Ông Trần Bá Dương: Muốn DN tiếp tục sản xuất ô tô tại Việt Nam cần có ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt

02/03/2017 08:54 AM | Kinh doanh

Đây là ý kiến của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco tại tọa đàm về ngành ô tô do Bộ Công Thương vừa tổ chức.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải thì cho rằng, muốn giữ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam, cần có sự ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt , nhất là ưu đãi cho linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

“Hiện nay, xe Fortuner của Toyota đang nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, chịu thuế 30% trong khi đó thuế xe lắp ráp tại Việt Nam chỉ 5% nhưng Toyota vẫn chọn phương án nhập khẩu. Có thể do Toyota nhập khẩu để giữ thị trường. Nhưng đến 2018, thuế xe nhập khẩu về 0%, thuế linh kiện cũng về 0% thì sản xuất ở Indonesia và Thái Lan vẫn rẻ hơn ở Việt Nam 20%. Như vậy, ta chỉ còn mỗi thuế tiêu thụ đặc biệt, liệu thuế này có ưu đãi cho linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước hay không? Nếu không làm được thì rất khó để duy trì sản xuất, lắp ráp xe trong nước”, ông Trần Bá Dương nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Chính sách phát triển nền công nghiệp ô tô của Việt Nam luôn nhất quán trên cơ sở Chiến lược và Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, gắn với thực tế của Việt Nam cũng như cam kết quốc tế. Với dân số trên 100 triệu, thị trường Việt đang được đánh giá là tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Trên thực tế, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, GDP bình quân đầu người và tỉ lệ dân số tầng lớp trung lưu ngày một tăng, thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là đang trên đà tăng trưởng tốt với tốc độ tăng bình quân hai năm gần đây đạt gần 40%. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng mà không một doanh nghiệp sản xuất ô tô nào có thể bỏ qua.

Năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông tại thị trường Việt Nam là 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước: 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc. Hiện tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô đạt khoảng 500.000 xe/năm. 12 hãng có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 ngàn xe/năm trong năm 2016.

Đối diện với việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm xuống 0% vào năm 2018, một số doanh nghiệp FDI đang có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cho rằng, hãng sẽ giảm bớt các mẫu xe để tăng sản lượng, giảm giá thành xe lắp ráp tại Việt Nam với điều kiện ngành công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô của Việt Nam cần tiếp tục phát triển.

Các DN FDI muốn ở lại Việt Nam phải giảm mẫu xe để tăng sản lượng

Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam (kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA) cho biết, hãng đang cố gắng thu hẹp lại các dòng xe đang sản xuất tại Việt Nam (2016 làm 5 dòng, 2017 chỉ làm 4 dòng) để tăng sản lượng, 1 năm làm khoảng 50.000 xe.

“Nếu có thể giữ được mức này thì chúng tôi vẫn muốn duy trì sản xuất ở Việt Nam và hướng đến có thể chỉ làm 2-3 mẫu xe. Từ đầu năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, xét về góc độ thị trường thì đây là tín hiệu tốt song đối với nền sản xuất trong nước thì đây lại là áp lực lớn. Như vậy, làm thế nào để mức thuế đó trở thành ‘cú hạ cánh mềm’ là một câu hỏi rất lớn cần giải đáp?", ông Toru Kinoshita nói.


Các doanh nghiệp FDI vẫn muốn ở lại Việt Nam sản xuất, lắp ráp ô tô

Các doanh nghiệp FDI vẫn muốn ở lại Việt Nam sản xuất, lắp ráp ô tô

Tổng Giám đốc Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng, cho biết, hiện Ford đang sản xuất 4-6 dòng xe tại Việt Nam nhưng trong tương lai (sau 2018) sẽ giảm bớt, chỉ sản xuất một số dòng để chuyên môn hóa.

General Moto (GM) cho biết thời gian tới vẫn muốn được sản xuất ô tô tại Việt Nam nếu như mức thuế nhập khẩu linh kiện từ Hàn Quốc về Việt Nam giảm để xe lắp ráp tại Việt Nam có giá cạnh tranh hơn. “Chúng tôi nhìn thấy thị trường tiềm năng ở Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với các cơ quan Nhà nước để vượt qua khó khăn trong các giai đoạn sắp tới”, đại diện GM chia sẻ.

Hiện GM đang bán khoảng 10.000 xe ô tô/năm trong đó 90% số lượng xe bán ra là xe sản xuất tại Việt Nam.

Ông Kayano Kiwamu, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam cũng chia sẻ mong muốn phát triển sản xuất cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề gặp khó khăn do thị trường nhỏ, hạ tầng chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, đại diện Honda đề xuất cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, hỗ trợ phát triển thị trường ô tô; bên cạnh đó Chính phủ cũng cần ban hành các văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô một cách bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng muốn tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô thì cần phải làm và làm quyết liệt công nghiệp hỗ trợ. Bởi nếu không có công nghiệp hỗ trợ thì khó phát triển công nghiệp ô tô.

Theo Hải Minh

Cùng chuyên mục
XEM