Đời buồn của những người lên Sài Gòn, Hà Nội mưu sinh: Cứ 5 người thì 1 người phải sống trong các khu ổ chuột
Ôi thành phố hoa lệ: Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo...
Tại Châu Á, các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng vô cùng nhanh chóng và điều nay cũng khiến chính phủ các nước phải đau đầu khi mọi người đổ xô đến các thành phố làm việc, khiến hàng loạt những khu ổ chuột được dựng lên nhằm thỏa mãn nhu cầu nhà ở của người dân.
Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng thế giới (World Bank) trên toàn Châu Á cho thấy có hơn 20% dân số thành thị đang phải sống tại các khu ổ chuột ở Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.
Tỷ lệ này là 55% ở Campuchia, 43% ở Mông Cổ, 41% ở Myanmar và 38% ở Philippines.
Tỷ lệ người dân thành thị sống trong các khu ổ chuột phân theo quốc gia (%)
World Bank cho rằng chính sự thành công nổi bật về kinh tế đang đem lại một số mặt trái cho các nước mới nổi. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến lượng dân di cư đến các thành phố quá đông, vượt qua khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ tại những đô thị này.
Tại những thủ đô lớn như Manila của Philippines hay Jakarta của Indonesia, những khu nhà ổ chuột mọc lên như nấm nhằm thỏa mãn nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người lao động nghèo, lực lượng lao động chính làm động lực phát triển kinh tế cho đất nước.
Theo World Bank, việc gia tăng những khu ổ chuột cho thấy nền kinh tế đang phát triển và người dân ngày càng có nhiều cơ hội việc làm hơn ở đô thị. Tuy vậy, các chính phủ cần có những chính sách thông thoáng hơn về nhà ở cũng như hỗ trợ tài chính cho người lao động ngoại tỉnh để họ có thể sinh sống tại các đô thị.
Những nền kinh tế phát triển như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đã từng lâm vào tình trạng tương tự khi nhiều khu ổ chuột mọc lên tại các đô thị. Tại Singapore, quốc gia này đã tăng cường các dự án nhà ở giá rẻ để từ một vùng nông thôn rộng lớn với các khu nhà ổ chuột thành một đất nước hiện đại như ngày nay.
Ngân hàng World Bank cho rằng nếu chính phủ có sự đồng thuận và quyết tâm thì tình hình các khu ổ chuột sẽ được giải quyết triệt để.
Một biện pháp nữa được tổ chức này đưa ra là tăng cường xây các trường học, bệnh viện, đường cao tốc hay sân bay vùng nông thôn để thu hút thêm đầu tư cũng như cư dân. Hàng loạt các thủ đô như Bắc Kinh của Trung Quốc hay Bangkok của Thái Lan đang tìm biện pháp đối phó với sự tăng trưởng nóng, đô thị hóa quá nhanh gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, chính phủ Philippines cũng đang tìm cách giảm nhiệt cho thủ đô Manila khi 22 triệu người dân thành phố này chiếm tới hơn 1/3 GDP cả nước.
Đây đang là một vấn đề gây đau đầu cho nhiều nước khi những lao động giá rẻ này đang là xương sống cho cả nền kinh tế nhưng chất lượng sống của họ lại không được đáp ứng đầy đủ, qua đó tạo gánh nặng cho xã hội.