả tiền để phát biểu trong một sự kiện của Samsung).
Ông bổ sung: “Chiếc điện thoại thuộc sở hữu của chính phủ. Họ đang làm gì vậy? Mở những chiếc điện thoại đó ra. Chúng ta phải thông minh. Chúng ta phải xem chuyện gì đang diễn ra. Apple hãy mở khóa những chiếc điện thoại đó để tìm ra các nguy cơ này đến từ đâu”.
Ông tuyên bố hồi tháng 3/2016 : “Tôi sẽ đem công ăn việc làm trở lại. Tôi sẽ bắt Apple sản xuất những chiếc máy tính và iPhone tại đất nước này chứ không phải tại Trung Quốc”.
Không rõ ông Trump sẽ buộc Apple chuyển việc sản xuất thiết bị về Mỹ như thế nào nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng kế hoạch này sẽ khiến Apple gặp phải những bất lợi đáng kể về mặt kinh tế và hậu cần.
Lệnh cấm nhập cư
Trên hành trình đến với Nhà Trắng, Donald Trump cũng nhiều lần nhắc đến visa H1-B, loại visa mà các công ty công nghệ Mỹ có sử dụng để chiêu mộ nhân sự nước ngoài.
Ban đầu, ông cho biết loại visa này giúp các tài năng từ nước ngoài chảy vào Mỹ, thúc đẩy sự phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó Trump lại thay đổi quan điểm và muốn dẹp bỏ loại visa này. Ông nêu lý do là bởi H1-B đang khiến nhân lực Mỹ có kĩ năng khó tiếp cận được với Thung lũng Silicon.
Và chẳng bao lâu sau khi giữ chức Tổng thống, Donald Trump đã tung ra một sách lệnh liên quan đến việc cấm nhập cư. Cuối tháng 1, ông Trump đã ký ban hành sắc lệnh cấm người tị nạn tới nhập cảnh vào Mỹ trong 120 ngày và ngăn không cho công dân từ Iraq, Iran, Sudan, Libya, Somalia và Yemen vào Mỹ trong 90 ngày.
Ngay trong cuối tuần đó, CEO các hãng như Google, Apple, Facebook đều bày tỏ lập trường đối lập với sắc lệnh của ông Trump. Một vài công ty, chẳng hạn như dịch vụ chia sẻ xe Lyft, đã thực hiện các khoản quyên góp lớn cho tổ chức The American Civil Liberties Union vì những hành động của họ nhằm thách thức ông Trump.
“Giống như nhiều người trong các bạn, tôi lo lắng về tác động của sắc lệnh gần đây được ký bởi ông Donald Trump”, Zuckerberg viết trong một bài đăng trên Facebook. CEO Google Sundar Pichai viết: ““Thật đau lòng khi nhìn thấy cái giá mà đồng nghiệp chúng ta phải trả vì lệnh cấm”. CEO Tim Cook đã có phản ứng quyết liệt trước sắc lệnh của ông Trump trong email gửi tới nhân viên: “Tôi nghe được nhiều người trong các bạn đang vô cùng lo ngại về sắc lệnh ban hành ngày hôm qua hạn chế nhập cảnh từ 7 quốc gia Hồi giáo. Tôi chia sẻ nỗi lo lắng của các bạn. Đây không phải chính sách chúng ta ủng hộ”.
Hơn 100 công ty , trong đó có nhiều hãng công nghệ lớn, cùng nhau đưa ra văn bản pháp lý phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump và tranh luận nó có thể tạo động lực mạnh mẽ cho họ chuyển việc làm ra ngoài nước Mỹ.
Chiều muộn hôm Chủ nhật (5/2), Apple, Google, Microsoft và các doanh nghiệp khác nộp văn bản “thân hữu của tòa án” (friend-of-the-court) lên Tòa phúc thẩm khu vực 9 tại San Francisco. Họ cho rằng lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của 7 nước Hồi giáo và tất cả người tị nạn “gây thiệt hại đáng kể đến việc kinh doanh của Mỹ”. Trong văn bản, các công ty phản biện lệnh cấm gây ra sự bất ổn đối với những doanh nghiệp đang phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài và việc kinh doanh toàn cầu để đổi mới và tạo ra việc làm tại Mỹ.
Đáp lại vụ kiện, chính quyền liên bang tranh luận trong hồ sơ pháp lý rằng Tổng thống chỉ đang thực hiện quyền hiến pháp để kiểm soát biên giới Mỹ và luật pháp cho phép ông chặn đứng hành vi nhập cảnh của bất kỳ người nước ngoài nào “có thể gây phương hại đến lợi ích của Mỹ”.
Đảo ngược quy định liên quan đến người chuyển giới
Google, Facebook, Microsoft và nhiều công ty công nghệ có tên tuổi khác đã cùng đứng lên để phản đối quyết định thu hồi sự bảo vệ với sinh viên chuyển giới. Chỉ thị ra đời tháng 5/2016, được thực hiện dưới thời chính quyền Obama, đã đưa ra những quy định mang tính liên bang, cho phép các thiếu niên chuyển giới được tự lựa chọn nhà vệ sinh phù hợp với giới tính của mình.
Chính quyền Trump đang nỗ lực để đảo ngược những quy định này, bắt đầu bằng cách đưa việc sử dụng nhà vệ sinh trở về như cũ. Tương tự như lần ông Trump đưa ra sắc lệnh liên quan đến người theo Đạo hồi và lệnh cấm nhập cư, các công ty công nghệ đã cùng liên minh với nhau, lên tiếng bày tỏ sự lo ngại và cho rằng quyết định này có thể gây ra sự bất bình đẳng và phá hoại quyền con người.
Công ty lên tiếng phản đối chỉ thị này đầu tiên là Apple bởi chính vị lãnh đạo cấp cao nhất của công ty này là một người thuộc cộng đồng LGBT. Cụ thể, công ty đã đưa ra một tuyên bố không đồng tình “với bất cứ nỗ lực nào nhằm hạn chế hoặc hủy bỏ… những quyền và sự bảo vệ” đối với các học sinh chuyển giới.
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Trong tương lai chắc chắn sẽ còn rất nhiều cuộc chiến nữa giữa giới công nghệ và Tổng thống Donald Trump bởi còn nhiều chính sách gây tranh cãi như đóng cửa một phần internet hay các quan điểm gây tranh cãi của ông về biến đổi khí hâu… Chắc chắn những điều đó sẽ làm giới công nghệ phải lên tiếng. Bởi ông Trump vẫn tiếp tục "làm mưa làm gió" tại Washington, vậy nên ở Thung lũng Silicon, các lãnh đạo công nghệ thay vì kình địch nhau thì lại chung tay xử lý các vấn đề xã hội, quyền con người. Sự phản đối rộng khắp này có thể sẽ chẳng có bất cứ tác động nào đến chính sách ngắn hạn. Thế nhưng, nó thể hiện sự nhận thức rộng hơn của ngành công nghệ rằng các công ty công nghệ có thể dùng tầm ảnh hưởng của mình để bảo vệ những nhóm người bị thiệt thòi.