Doanh nghiệp Việt mất 2 triệu USD chỉ để chạy Marketing cho TMĐT 2 năm đầu, sau đó mới tính được chuyện ‘tồn tại hay không tồn tại’
Chi phí Marketing giữ vai trò then chốt cho lĩnh vực thương mại điện tử, và nó không hề ít như nhiều người vẫn nghĩ. Ngân sách chạy Marketing cho kế hoạch trong 2 năm đầu của TMĐT dao động xấp xỉ 2 triệu USD, và tính "sống còn"" sẽ được định đoạt sau thời gian này, theo Savills.
Thời đại người người nhà nhà bán hàng online khiến cuộc cạnh tranh giữa cá nhân bán hàng trên Facebook với các trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Tiki… trở nên khập khiễng.
"Chi phí thấp dẫn đến giá thành sản phẩm thấp nên mô hình "bán hàng qua mạng xã hội" này vẫn được đón nhận bởi số đông. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành, đang gặp không ít khó khăn từ các gánh nặng chi phí liên quan", ông Phạm Thái Bình, Trưởng Bộ phận Bán lẻ, Savills TPHCM bình luận.
Trong các gánh nặng chi phí, chi phí Marketing (tiếp thị quảng cáo) giữ vai trò then chốt cho lĩnh vực này và không hề ít như nhiều người vẫn nghĩ.
"Theo như ghi nhận, ngân sách chạy Marketing cho kế hoạch trong 2 năm đầu của thương mại điện tử dao động xấp xỉ 2 triệu USD, và tính "sống còn" sẽ được định đoạt sau thời gian này".
"Xét trên thực tế, chúng ta chứng kiến không ít thương hiệu rời bỏ cuộc chơi trong thời gian qua như Beyeu, Deca, Foodpanda… và nhiều doanh nghiệp rút lui lặng lẽ. Dù được đánh giá là màu mỡ, thế nhưng, mảnh đất TMĐT không dễ đãi ngộ bất cứ ai, và đâu đó, nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn trong giai đoạn khó khăn để tìm chỗ đứng cho mình", ông Bình thẳng thắn.
Thương mại điện tử Việt Nam – Hành trình của đóa hồng lắm gai!
Đó cũng là lý do bộ phận Bán lẻ Savills nhìn nhận thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam là hành trình của hoa hồng – một đóa hồng lắm gai.
Theo thông tin từ Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, ngành TMĐT Việt Nam đang có mức tăng trưởng vào khoảng 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Lợi nhuận của nhãn hiệu nội địa chỉ tầm khoảng 40-45%, trong khi đó, chi phí phải trả cho đơn vị TMĐT trung bình 30%. Họ buộc phải đưa giá cao lên để hạn chế rủi ro từ việc trả hàng, tồn hàng...
Bên cạnh doanh nghiệp, các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư cho các sàn và các trang web thương mại điện tử trong nước, khiến thị trường này ngày càng sôi động.
Dù tiềm năng phát triển là có thật, thế nhưng, TMĐT tại Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại như sự phát triển thiếu bền vững, người tiêu dùng còn nhiều nghi ngại ở sản phẩm, thông tin còn đơn điệu, thiếu chi tiết, thiếu sức hấp dẫn cũng như một số công cụ hỗ trợ khách hàng.
Theo nghiên cứu, khoảng trên 50% người mua sắm Việt Nam thích mua hàng ở nước ngoài do sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, bên cạnh dịch vụ, thanh toán, hâụ mãi,… Ngoài ra, thói quen mua sắm đặc trưng của người VN là "thấy, sờ và… thử" nên không ít khách hàng chủ yếu dạo chơi trên mạng để khảo giá là chính.
Bên cạnh đó, những khó khăn còn tồn đọng của TMĐT tại Việt Nam cũng đến từ nhiều nguyên nhân.
Nhiều thương hiệu có tên tuổi quy định không có chính sách bán hàng qua trang TMĐT, dẫn đến sự thiếu tính đa dạng chủng loại và các thương hiệu còn lại chủ yếu vẫn là những sản phẩm nội địa.
Thông thường, lợi nhuận của nhãn hiệu nội địa chỉ tầm khoảng 40-45%, trong khi đó, chi phí phải trả cho đơn vị TMĐT khá cao trung bình 30%. Để hạn chế rủi ro từ việc trả hàng, tồn hàng, hàng qua mùa, hay các chương trình khuyến mãi của trang TMĐT…, các nhà bán lẻ phải đưa giá thành cao hơn. Vô hình chung, trang TMĐT mang tính quảng cáo nhiều hơn và thậm chí đây cũng là kênh tốt để các nhà bán lẻ cho các mục tiêu marketing hay branding - làm thương hiệu.