Ngành sản xuất thăng hoa: Chỉ số PMI tháng 2 của Việt Nam cao nhất 21 tháng, dẫn đầu Đông Nam Á

01/03/2017 11:39 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo báo cáo mới nhất của Nikkei, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 21 tháng qua và đứng đầu Đông Nam Á.

Cụ thể, chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng từ mức 51,9 trong tháng 1/2017 lên 54,2 trong tháng 2/2017, vượt qua hàng loạt các nước láng giềng như Singapore (48,6), Malaysia (49,4) hay Thái Lan (50,6).

Báo cáo của Nikkei cho thấy các điều kiện hoạt động đã được cải thiện ở hầu hết các nền kinh tế khu vực ASEAN, ngoài trừ Indonesia, Malaysia và Singapore.

Đặc biệt, Việt Nam đã vượt Philippines khi có tăng trưởng mạnh nhất trong tháng 2, và có các điều kiện hoạt động được cải thiện tốt nhất trong 21 tháng. Các nhà sản xuất ở Philippines đã có tăng trưởng nhanh, mặc dù là yếu hơn so với mức trung bình của cả năm 2016. Myanmar có tăng trưởng mạnh hơn một chút trong khi lĩnh vực sản xuất của Thái Lan tiếp tục tăng trưởng với một tốc độ vừa phải. Đồng thời, Malaysia và Singapore có sự giảm sút chậm hơn, trong khi PMI của Indonesia đã quay đầu giảm trở lại.

Ngành sản xuất thăng hoa: Chỉ số PMI tháng 2 của Việt Nam cao nhất 21 tháng, dẫn đầu Đông Nam Á - Ảnh 1.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng trong tháng 2, với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trưởng nhanh hơn trong khi các công ty tăng tồn kho hàng mua với tốc độ cao kỷ lục.

Trong khi đó, mức độ lạc quan trong kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng giá đầu vào đã chậm lại đôi chút, nhưng mức tăng mạnh của gánh nặng chi phí gần đây đã làm các công ty phải tăng giá đầu ra nhanh hơn.

Chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên mức kỷ lục 21 tháng cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện mạnh mẽ, và đây là mức cải thiện cao nhất kể từ tháng 5/2015.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất tại Việt Nam đã được cải thiện trong suốt 15 tháng qua. Sản lượng ngành sản xuất đã tăng tháng thứ tư liên tiếp khi có các báo cáo cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Hơn nữa, tốc độ tăng sản lượng đã nhanh hơn thành mức cao của 21 tháng.

Sản lượng tăng ở các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh và nhanh hơn trong tháng 2, với tốc độ tăng là mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhanh hơn trong tháng khi các công ty báo cáo nhu cầu của khách hàng quốc tế được cải thiện.

Việc đơn đặt hàng mới tăng lên dẫn đến lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là khiêm tốn và là chậm hơn so với tháng 1. Hơn nữa, yếu tố này cũng góp phần làm tiếp tục tăng việc làm trong tháng 2. Mức gia tăng lao động này là mạnh và nhanh hơn mức bình quân dài hạn theo số liệu của Nikkei. Thêm vào đó, lượng nhân công ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trưởng trong suốt 11 tháng qua.

Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã cải thiện đáng kể và đạt mức cao của một năm. Sự lạc quan được đánh giá dựa trên sự tăng trưởng trong các kế hoạch phát triển của công ty cùng với kỳ vọng nhu cầu của khách hàng tiếp tục đi lên.

Ngành sản xuất thăng hoa: Chỉ số PMI tháng 2 của Việt Nam cao nhất 21 tháng, dẫn đầu Đông Nam Á - Ảnh 2.

Hơn nữa, sự tích cực này cũng được phản ánh trong thái độ của các nhà sản xuất đối với chính sách hàng tồn kho trong tháng 2. Tồn kho hàng mua đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát kéo dài sáu năm trong bối cảnhhoạt động mua hàng đang mạnh và nhanh.

Một số người trả lời khảo sát cho biết triển vọng tiếp tục tăng số lượng đơn đặt hàng mới trong những tháng tới đã khuyến khích họ tăng mua hàng hóa đầu vào. Tồn kho hàng thành phẩm cũng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2015 trong bối cảnh sản lượng tăng trưởng mạnh hơn. Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn đáng kể trong tháng 2, mặc dù đã chậm lại một chút so với đầu năm 2017.

Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng chi phí nguyên vật liệu tăng và tình trạng giảm giá của tiền đồng so với đô la Mỹ đã làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu. Để đối phó với chi phí đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá cả đầu ra và mức tăng là lớn nhất trong thời kỳ ba tháng.

Bên cạnh đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã bị kéo dài lần đầu tiên trong sáu tháng khi những người trả lời khảo sát cho rằng việc các công ty bán hàng thiếu nhân công đã ảnh hưởng đến khả năng giao hàng đúng hạn.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM